Demadex là thuốc lợi tiểu thường được chỉ định các chứng phù do suy tim, phù do phổi, gan, thận. Vậy cơ chế tác dụng, thành phần chính và một số lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?
1. Demadex là thuốc gì?
Demadex có thành phần hoạt chất chính là Torasemide - thuộc nhóm thuốc lợi tiểu quai. Tác dụng loại bỏ tình trạng giữ nước gây phù trong cơ thể, thông qua bài tiết nước tiểu.
Cơ chế tác động của thuốc thông qua việc ức chế tái hấp thu natri và clorua tại nhánh lên của quai Henle trong quá trình hình thành nước tiểu ở thận. Ở liều thấp, Demadex tác dụng giống với thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, nhưng ở liều cao hơn thuốc gây bài niệu mạnh và tác dụng trần cao.
Hoạt chất Torasemid của thuốc đã được chứng minh cải thiện tình trạng suy tim qua cơ chế giảm tiền gánh và hậu gánh; Giảm thể tích ngoại bào, giảm huyết áp ở bệnh nhân có bệnh lý thận mạn tính; Giảm sự tích tụ collagen, từ đó làm giảm xơ hóa cơ tim.
Ở đường uống, Demadex hấp thụ nhanh và hoàn toàn, sinh khả dụng đạt 80%, liên kết với protein huyết tương 99%, thải từ qua phân và nước tiểu. Thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 1 giờ, tác dụng kéo dài đến 12 giờ.
Thức ăn có thể làm chậm thời gian đạt nồng độ đỉnh của thuốc nhưng không ảnh hưởng đến sự hấp thu và tác dụng lợi tiểu của thuốc.
2. Chỉ định của thuốc Demadex
Thuốc Demadex được chỉ định điều trị trong các trường hợp bệnh lý sau:
- Giảm phù nề do các bệnh lý của tim, bệnh lý ở gan và ở thận.
- Giảm triệu chứng khó thở do phù nề đường hô hấp, phù phổi.
- Giảm phù ở tay, chân, mặt do dị ứng hay do thuốc.
- Điều trị tăng huyết áp đơn trị liệu, hoặc phối hợp với các thuốc khác.
3. Chống chỉ định của thuốc Demadex
Không sử dụng thuốc Demadex trong các trường hợp bệnh lý sau:
- Bệnh nhân dị ứng với thành phần Torasemide, thuốc lợi tiểu nhóm sulphonylurea hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân suy thận do không bài tiết được nước tiểu (vô niệu).
- Bệnh nhân có tình trạng huyết áp thấp chưa kiểm soát được.
- Bệnh lý gan nặng ở giai đoạn hôn mê gan hoặc tiền hôn mê gan.
- Giảm thể tích tuần hoàn do các bệnh lý mất máu, mất nước nặng.
- Bệnh nhân đang có các triệu chứng rối loạn nhịp tim.
- Trẻ em dưới 18 tuổi, Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không có chỉ định dùng thuốc Demadex.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Demadex
- Chưa đảm bảo được lợi ích và tính an toàn của thuốc cho thai nhi, do đó phụ nữ có thai không nên dùng thuốc và nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong suốt quá trình điều trị bằng Demadex.
- Thuốc có thể qua được sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ, nên ngừng cho trẻ bú nếu mẹ bắt buộc phải dùng thuốc Demadex.
- Ngưng sử dụng thuốc nếu phải thực hiện các phương pháp cận lâm sàng có tiêm thuốc cản quang như chụp X-Quang, CT-Scan,... do Demadex làm tăng bài niệu thuốc cản quang.
- Kiểm tra các chỉ số điện giải kali máu, natri máu, các thông số về thể tích máu trước khi dùng thuốc. Không nên dùng thuốc ở bệnh nhân giảm thể tích máu, rối loạn điện giải hay rối loạn tiểu tiện.
- Sử dụng thuốc liều cao, lợi tiểu quá mức đặc biệt ở người cao tuổi có thể gây tình trạng mất nước nghiêm trọng, giảm thể tích máu, suy tuần hoàn gây huyết khối tắc mạch.
- Bệnh nhân xơ gan, đang sử dụng corticosteroid hoặc ACTH khi dùng thuốc tăng nguy cơ hạ Kali máu, hôn mê gan đột ngột do mất cân bằng điện giải.
- Nên thận trọng khi điều trị trên bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, đang sử dụng các thuốc glycosid tim do làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim thứ phát.
- Theo dõi thường xuyên các chỉ số điện giải, glucose, acid uric, creatinin và lipid máu nếu sử dụng thuốc Demadex kéo dài.
- Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân có các rối loạn tiểu tiện (khó tiểu) do bệnh lý ở thận, phì đại tuyến tiền liệt do thuốc có thể gây bí tiểu cấp tính.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
- Demadex được bào chế dưới dạng viên nén trắng với các hàm lượng khác nhau (5mg, 10mg, 20mg, 100mg).
- Uống nguyên viên với nước lọc, không nghiền nát, bẻ vụn viên thuốc và uống thuốc không cùng với thức ăn để đạt hiệu quả tốt nhất.
Liều dùng:
- Phù do suy tim: Liều ban đầu 10 - 20mg/ lần/ ngày. Tăng liều đến khi đạt hiệu quả lợi tiểu mong muốn. Liều tối đa 200mg/ ngày.
- Phù do thận: Liều ban đầu 20mg/ lần/ ngày. Tăng liều đến khi đạt hiệu quả lợi tiểu mong muốn. Liều tối đa 200mg/ ngày.
- Phù do xơ gan: Liều ban đầu 5 - 10mg/ lần/ ngày phối hợp với các thuốc kháng aldosterone hoặc thuốc lợi tiểu giữ Kali. Có thể tăng dần liều đến khi đáp ứng điều trị. Liều tối đa 40mg/ ngày.
- Điều trị huyết áp cao: Liều khởi đầu 5mg/ lần/ ngày, tăng liều lên 10mg sau 4-6 tuần nếu không đáp ứng điều trị. Nếu vẫn chưa đạt được huyết áp mục tiêu cần phối hợp thêm 1 loại thuốc hạ áp khác.
- Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng tình trạng bệnh lý và đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều dùng Demadex khác nhau.
Xử trí quá liều:
- Nếu vô tình sử dụng quá liều Demadex bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như: mất nước, mất điện giải quá mức, buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa, lú lẫn, hạ huyết áp, hạ kali máu, hạ natri máu, hạ clo máu, suy tuần hoàn,...
- Xử trí: Ngưng thuốc ngay, bù nước, điện giải bằng cả đường uống và đường tĩnh mạch; Xử trí, điều trị các triệu chứng quá liều.
6. Tương tác thuốc của Demadex
Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp Demadex với các thuốc khác như sau:
- Phối hợp với các thuốc Desmopressin, Lithium có thể làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc.
- Phối hợp với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), probenecid, thuốc trị ho, thuốc kháng histamin có thể làm tăng huyết áp hoặc làm giảm tác dụng lợi tiểu của thuốc. .
- Phối hợp với các glycosid tim có thể làm tăng nhạy cảm của cơ tim gây ra tình trạng hạ Kali máu hoặc hạ Magie máu nghiêm trọng.
- Khi phối hợp Demadex với các thuốc hạ huyết áp khác có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp quá mức.
- Dùng liều cao Demadex phối hợp với các kháng sinh nhóm aminoglycosid, kháng sinh nhóm cephalosporin làm tăng độc tính của kháng sinh cho cơ thể.
- Demadex làm tăng tác dụng của các thuốc giãn cơ chứa Curare và Theophylline; làm tăng độc tính của Salicylat khi dùng liều cao.
- Phối hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường làm giảm hiệu quả hạ đường huyết của thuốc.
Một số tương tác khác chưa được chứng minh đầy đủ, do đó trước khi phối hợp điều trị Demadex với bất cứ loại thuốc nào khác người bệnh nên báo cho bác sĩ tất cả tình trạng bệnh lý và các thuốc đang sử dụng trong thời gian gần đây.
7. Tác dụng phụ của thuốc Demadex
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Demadex:
- Phản ứng dị ứng gây nổi mề đay, sưng phù đường hô hấp, khó thở, sưng môi mặt, cổ họng,...
- Cảm giác lâng lâng, mệt mỏi, ngất.
- Ù tai, giảm thính lực đột ngột có thể hồi phục sau khi ngưng thuốc.
- Tiểu ít, tiểu đau, tiểu khó, bí tiểu, giãn bàng quang.
- Phù ở bàn chân, mắt cá chân.
- Hạ Magie máu gây: bồn chồn, chóng mặt, nhịp tim không đều, chuột rút, co thắt cơ, ho,...
- Hạ Kali máu gây: chuột rút, táo bón, tức ngực, khát nước, tiểu nhiều, tê, ngứa, yếu cơ,...
- Hạ natri máu gây: đau đầu, nói lắp, lú lẫn, suy nhược, nôn mửa, mất điều hợp vận động,...
- Rối loạn chức năng hệ tiêu hóa gây: đau bụng, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón,...
- Tăng men gan, tăng acid uric máu, tăng glucose máu, tăng lipid máu.
- Tăng ure máu, tăng creatinin.
Tóm lại, Demadex là thuốc lợi tiểu sử dụng trong hầu hết các trường hợp phù do tim, gan, thận hoặc các bệnh lý phù khác. Thuốc cho tác dụng nhanh nhưng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Do đó, luôn sử dụng dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.