Hỏi
Chào bác sĩ! Đợt thai 17 tuần e bị sốt xuất huyết, xét nghiệm rubella IgM: âm tính, Rubella IgG: 0,4 IU/ml. Như vậy em bé có bị ảnh hưởng gì về dị tật thai nhi không ạ?
Trần Kiều Anh (1994)
Trả lời
Chào bạn! Rubella là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Rubella gây ra, thường lan qua dịch từ mũi và họng. Rubella gây tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi nếu mẹ bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai do virus qua hàng rào rau thai xâm nhập vào bào thai và tác động tới quá trình phát triển của bào thai. Nhiễm Rubella thời kỳ đầu gây ra: Sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Trẻ được sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh vời nhiều dị tật nghiêm trọng như: Dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể. Chậm phát triển.
Ngoài ra, trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non...gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Một số trường hợp trẻ bị tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh. Hội chứng Rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70 - 90% trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu mang thai. Nguy cơ và độ trầm trọng của dị tật phụ thuộc vào tuổi thai lúc mẹ bị nhiễm Rubella:
- 90% trẻ bị dị tật nếu mẹ nhiễm trước 12 tuần
- 30 – 40 % trẻ dị tật nếu mẹ nhiễm virus ở tuổi thai 13 – 14 tuần
- 20% trẻ dị tật nếu mẹ nhiễm virus ở tuổi thai 15 – 16 tuần
- 10% trẻ dị tật nếu mẹ nhiễm virus ở tuổi thai 17 – 20 tuần
- Rất hiếm gặp dị tật nếu mắc bệnh sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ.
Thăm khám thường quy thường làm xét nghiệm Rubella cho tất cả các thai phụ đến khám lần đầu, tốt nhất khi thai dưới 8 tuần, chỉ thử thường quy tối thiểu thai >= 16 tuần. Việc thực hiện xét nghiệm Rubella( IgM, IgG) được thực hiện với những thai phụ chưa từng tiêm Rubella và chưa từng mắc bệnh Rubella trước khi mang thai. Sau khi tiếp xúc với virus Rubella, kháng thể Rubella IgM sẽ xuất hiện trong máu. Khoảng 7 – 10 ngày sau khi nhiễm trùng, mức độ protein tăng lên và đạt đỉnh và kéo dài trong vài tuần rồi giảm dần. Khi người mẹ bị nhiễm virus Rubella, các kháng thể IgG sẽ xuất hiện. Kháng thể IgG sẽ xuất hiện muộn hơn IgM nhưng nó sẽ tồn tại trong máu suốt đời, giúp cơ thể người mẹ chống lại sự nhiễm trùng do virus Rubella gây ra. Kháng thể IgM có trong máu cho thấy có thể đã xuất hiện sự nhiễm trùng. Một điểm nhiễm Rubella gần đây hoặc từng có trong quá khứ sẽ được chỉ điểm nếu có sự hiện diện của kháng thể IgG. Nếu kết quả IgM âm tính và IgG dương tính thì chứng tỏ bạn đã từng nhiễm Rubella trước khi thực hiện xét nghiệm tối thiểu là 10 tuần. Nếu nồng độ IgG tăng lên sau khi thực hiện xét nghiệm cách nhau 2 tuần thì chứng tỏ bạn đã bị nhiễm Rubella trước đó hoặc đã được tiêm phòng.. Nếu nồng độ IgG thấp thì có thể bệnh nhân mắc Rubella, cần làm xét nghiệm Rubella IgM và IgG sau 1 tuần, nếu IgM dương tính và IgG tăng lên thì bệnh nhân bị Rubella cấp...
Trường hợp của bạn bị sốt phát ban khi thai 17 tuần và xét nghiệm IgM âm tính, IgG 0.4IU/ml (rất thấp) thì em có thể làm lại xét nghiệm lại sau 01 tuần. Nếu nếu cả IgM và IgG không thay đổi thì có thể em đã bị nhiễm cũ Rubella (nhiễm tối thiểu > 3 tháng), khi đó thai nhi không bị ảnh hưởng bởi bệnh. Còn nếu IgM dương tính và IgG tăng gấp 4 lần trở lên thì có thể em bị nhiễm cấp nhưng tỉ lệ gây dị tật cho thai nhi nếu ở giai đoạn này là rất thấp và thai nhi đã quá to rồi khó can thiệp thủ thuật được. Vì vậy, em cần khám thai sản định kỳ tại các khám Sản phụ khoa có uy tín, sàng lọc các dị tật bất thường qua các lần siêu âm thai tiếp theo nhé
Bác sĩ CKI Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng