Tác động của thuốc PPI lên hàng rào niêm mạc ruột trong bệnh viêm ruột

Một số nghiên cứu quan sát gần đây đã chỉ ra mối liên quan giữa việc sử dụng PPI và nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau, bao gồm bệnh thận, chứng mất trí, gãy xương, nhồi máu cơ tim, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột và các bệnh ác tính đường tiêu hóa và gan-mật-tuyến tụy. Một số nghiên cứu cũng gợi ý về mối liên hệ tiềm ẩn giữa việc sử dụng PPI và IBD.

Bài viết được viết bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tổng quan


Bệnh viêm ruột (IBD), bao gồm viêm loét đại tràng (UC) và bệnh Crohn (CD), là một rối loạn viêm mãn tính không lây nhiễm của đường tiêu hóa. UC chủ yếu giới hạn ở tình trạng viêm niêm mạc đại tràng, trong khi CD có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu mô. IBD hiện đã trở thành mối quan tâm về sức khỏe toàn cầu do lối sống và thói quen ăn uống của thế kỷ 21. 

Các nghiên cứu dịch tễ học gần đây chỉ ra rằng gần 6,8 triệu người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi IBD. Chỉ riêng ở Bắc Mỹ và Châu Âu, số ca mắc IBD lần lượt vượt quá 1,5 triệu và 2 triệu. Ngoài ra, các nước mới công nghiệp hóa ở Nam Mỹ, Châu Á và Châu Phi cũng đang báo cáo sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ mắc IBD. 

Mặc dù nguyên nhân chính xác của IBD vẫn chưa được biết, nhưng người ta tin rằng sự tương tác phức tạp của các yếu tố, bao gồm cơ địa dễ mắc bệnh, các yếu tố môi trường, rối loạn miễn dịch và những thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột, là nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

Hơn nữa, một số loại thuốc nhất định cũng có liên quan đến sự phát triển của IBD, bao gồm thuốc tránh thai đường uống, thuốc chống viêm không steroid, rituximab và thuốc kháng sinh. Gần đây hơn, thuốc ức chế bơm proton (PPI) đã nổi lên như là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với IBD.

Một số nghiên cứu quan sát gần đây đã chỉ ra mối liên quan giữa việc sử dụng PPI và nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau, bao gồm bệnh thận, chứng mất trí, gãy xương, nhồi máu cơ tim, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột và các bệnh ác tính đường tiêu hóa và gan-mật-tuyến tụy. Một số nghiên cứu cũng gợi ý về mối liên hệ tiềm ẩn giữa việc sử dụng PPI và IBD.

Tác động của thuốc kháng tiết acid  lên hàng rào niêm mạc ruột trong bệnh viêm ruột

Cần phải duy trì đầy đủ thành phần và chức năng của hàng rào niêm mạc ruột để duy trì cân bằng sinh lý và miễn dịch bình thường trong ruột. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các khiếm khuyết trong hàng rào ruột có thể góp phần kích hoạt tình trạng viêm, đặc biệt là ở IBD. Sự phá vỡ hàng rào niêm mạc ruột, chẳng hạn như hàng rào liên kết chặt (TJ), đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh bệnh của IBD. 

Sử dụng PPI trong thời gian dài có thể làm tăng tính thấm của ruột

Nighot và cộng sự đã chứng minh rằng việc sử dụng PPI trong thời gian dài có thể làm tăng tính thấm của TJ ruột và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm đại tràng thực nghiệm. Myosin light chain kinase (MLCK) là chất điều hòa chính của rối loạn chức năng hàng rào. MLCK có thể làm tăng tính thấm của TJ bằng cách sắp xếp lại bộ khung tế bào actin. 

Sự gia tăng pH ngoại bào do PPI gây ra sẽ kích hoạt và điều hòa tăng biểu hiện MLCK thông qua p38 MAPK, dẫn đến tăng tính thấm và phá vỡ hàng rào TJ. Độ pH ngoại bào tăng lên này cũng có thể thúc đẩy sự gia tăng nồng độ canxi nội bào, đóng vai trò quan trọng trong quá trình kích hoạt MLCK. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng tin rằng PPI có thể chặn các kênh ion canxi trong cơ trơn, ức chế dòng ion canxi vào tế bào và dẫn đến giãn cơ trơn phụ thuộc vào liều lượng. Sự ức chế hoạt động co bóp của cơ trơn do PPI gây ra này có thể có tác động đáng kể đến tính thấm của ruột và hệ vi khuẩn đường ruột. 

Sự thay đổi nồng độ canxi nội bào do PPI gây ra này cần được đánh giá thêm. Giảm pH có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn Escherichia coli gây bệnh trong điều kiện ruột mô phỏng. Tuy nhiên, sự gia tăng pH do PPI gây ra có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột bằng cách làm tăng số lượng vi khuẩn Gram âm.  Do đó, sự thay đổi pH lòng ống tiêu hóa do PPI gây ra có thể gây ra chứng loạn khuẩn đường ruột, dẫn đến tăng tính thấm của ruột.

Tác động của thuốc ức chế bơm proton (PPI) lên hàng rào niêm mạc ruột

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) có thể làm tăng tính thấm của mối nối chặt ruột (TJ) bằng cách kích hoạt kinase chuỗi nhẹ myosin (MLCK). Độ pH ngoại bào tăng do PPI gây ra sẽ kích hoạt và điều hòa tăng biểu hiện MLCK thông qua p38 MAPK. PPI có thể thúc đẩy tăng nồng độ canxi nội bào, đây cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình kích hoạt MLCK. 

Ngoài ra, sự gia tăng pH do PPI gây ra có thể làm tăng số lượng vi khuẩn Gram âm và gây ra chứng loạn khuẩn đường ruột, dẫn đến tăng tính thấm ruột. Hệ vi khuẩn đường ruột di chuyển qua TJ và kích thích hệ thống miễn dịch gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm ruột.

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) có thể làm tăng tính thấm của mối nối chặt ruột (TJ) bằng cách kích hoạt kinase chuỗi nhẹ myosin (MLCK).
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) có thể làm tăng tính thấm của mối nối chặt ruột (TJ) bằng cách kích hoạt kinase chuỗi nhẹ myosin (MLCK).

Tác động khác nhau đối với các thuốc PPI khác nhau

Son và cộng sự, thông qua một thí nghiệm trên động vật sử dụng mô hình viêm đại tràng do dextran natri sulfat gây ra, đã chứng minh rằng tegoprazan, một chất chẹn axit cạnh tranh kali mới, có thể làm giảm tính thấm của ruột và điều hòa tăng biểu hiện của protein TJ zonula occludens 1 và occludin. 

Ngược lại, rabeprazole không làm giảm tổn thương hàng rào ruột. Trên thực tế, nó có xu hướng làm suy giảm chức năng hàng rào theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Son và cộng sự nhấn mạnh rằng, trái ngược với rabeprazole, tegoprazan có thể bảo vệ trực tiếp chức năng hàng rào ruột. 

Tuy nhiên, một thí nghiệm trên động vật khác cho thấy lansoprazole có thể làm giảm tổn thương niêm mạc ruột ở chuột mắc bệnh viêm ruột IBD bằng cách giảm nồng độ myeloperoxidase và superoxide dismutase và khôi phục nồng độ oxit nitric đại tràng. 

Hiện tại, các nghiên cứu này chỉ giới hạn ở các thí nghiệm trên động vật. Cần nghiên cứu và quan sát thêm để xác định xem những tác động tương tự có xảy ra ở người hay không và để khám phá các cơ chế có thể liên quan tới thuốc PPI.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

1. GBD 2017 Inflammatory Bowel Disease Collaborators. The global, regional, and national burden of inflammatory bowel disease in 195 countries and territories, 1990-2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2017. Lancet Gastroenterol Hepatol. 2020;5:17–30.  
2. Ng SC, Shi HY, Hamidi N, Underwood FE, Tang W, Benchimol EI, Panaccione R, Ghosh S, Wu JCY, Chan FKL, Sung JJY, Kaplan GG. Worldwide incidence and prevalence of inflammatory bowel disease in the 21st century: a systematic review of population-based studies. Lancet. 2017;390:2769–2778.
3. Liang Y, Meng Z, Ding XL, Jiang M. Effects of proton pump inhibitors on inflammatory bowel disease: An updated review. World J Gastroenterol. 2024;30:2751-2762.  [PubMed]  [DOI]  [Cited in This Article: 10]
 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe