Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tắc động mạch ngoại biên là bệnh lý thầm lặng hoặc có biểu hiện nhưng không rõ ràng khiến việc điều trị thường bị chậm trễ và người bệnh phải chịu những di chứng nặng nề như cưa chân do hoại tử.
1. Bệnh tắc động mạch ngoại biên là gì?
Động mạch có vai trò dẫn máu từ tim đến các mao mạch trên cơ thể, cung cấp oxy và duy trì hoạt động sống. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà các mảng xơ vữa và huyết khối làm tắc nghẽn động mạch và gây ra tình trạng tắc động mạch. Tắc động mạch có thể gặp ở chi, tắc mạch vành hoặc tắc mạch máu não... trong đó tắc động mạch ngoại biên là trường hợp thường gặp nhất.
Bệnh tắc động mạch ngoại biên là tình trạng động mạch cung cấp máu cho các chi bị tắc nghẽn do xơ vữa hoặc huyết khối trong lòng mạch, từ đó gây ra tình trạng tê chân tay, đau đớn, thậm chí là hoại tử nếu không được điều trị.
Bệnh tắc động mạch ngoại biên thường gặp ở người cao tuổi hoặc nhóm người có nguy cơ như sau:
- Hút thuốc lá: Hút thuốc được cho là nguyên nhân chính của bệnh tắc động mạch ngoại biên, các nghiên cứu chỉ ra người nghiện thuốc thường bị bệnh sớm hơn 10 năm so với người không hút thuốc.
- Bệnh tiểu đường: Lớp nội mạc mạch ở người bệnh tiểu đường dễ bị tổn thương và nguy cơ cao bị lắng đọng mỡ thừa trong lòng mạch máu.
- Tăng huyết áp: Người bệnh cao huyết áp thường có áp lực máu nên thành mạch cao hơn so với người bình thường, vì vậy mạch máu cũng dễ bị tổn thương hơn.
- Rối loạn mỡ máu, béo phì đều là nguyên nhân hình thành xơ vữa mạch máu.
2. Sự nguy hiểm của bệnh tắc động mạch ngoại biên
Tại sao bệnh tắc động mạch ngoại biên lại nguy hiểm? Sau đây là những lý do khiến căn bệnh này đáng để nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ y tế cũng như công đồng:
- Hơn 75% người bệnh tắc động mạch ngoại biên không có biểu hiện triệu chứng, đồng nghĩa với người bệnh không phát giác ra bệnh cho đến khi tiến triển nặng và gặp nhiều khó khăn trong điều trị.
- Bệnh tắc động mạch ngoại biên rất dễ chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh lý khác nhau và bỏ qua thời điểm tốt nhất để điều trị bệnh.
- Người mắc bệnh tắc động mạch ngoại biên có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ so với người bình thường.
- Bệnh tắc động mạch ngoại biên nếu không được điều trị kịp thời có thể bị hoại tử và phải cắt cụt chi.
- Tỷ lệ mắc bệnh tắc động mạch ngoại biên cao dần theo tuổi thọ và có đến 20% người mắc bệnh sau 70 tuổi.
3. Bệnh tắc động mạch ngoại biên điều trị như nào?
Các triệu chứng lâm sàng của tắc động mạch ngoại biên thường khó nhận biết bởi những dấu hiệu đó thường tương tự nhiều bệnh lý khác, tuy nhiên bác sĩ khám lâm sàng sẽ dựa vào triệu chứng đau cách hồi và bắt mạch chân để chẩn đoán.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số thăm dò như:
- Chụp cộng hưởng từ.
- Siêu âm doppler mạch máu.
- Chụp MSCT.
- Chụp động mạch cản quang.
Sau khi có kết quả chẩn đoán, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp với tình trạng.
Về nguyên tắc điều trị tắc động mạch, giảm đau và ngăn chặn tiến triển xấu của bệnh là vấn đề đầu tiên được thực hiện, sau đó phụ thuộc vào mức độ trầm trọng, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị như sau:
- Luyện tập, thay đổi thói quen ăn uống: Đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, bác sĩ sẽ giúp người bệnh lập kế hoạch tập luyện phù hợp. Mặc dù phương pháp này cho kết quả chậm nhưng đây là bước điều trị cơ bản và không thể bỏ qua. Bên cạnh việc tập luyện thì chế độ ăn cũng rất quan trọng, nhất là những bệnh nhân tắc động mạch do mỡ máu. Người bệnh cũng phải bỏ thuốc lá trong quá trình điều trị căn bệnh này, bởi thuốc lá cũng là một trong những yếu tố gây ra tắc nghẽn mạch máu.
- Điều trị bằng thuốc: Một số loại thuốc được kê như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều chỉnh mỡ máu, nhóm cilostazol, pentoinfylin, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel)...)
- Can thiệp qua đường ống thông: Sử dụng phương pháp nong hoặc đặt stent động mạch.
- Phẫu thuật: Được chỉ định trong trường hợp tắc hoàn toàn một đoạn mạch máu dài, thực hiện bằng cách cắt một đoạn tĩnh mạch để làm cầu nối từ chỗ tắc tới mạch máu nuôi phần phía dưới chỗ tắc. Người bệnh sau khi được phẫu thuật thành công vẫn phải tuân thủ dùng thuốc và các chế độ tập luyện, lối sống khoa học như bác sĩ đã chỉ định.
Bệnh tắc động mạch ngoại biên không chỉ là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh mà còn là hồi chuông cảnh báo những bệnh lý khác về tim mạch mà người bệnh có thể mắc phải trong tương lai. Chính vì vậy người bệnh cần phối hợp tích cực với bác sĩ để điều trị cũng như điều chỉnh lối sống lành mạnh, tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường hoặc bệnh lý và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.