Sự thật về Carbs, Chất xơ và Bệnh đái tháo đường

Khi bệnh nhân đái tháo đường theo dõi chế độ ăn của bản thân, carbohydrate (carbs) sẽ là mối quan tâm đặc biệt bởi đó là thành phần có tác động nhanh và mạnh tới nồng độ đường huyết hơn so với protein hay chất béo. Chất xơ tuy thuộc loại carbs phức tạp, nhưng lại vô cùng quan trọng và cần thiết đối với bệnh nhân đái tháo đường.

1. Carbs và bệnh đái tháo đường

Carbs là một thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể con người sử dụng để tạo ra năng lượng. Carbs bao gồm carbs đơn giản (simple carbohydrate) và carbs phức tạp (complex carbohydrate).

Carbs đơn giản có cấu trúc chỉ có một hoặc hai phân tử đường. Carbs đơn giản có một phân tử đường gọi là monosaccharide (gồm fructose trong hoa quả,...); carbs đơn giản có hai phân tử đường gọi là disaccharide (gồm sucrose trong đường cát, lactose trong chế phẩm sữa, maltose trong bia và một số loại rau,...).

Carbs phức tạp có cấu trúc chứa từ ba phân tử đường trở lên, gọi là polysaccharide, là thành phần chính của các thức ăn tinh bột. Polysaccharide gồm hai loại là polysaccharide phân nhánh và polysaccharide không phân nhánh. Carbs phức tạp có trong đậu, lạc, khoai tây, ngô, củ cải vàng, ngũ cốc, ngũ cốc nguyên hạt,... Chất xơ cũng thuộc loại carbs phức tạp.

Các nguồn carbs tự nhiên mà con người thường sử dụng gồm có:

  • Hoa quả
  • Các loại rau
  • Sữa
  • Các loại hạt
  • Ngũ cốc
  • Các loại mầm
  • Các thực phẩm thuộc họ đậu

Carbs là một thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể con người sử dụng để tạo ra năng lượng
Carbs là một thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể con người sử dụng để tạo ra năng lượng

Một gram carbs cung cấp xấp xỉ 4 kcal, bằng lượng năng lượng một gram protein cung cấp, còn một gram lipid cung cấp khoảng 9 kcal.

Theo khuyến cáo dinh dưỡng của Hoa Kỳ đối với người trưởng thành khỏe mạnh, nên cung cấp cho cơ thể 45 - 65% tổng số năng lượng từ carbs, trong đó tối đa 10% từ carbs đơn giản. Như vậy, nếu tổng lượng năng lượng mỗi ngày là 2000 calo, thì lượng năng lượng do carbs cung cấp sẽ rơi vào khoảng 900 - 1300 calo, tương đương với số lượng carbs ăn vào mỗi ngày là 225 - 325 g.

Việc tính lượng carbs từ các đồ ăn thức uống giúp ích rất nhiều trong việc chia đều cho các bữa ăn, từ đó insulin sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Nếu lượng insulin sử dụng quá ít sẽ gây ra tăng nồng độ đường huyết, còn nếu lượng insulin sử dụng quá nhiều sẽ dẫn tới hạ nồng độ đường huyết. Cả hai tình huống đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự an toàn của bệnh nhân.

Khi biết cách tính lượng carbs, bệnh nhân đái tháo đường có thể sử dụng gần như hầu hết các loại thực phẩm, bởi thông tin về sản phẩm có thể tìm thấy trên nhãn, và với hàm lượng carbs có trên nhãn, bệnh nhân có thể tự tính toán để sử dụng cho phù hợp với chế độ ăn của mình.

Phần thông tin dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm sẽ giúp nhận biết carbs tốt và carbs xấu. Các phần nên chú ý là:

  • Tổng lượng carbohydrate (total carbohydrate): để giúp nhận biết tổng lượng carbohydrate có trong sản phẩm, trong đó có hàm lượng của các yếu tố cấu thành như đường, chất xơ và các loại carbohydrate khác.
  • Chất xơ thực phẩm (dietary fiber): cho biết tổng lượng chất xơ có trong sản phẩm.
  • Đường (sugars): phần này cho biết tổng lượng carbohydrate từ đường có trong sản phẩm, và đường này có thể là đường tự nhiên như lactose và fructose hoặc có thể là đường bổ sung như siro ngô giàu fructose.
  • Các loại carbohydrate khác (other carbohydrate): mục này cho biết tổng lượng của các loại carbohydrate có thể tiêu hóa khác mà không phải đường.
  • Dẫn xuất rượu của đường (sugar alcohols): một số nhãn sản phẩm có mục dẫn xuất rượu của đường bên dưới phần tổng lượng carbohydrate. Với một số người, dẫn xuất rượu của đường có thể gây nên một số vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng hoặc tiêu chảy. Nếu quan tâm về thành phần này, nó sẽ được liệt kê dưới những cái tên như lactitol, mannitol, maltitol, sorbitol, xylitol,...

Việc tính lượng carbs rất có ích đối với những bệnh nhân đang điều trị bằng insulin nhiều lần trong ngày, hoặc với những bệnh nhân muốn đa dạng hóa nguồn thực phẩm trong chế độ ăn. Liều và loại insulin bệnh nhân được chỉ định sử dụng có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt trong cách xây dựng chế độ ăn.

Bên cạnh việc tính lượng carbs, bệnh nhân còn có thể sử dụng bảng trao đổi thực phẩm dành cho chế độ ăn uống của bệnh nhân đái tháo đường. Để nắm rõ nguyên tắc cũng như cách sử dụng bảng, bệnh nhân cần tham vấn hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

2. Chất xơ có vai trò như thế nào đối với bệnh nhân đái tháo đường?


Chất xơ có vai trò như thế nào đối với bệnh nhân đái tháo đường?
Chất xơ có vai trò như thế nào đối với bệnh nhân đái tháo đường?

Cơ thể con người không có những enzyme cần thiết để tiêu hóa chất xơ, do đó chất xơ không thể chuyển hóa được thành năng lượng. Tuy nhiên chất xơ lại là thành phần không thể thiếu, bởi chất xơ làm chậm lại quá trình hấp thu các dưỡng chất khác trong bữa ăn (bao gồm cả carbs), nhờ đó giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát được nồng độ đường huyết, tránh hiện tượng tăng đường huyết đột ngột sau ăn. Một số loại chất xơ nhất định trong yến mạch, các loại đậu và một số hoa quả có thể giúp hạ thấp nồng độ cholesterol “xấu” - low density lipoprotein cholesterol (LDL cholesterol) trong máu.

Cách duy nhất để có được chất xơ tự nhiên là tiêu thụ các thức ăn có nguồn gốc thực vật. Để có nhiều chất xơ, hãy ăn nhiều các thức ăn sau đây:

  • Rau và hoa quả tươi
  • Các loại đậu và đỗ đã nấu chín
  • Bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc, bánh mặn
  • Gạo lứt
  • Các sản phẩm gạo nguyên cám
  • Các loại hạt và các loại mầm

Lượng chất xơ người trưởng thành cần ăn mỗi ngày là:

  • Nam giới từ 50 tuổi trở xuống: 38g
  • Nam giới trên 50 tuổi: 30g
  • Nữ giới từ 50 tuổi trở xuống: 25g
  • Nữ giới trên 50 tuổi: 21g

Cách duy nhất để có được chất xơ tự nhiên là tiêu thụ các thức ăn có nguồn gốc thực vật
Cách duy nhất để có được chất xơ tự nhiên là tiêu thụ các thức ăn có nguồn gốc thực vật

Dù cách tốt nhất để có được chất xơ là ăn các thức ăn có nguồn gốc thực vật, nhưng hiện nay con người cũng có thể bổ sung thêm chất xơ từ các viên bổ sung, ví dụ như psyllium và methylcellulose.

Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn giúp ích rất nhiều cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn như phòng tránh đầy hơi và đau bụng. Tuy nhiên để hệ tiêu hóa nói riêng, và cơ thể nói chung được khỏe mạnh bệnh nhân cũng cần lưu ý uống đủ số lượng nước cần thiết mỗi ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe