Thuốc Stresam là một chế phẩm có chứa tác nhân làm giảm căng thẳng, lo âu là etifoxine. Thuốc Stresam có tác dụng làm giảm lo lắng, sợ hãi, kích động, căng thẳng thần kinh, trầm cảm (bao gồm cả những bệnh lý tim mạch và bệnh lý nền khác).
1. Thuốc Stresam 50mg là thuốc gì?
Thuốc trầm cảm Stresam thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần điều trị bệnh trầm cảm, động kinh, parkinson. Dạng bào chế của thuốc là dạng viên nang cứng. Thành phần chính của thuốc là Etifoxine hydrochloride và các tá dược khác.
2. Thuốc Stresam có tác dụng gì?
2.1. Dược lực học của thuốc trầm cảm Stresam
- Thuốc trầm cảm Stresam 50mg có hoạt chất chính là Etifoxine hydrochloride. Đây là hoạt chất thuộc nhóm benzoxazine với công dụng chọn lọc trên kênh Cl- của hệ GABA có tác dụng trên hệ thần kinh thực vật thông qua cơ chế kép. Do đó, thuốc không gây ra tác dụng không mong muốn như ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của cơ thể nhưng có tác dụng điều hòa hệ thần kinh thực vật.
- Etifoxine có tác dụng chống lại những căng thẳng, stress gây lo âu kéo dài trên thể chất lẫn tâm thần: trong dược lý lâm sàng, thuốc đã được chứng minh là làm giảm các phản ứng khác nhau của tình trạng stress (chẳng hạn như tính khí dễ xúc cảm, tăng huyết áp, tăng acid béo tự do trong huyết tương, tăng bài tiết cortisol...).
- Etifoxine có đặc điểm là duy trì và cải thiện khả năng thích ứng với hoàn cảnh, không ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, trí nhớ và trương lực cơ như các benzodiazepine.
- Etifoxine không gây ra tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Trên lâm sàng có thể điều trị kéo dài bằng thuốc chống trầm cảm Stresam trong vòng 6-12 tháng mà không thấy có hội chứng cai nghiện sau khi ngưng sử dụng thuốc.
2.2. Dược động học của thuốc trầm cảm Stresam
- Etifoxine được hấp thu chủ yếu qua niêm mạc tiêu hóa. Hoạt chất đạt nồng độ tối đa trong máu sau khoảng 2 giờ 30 phút từ khi dùng thuốc. Thời gian bán hủy trung bình khoảng 6 giờ. Do đó cần điều trị với thuốc trầm cảm Stresam 3 lần/ngày.
- Ở gan, etifoxine được chuyển hóa một phần. Một chất chuyển hóa có hoạt tính là diethyl-etifoxine xuất hiện nhanh chóng và gắn vào cùng các thụ thể với etifoxine.
- Thời gian bán hủy của chất chuyển hóa này trung bình khoảng 24 giờ. Ðiều này giải thích tại sao hiệu quả tối ưu của hoạt chất Etifoxine đạt được trong vòng một vài ngày.
- Etifoxine được đào thải qua đường nước tiểu dưới dạng các chất chuyển hóa.
3. Thuốc Stresam chữa bệnh gì?
Thuốc trầm cảm Stresam dùng để điều trị các bệnh lý sau:
- Các dấu hiệu của chứng tâm thần-thực thể của lo âu như căng thẳng, mất tập trung, giảm trí nhớ;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Rối loạn thần kinh thực vật, đặc biệt là các biểu hiện ở tim mạch như (hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực, tăng huyết áp...), tiêu hóa (hội chứng đại tràng kích thích, viêm loét dạ dày, loét tá tràng...).
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Stresam
Trong quá trình điều trị với thuốc trầm cảm Stresam có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn sau đây:
- Xuất hiện các cơn buồn ngủ trong ngày thoáng qua nhanh chóng.
- Rất hiếm gặp các trường hợp ban đỏ nổi sần nốt trên da, nổi mày đay phù Quincke.
- Một số trường hợp gặp tác dụng phụ gan mật, băng huyết ở phụ nữ dùng kết hợp với thuốc ngừa thai đường uống;
- Tình trạng viêm mạch trong hội chứng Stevens Johnson.
Trên đây không phải là tất cả các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc trầm cảm Stresam vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp phải bất kì các dấu hiệu bất thường nào đối với sức khỏe của bạn.
5. Cách sử dụng và liều dùng của thuốc Stresam
5.1. Cách dùng thuốc Stresam
Thuốc dạng viên nang cứng bạn cần uống nguyên viên với một chút nước đun sôi để nguội không được bóc tách vỏ nang làm đôi.
5.2. Liều dùng thuốc Stresam
Tùy vào tình trạng bệnh lý và lứa tuổi của từng người mà bác sĩ điều trị sẽ có chỉ định riêng liều dùng. Liều dùng dưới đây là liều tham khảo:
- Sử dụng điều trị cho trẻ em trên 15 tuổi và người lớn có thể dùng liều 3 viên một ngày chia làm 3 lần hoặc dùng liều 4 viên một ngày chia làm 2 lần. Điều trị trong vài ngày đến vài tuần tùy vào tình trạng bệnh lý của từng người.
- Nếu dùng thuốc với trẻ em dưới 15 tuổi chưa có nghiên cứu lâm sàng về độ an toàn của thuốc trầm cảm Stresam.
5.3. Trường hợp quá liều/ quên liều thuốc Stresam
Thuốc trầm cảm Stresam không có thuốc giải độc đặc hiệu vì vậy khi xảy ra tình trạng quá liều bạn có khả năng rơi vào trạng thái ngủ sâu, vì vậy cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời các triệu chứng, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm.
Khi bạn quên một liều cần sử dụng ngay khi nhớ nếu gần với thời điểm dùng liều tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã quên và dùng đúng đủ liều tiếp theo không được tự ý tăng liều khi chưa có chỉ định từ bác sĩ điều trị.
6. Tương tác của thuốc Stresam
Bạn không nên phối hợp thuốc trầm cảm Stresam trong những trường hợp sau:
- Thức uống có cồn như bia, rượu vì nguy cơ làm tăng tác dụng an thần của thuốc. Do đó, nên tránh sử dụng những thức uống và thuốc có chứa cồn trong quá trình sử dụng thuốc trầm cảm Stresam.
- Các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương như dẫn chất của morphin, benzodiazepine, nhóm thuốc kháng histamin H1, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thận trọng khi sử dụng kết hợp với thuốc trầm cảm Stresam . Nguyên nhân là do có thể làm tăng tác dụng trên thần kinh khi sử dụng cùng.
- Đồng thời, bạn cần lưu ý khi sử dụng kèm với các thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp trung ương.
7. Một điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc trầm cảm Stresam
- Ngưng dùng thuốc trầm cảm Stresam trong trường hợp xuất hiện phản ứng ở da hoặc tình trạng dị ứng hoặc người bệnh bắt đầu có những rối loạn về gan nghiêm trọng.
- Trong thành phần công thức thuốc có chứa tá dược là lactose. Do đó, không khuyên dùng thuốc trên cho những người không có khả năng dung nạp lactose.
- Thận trọng khi dùng chung với các thuốc gây ức chế thần kinh trung ương.
- Không khuyên dùng thuốc trầm cảm Stresam trên nhóm đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú do chưa rõ tính an toàn và hiệu quả trên nhóm đối tượng này.
- Thuốc có gây ra buồn ngủ do có thể gây tác động lên thần kinh trung ương nên thận trọng đối với nhóm đối tượng đòi hỏi sự tập trung mức độ cao khi làm việc như lái xe hoặc sử dụng máy móc. Vậy nên, bạn cần chú ý tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để đảm bảo an toàn trong công việc cũng như sử dụng thuốc.
8. Cách bảo quản thuốc trầm cảm Stresam
Thuốc trầm cảm Stresam cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, không để thuốc trong ngăn lạnh của tủ lạnh. Để xa tầm tay với của trẻ em và vật nuôi trong gia đình. Tuyệt đối không sử dụng thuốc khi đã hết hạn sử dụng ghi trên vỏ bao bì.
Thuốc Stresam là thuốc điều trị các triệu chứng của chứng căng thẳng, lo âu kéo dài và bệnh trầm cảm. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên chú ý đọc kỹ hướng dẫn hoặc tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.