Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Giống như phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng, SpyGlass được đưa qua cổ họng người bệnh, qua dạ dày, đi vào ống mật và cho hình ảnh trực quan nhờ thiết kế lệch theo 4 hướng khác nhau, bác sĩ có thể quan sát hình ảnh ở tất cả 4 góc tọa độ của toàn bộ khu vực điều trị.
1. Tổng quan về phương pháp SpyGlass
Trong điều trị bệnh lý mật tụy, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đóng một vai trò hết sức to lớn. ERCP là một thủ thuật sử dụng ống nội soi có cửa sổ hình ảnh và thủ thuật bên, kết hợp với tia X để quan sát ống tụy và ống mật. Ngoài điều trị bệnh lý mật tụy, ERCP cũng được dùng để lấy sỏi mật, điều trị các bệnh lý như: Viêm tụy cấp, viêm tụy mạn hoặc lấy một mẫu mô nhỏ mang đi phân tích (sinh thiết).
Chụp mật tụy là phương pháp chụp X quang của ống mật và ống tụy, những ống này thường không hiện hình khi chụp X quang thông thường. Tuy nhiên, nếu thuốc cản tia X (thuốc cản quang) được bơm vào trong lòng ống thì phim X quang sẽ cho thấy hình ảnh rõ nét của các ống này.
Thông thường, dịch mật hay dịch tụy chảy trong các ống này theo chiều hướng về nhú (một cấu trúc đặc biệt hình thành tại nơi ống mật chủ đổ vào tá tràng). Khi thuốc cản quang được bơm vào nhú thông qua một ống nhựa đặt trong lòng ống nội soi, thuốc sẽ đi ngược lên ống tụy và ống mật nên gọi là “ngược dòng”. Phim X quang được chụp ngay lúc đó để hiển thị hình ảnh ống mật tụy.
Tuy nhiên, đối với các u bên trong ống mật chủ, u rốn gan, để chẩn đoán xác định vẫn là một vấn đề nan giải, vì không thể nhìn trực tiếp, không thể lấy mẫu mô bên trong đường mật làm xét nghiệm mô bệnh học để xác định bản chất u là lành tính hay ác tính được, cho nên hầu hết các chẩn đoán u đường mật trước đây đều được thực hiện thông qua màn hình C – Arm của máy X quang. Một vấn đề nữa, là khi thực hiện ERCP, đối với các trường hợp sỏi lớn, thường phải sử dụng máy tán sỏi cơ học, hoặc chuyển sang phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi, và ERCP cũng không thể lấy triệt để các sỏi trong ống gan phải, ống gan trái.
Với sự tiến bộ về mặt công nghệ, SpyGlass (hệ thống soi đường mật qua miệng) ra đời đã giải quyết được các vấn đề này.
Với hệ thống ống nội soi tinh vi Spyglass, hầu hết các chuyên gia tin rằng nội soi đường mật qua đường miệng sẽ sớm trở thành một kỹ thuật phổ quát áp dụng cho việc đánh giá và điều trị các bệnh đường mật. Hệ thống đã được chứng minh là một công cụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Các nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả lâm sàng của nội soi đường mật qua miệng để xác định bản chất lành tính hay ác tính của chít hẹp đường mật, chẩn đoán khối u trong ống mật, tốt hơn là xác định bệnh lý đường mật chưa được biết và điều trị sỏi đường mật.
Spyglass ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007 bởi Boston Scientific và đến năm 2015 công ty này lại cho ra mắt hệ thống SpyGlass DS thế hệ kế tiếp cho chẩn đoán nâng cao và điều trị các bệnh về tuyến tụy và đường mật.
Spyglass được xem là công nghệ đột phá trong chẩn đoán và điều trị sỏi đường mật.
2. SpyGlass gồm những dụng cụ gì?
SpyGlass là một hệ thống ống nội soi nhỏ linh hoạt với đèn chiếu sáng và một camera siêu nhỏ gắn ở cuối, giúp cung cấp hình ảnh trực quan của đường ống dẫn mật (ống gan) mà các thiết bị thế hệ cũ không thể thực hiện được.
Tiến sĩ George Webster – Bệnh viện Đại học College, London cho biết: Sử dụng công nghệ SpyGlass cho tỷ lệ thành công lên đến 90% trên 100 bệnh nhân ông đã điều trị cho đến nay. Ông cho biết thêm rằng thiết bị này cũng có thể được sử dụng để giúp phát hiện sớm ung thư ống mật. “Hình ảnh trực tiếp được cung cấp từ thiết bị giúp chúng ta có thể xác định được các khối u ở giai đoạn sớm hơn so với trước đây”.
3. Ưu điểm vượt trội của SpyGlass so với ERCP
Giống như phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng, SpyGlass được đưa qua cổ họng người bệnh, qua dạ dày, đi vào ống mật. Nhưng khác với ERCP phải dựa vào tia X để xác định vị trí của sỏi mật, Spyglass cho hình ảnh trực quan hơn nhờ thiết kế lệch theo 4 hướng khác nhau, cho phép bác sĩ có thể quan sát hình ảnh ở tất cả 4 góc tọa độ của toàn bộ khu vực điều trị. Điều này giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
Khi phát hiện có sỏi, một đầu dò nhỏ trong ống có thể phát ra dòng điện để phá vỡ viên sỏi (điện thủy lực) hoặc sử dụng tia laser để phá vỡ sỏi. Trong đó, tán sỏi bằng điện thủy lực hiệu quả hơn với sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin). Những mảnh vỡ của sỏi được loại bỏ bằng cách sử dụng các giỏ nhỏ hoặc dùng bóng để bắt và đưa ra ngoài cơ thể.
Năm 2015, hệ thống SpyGlass thế hệ mới ra đời và được FDA (Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận, đã cung cấp cho các nhà lâm sàng một công nghệ vượt trội trong chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến tụy và đường mật. Được phát triển trên nền tảng thiết bị truyền thống nhưng hệ thống SpyGlass DS mới với các tính năng nâng cao để cải tiến hình ảnh và đơn giản hóa thao tác. Hệ thống gồm một dây SpyScope DS Access và một Catheter (ống thông) sử dụng 1 lần nhằm loại bỏ quá trình tái xử lý và suy giảm chất lượng hình ảnh trong nhiều lần sử dụng. Bộ cảm biến kỹ thuật số tích hợp cung cấp hình ảnh vượt trội với độ phân giải cao hơn, tầm nhìn mở rộng hơn 60% so với thế hệ đầu tiên.
Hệ thống SpyGlass được thiết lập và vận hành nhanh chóng, chất lượng hình ảnh tốt và sự ổn định cao. Công nghệ này có thể được thực hiện như là một sự mở rộng của thủ thuật ERCP. Điều này sẽ tăng khả năng của chúng tôi trong chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến tụy và giảm số lần lặp lại thủ thuật ERCP”
Thực hiện thủ thuật SpyGlass thường mất thời gian từ 45 phút đến 1 giờ. Thời gian phục hồi nhanh, không gây đau, bệnh nhân có thể ra viện sau 4 – 6 giờ. Rất ít trường hợp phải ở lại qua đêm để theo dõi. Như vậy, chi phí điều trị giảm đáng kể từ 30 – 40%.
SpyGlass mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, nhanh chóng hơn và giảm bớt các yêu cầu kiểm tra không cần thiết. Khác với công nghệ cũ chỉ là hình ảnh 2 chiều, đen và trắng, SpyGlass cung cấp cho chúng ta một bức ảnh màu sống động, đó chính là sự khác biệt giữa ban ngày và ban đêm.
Tuy nhiên đây là dụng cụ có chi phí khá đắt tiền, vẫn chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
4. Chỉ định của SpyGlass
Thông thường, SpyGlass được chỉ định chẩn đoán trong trường hợp:
- Sinh thiết nguyên nhân gây hẹp không xác định ở những bệnh nhân mà không có xơ viêm đường mật
- Loại trừ hẹp ác tính trong viêm xơ đường mật bằng cách cung cấp hình ảnh, hướng dẫn sinh thiết
- Chẩn đoán cholangiocarcinoma carcinoma (ung thư đường mật)
- Xác định lại các khiếm khuyết ống mật nhìn thấy trên siêu âm hoặc ERCP.
- Các phát hiện trên ERCP chưa chẩn đoán được để làm sinh thiết
- Xác định chính xác vị trí của các khối u đường mật và tụy trước phẫu thuật
- Đánh giá trực quan và sinh thiết để đánh giá các vấn đề sau ghép cơ quan hệ mật, khối u nhầy, và viêm đường mật do bạch cầu ái toan
- Đánh giá nhiễm trùng do cytomegalovirus, nấm và ký sinh trùng
- Máu trong mật
Chỉ định điều trị của SpyGlass:
- Đặt stent ống mật
- Liệu pháp quang động cholangiocarcinoma (chỉ định tiềm năng)
- Argon quang đông của u nhầy (chỉ định tiềm năng)
- Thay thế phẫu thuật ở bệnh nhân có hội chứng Mirizzi loại II (chỉ định tiềm năng)
- Mổ và tán sỏi mật sử dụng biện pháp cơ học, sóng điện , hoặc laser tán
- Viêm tụy mãn tính
- Sỏi tụy
- U ống tụy
- Vai trò trong viêm tụy tự miễn dịch
Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng có một số biến chứng từ tương đối nhẹ đến đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Viêm đường mật (phổ biến nhất biến chứng)
- Nhiễm trùng
- Đau bụng
- Viêm tụy
- Hạ huyết áp
- Buồn nôn
- Áp xe gan
- Thủng ống mật (từ dây dẫn)
- Tăng amylase và lipase mà không có viêm tụy lâm sàng
- Viêm hội chứng
Một nghiên cứu bởi Awadallah và cộng sự cho thấy, nội soi đường mật qua hướng hướng dẫn sinh thiết có thể loại trừ bệnh ác tính ở 31 bệnh nhân viêm đường mật xơ chính những người đã có một phát hiện hẹp đường mật trước đó. Một nghiên cứu bởi Itoi và cộng sự đã báo cáo rằng: Nội soi đường mật với sinh thiết có thể chẩn đoán các tổn thương lành tính và ác tính với độ nhạy 99% và độ đặc hiệu 95,8%.
Nội soi đường mật Peroral cũng đã được đánh giá là một công cụ hiệu quả để đánh giá các ống tụy. Một nghiên cứu của Yamaguchi và cộng sự báo cáo khả năng cải tiến để chẩn đoán u nhầy nhú của tuyến tụy do tế bào tuyến tụy bằng cách sử dụng ống nội soi đường mật mẹ-con. Điều quan trọng là, nghiên cứu này cũng kết luận rằng không có giá trị chẩn đoán tế bào học với dịch tụy trong việc chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến tụy.
Các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của hệ thống nội soi đường mật Spyglass đã báo cáo rằng quan sát trực tiếp cải thiện tính chính xác kết quả nội soi đường mật và có giá trị tiên đoán tốt tích cực trong việc đánh giá bệnh nhân có triệu chứng tắc nghẽn đường mật có nguồn gốc không xác định. Trong một loạt, nội soi đường mật hướng dẫn sinh thiết ống dẫn mật có thể được thực hiện thành công trong 89% trường hợp.
Một lợi ích bất ngờ của sự nhạy cảm cao của nội soi đường mật là nó đã tiết lộ điểm yếu trước đây không được đánh giá trong ERCP trong đánh giá và chẩn đoán sỏi đường mật. Parsi và cộng sự đã có thể chẩn đoán ít nhất 29% ERCP bỏ lỡ sỏi mật bằng việc thực hiện tiếp nội soi đường mật, dẫn họ đến kết luận rằng tỷ lệ sỏi bị mất trên ERCP có thể cao hơn so với suy nghĩ trước đây. Các nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ thành công 92% trong điều trị sỏi đường mật sử dụng tán sỏi bằng điện thủy lực học và tán sỏi bằng laser. Moon và cộng sự đã báo cáo những thành công tuyệt vời với tán sỏi với điện thủy lực học hoặc laser sử dụng ống nội soi đường mật siêu mỏng.
Ở những bệnh nhân khó điều trị sỏi, Arya và cộng sự mô tả Nội soi đường mật qua miệng với điện thủy lực học tán sỏi ở 94 bệnh nhân báo cáo tỷ lệ phân mảnh 96% và 90 % tỉ lệ sạch sỏi. Hơn nữa, Hui và cộng sự đã chứng minh viêm đường mật ít hơn đáng kể và tỷ lệ tử vong giảm một tỷ lệ với nội soi đường mật qua miệng hướng dẫn tán sỏi so với đặt stent mật đơn độc ở bệnh nhân cao tuổi.
Nhiều nghiên cứu khác báo cáo tỷ lệ thành công tương tự trong điều trị sỏi đường mật bằng cách sử dụng nội soi đường mật qua miệng và điện thủy lực học hoặc liệu pháp laser. Vì vậy, khi thực hiện bởi người có kinh nghiệm và được đào tạo, nội soi đường mật qua miệng có thể là một kỹ thuật an toàn và có hiệu quả cao cho các sỏi mật khó trị.
Với sự ra đời của hệ thống SpyGlass đã mở ra triển vòng điều trị mới cho các bệnh nhân bị bệnh lý mật tuỵ, giảm các biện pháp can thiệp xâm lấn, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị bệnh lý mật tụy tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM