Sốt xuất huyết ở người lớn và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Viết Lệ Diễm - Bác sĩ Nội tổng quát, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Sốt xuất huyết ở người lớn do virus Dengue gây ra, trong đó muỗi Aedes là tác nhân lây truyền bệnh chủ yếu qua vết đốt. Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghiêm trọng như: sốc sốt xuất huyết, sốt xuất huyết não... cần được nhập viện để bác sĩ điều trị kịp thời.

1. Sốt xuất huyết ở người lớn: Khi nào cần nhập viện?

Sốt xuất huyết đa phần có thể điều trị và theo dõi ngoại trú. Việc điều trị chủ yếu bao gồm: Hạ sốt, theo dõi chống sốc, truyền dịch. Thông thường, các triệu chứng sốt xuất huyết có thể khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân nhập viện khi có những dấu hiệu cảnh báo dưới đây:

  • Tình trạng lừ đừ, li bì, vật vã hơn 3 ngày không cải thiện.
  • Đau bụng, đau vùng gan.
  • Nôn nhiều hơn 3 lần/giờ hoặc 4 lần/6 giờ.
  • Xuất huyết niêm mạc.
  • Nồng độ HCT tăng cao, tiểu cầu giảm.
  • Đặc biệt chú ý các trường hợp: Phụ nữ có thai, Người bệnh mạn tính đi kèm (Tim, gan, hen, phổi tắc nghẽn mãn tính, thiếu máu tan máu.

Để chẩn đoán căn nguyên sốt xuất huyết ở người lớn người bệnh sẽ được bác sĩ thực hiện những xét nghiệm huyết thanh bao gồm:

  • Test nhanh Dengue NS1 tìm kháng nguyên NS1 trong 05 ngày đầu của bệnh, tìm kháng thể IgM từ ngày thứ 5 trở đi;
  • Xét nghiệm ELISA tìm kháng thể IgM, IgG;
  • Test chậm như: Xét nghiệm PCR, phân lập virus.

Chẩn đoán sốt xuất huyết ở người lớn bằng xét nghiệm ELISA
Chẩn đoán sốt xuất huyết ở người lớn bằng xét nghiệm ELISA

2. Điều trị sốt xuất huyết ở người lớn

2.1. Điều trị triệu chứng

Hạ sốt: Trường hợp người bệnh sốt cao trên 39 độ C cần được uống thuốc hạ sốt, lau mát bằng nước ấm và nới lỏng quần áo.

Lưu ý thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h; Không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Bù dịch bằng đường uống: Bổ sung thêm nước và chất điện giải cho người bệnh thông qua nước oresol hoặc nước lọc, nước trái cây, nước cháo loãng với muối, sinh tố, súp....

Truyền dịch: Sốt xuất huyết ở người lớn được chỉ định truyền dịch khi có dấu hiệu: Lừ đừ, mệt mỏi; Nôn nhiều; Đau bụng; Hct tăng cao; Không ăn uống được...Thời gian truyền dịch không quá 24-48 giờ.

2.2. Điều trị sốc sốt xuất huyết

Sốc do sốt xuất huyết xảy ra khi người bệnh bị thoát mạch quá nhiều, gây mất thể tích huyết tương trong lòng mạch. Bệnh nhân sốc sốt xuất huyết thường được chỉ định điều trị truyền dịch. Thời gian truyền dịch ngừng sau 1 ngày bệnh nhân hết sốc, có các dấu hiệu hồi phục.

Trường hợp người bệnh có biểu hiện lâm sàng ổn định, mạch rõ, chi ấm, tiểu khá...hoặc có dấu hiệu dọa phù phổi, quá tải thì có thể ngừng truyền dịch.

Trường hợp bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết có xuất huyết đi kèm, phải điều trị chống sốc bằng dung dịch điện giải (trong khi chờ có hồng cầu lắng)


Sốt xuất huyết nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, dễ tử vong
Sốt xuất huyết nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, dễ tử vong

2.3. Điều trị sốt xuất huyết thể não

Dấu hiệu sốt xuất huyết thể não bao gồm: Co giật, rối loạn tri giác hoặc có dấu thần kinh khu trú. Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết ở người lớn thể não như sau:

  • Kê đầu bệnh nhân cao 30 độ;
  • Cho thở bình oxy;
  • Chống co giật cho bệnh nhân (nếu có);
  • Điều trị hạ đường huyết (nếu có);
  • Điều chỉnh rối loạn điện giải - toan kiềm;
  • Chống phù não: chỉ định khi lâm sàng bệnh nhân có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ: Đặt nội khí quản thở máy: tăng thông khí giữ PaCO2 30 - 35 mmHg;
  • Thuốc hạ nhiệt đặt hậu môn Paracetamol 10-15mg /kg/lần, ngày 4 lần nếu có sốt.

3. Lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết ở người lớn

Khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, tuyệt đối không được tự ý truyền dịch vì có thể dẫn đến các nguy cơ nguy hiểm như phù nề, sốc dị ứng, suy hô hấp... Chỉ định truyền dịch và sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Thời điểm ngày thứ 4 mắc bệnh là thời điểm nguy hiểm nhất vì có thể xuất hiện biến chứng nặng như sốc sốt xuất huyết, sốt cao chân tay lạnh, nôn, đi ngoài ra máu... Người bệnh cần được theo dõi sát sao và đưa đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu nặng.

Tiêu chuẩn xuất viện: Người bệnh hết sốt 2 ngày, tỉnh táo; Mạch, huyết áp bình thường; Không có hiện tượng khó thở hoặc suy hô hấp do tràn dịch màng bụng hay màng phổi; Số lượng tiểu cầu khuynh hướng hồi phục > 50.000/m.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe