Bài viết được viết bởi Bác sĩ Lê Xuân Luật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Việt Nam là nước nhiệt đới, sốt xuất huyết Dengue là bệnh phổ biến tại nước ta. Hàng năm đều có hàng trăm nghìn ca SXHD được ghi nhận, như năm 2019, hơn 300.000 ca SXHD được báo cáo. SXHD phổ biến ở hầu hết các tỉnh cả nước, tập trung tại các vùng Tây Nguyên, miền Nam, miền Bắc. Bệnh thường gia tăng vào mùa mưa, các tháng 8,9,10,11 hàng năm thường có số ca SXHD tăng cao.
SXHD gây ra bởi virus Dengue, được lây truyền chủ yếu bởi muỗi Aedes agypti. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh, được ký hiệu Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Cả 4 typ huyết thanh này đều lưu hành tại Việt Nam. Triệu chứng điển hình của SXHD là sốt cao, sốt liên tục, mệt mỏi.
1. Các dấu hiệu lâm sàng cần chú ý ở người SXHD
Thời gian ủ bệnh trung bình ở người từ 3-7 ngày. Các triệu chứng chủ yếu ở người nhiễm SXHD như:
Đau đầu, đau mỏi người, đau nhức hố mắt. Sốt cao, có thể sốt liên tục. Mệt mỏi nhiều. Chán ăn. Đau bụng, buồn nôn, nôn. Ban, chấm xuất huyết dưới da. Chảy máu chân răng. Ra kinh nguyệt sớm, số lượng nhiều hơn bình thường.
Khi có các dấu hiệu cảnh báo sau, người bệnh SXHD cần đi thăm khám tại các cơ sở y tế ngay:
- Đau bụng, tăng cảm giác đau
- Nôn nhiều
- Xuất huyết niêm mạc
- Ứ dịch
- Ý thức lẫn lộn
- Gan to >2cm
- Về xét nghiệm: cô đặc máu, tiểu cầu giảm
2. Tổn thương gan ở bệnh nhân SXHD
Các bệnh nhân SXHD thường có tổn thương chức năng gan, biểu hiện qua tăng men gan, AST và ALT. Cơ chế virus Dengue gây tổn thương gan chưa được giải thích đầy đủ. Tuy nhiên qua giải phẫu bệnh, mổ xác đã chứng minh được tế bào gan là đích tác động của virus Dengue.
Virus Dengue xâm nhập vào bên trong tế bào gan, gây vỡ tế bào gan. Cơ chế gây vỡ tế bào gan được cho rằng bởi các con đường như đáp ứng miễn dịch của cơ thể, cơn bão cytokine, gây độc tế bào, bất hoạt hệ ty lạp thể. Biểu hiện của những việc này trên lâm sàng làm người bệnh mệt mỏi, xét nghiệm có tăng men gan.
3. Cơ chế tác động của Paracetamol
Thuốc hạ sốt phổ biến nhất được dùng là Paracetamol. Paracetamol có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau. 90% Paracetamol được chuyển hoá qua gan. Tại gan, Paracetamol được chuyển hoá qua các chu trình sulfation, Glucuronidation.
Một phần nhỏ được chuyển hoá qua hệ enzym cytochrome P450 tạo ra các sản phẩm ankyl hoá, NAPQI. Sự tích tụ quá nhiều NAPQI, không đào thải hết qua thận, gây ra độc tính cho tế bào gan, gây hoại tử tế bào gan, vỡ tế bào gan. Biểu hiện trên cận lâm sàng là tăng men gan, có những bệnh nhân men gan tăng lên vài nghìn đơn vị, và cần lọc máu để cải thiện chức năng gan, chức năng cơ thể.
4. Quá liều Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thường được sử dụng. Thuốc được mua dễ dàng tại các nhà thuốc mà không cần đơn thuốc. Điều này góp phần vào việc lạm dụng thuốc. Liều thông thường cho người lớn là 2-3 gram/ngày. Liều cho trẻ em, phụ thuộc cân nặng, độ tuổi. Khoảng cách dùng 2 liều liên tiếp ít nhất 4-6h ở người lớn, ở trẻ em có thể lên đến 10-12h.
Các nguyên nhân gây quá liều phổ biến là đau đầu, đau mỏi người, sốt cao liên tục. Bản thân sốt xuất huyết Dengue đã có thể gây tổn thương gan. Dùng quá liều Paracetamol làm gia tăng nguy cơ tổn thương gan nặng nề hơn. SXHD thường gây ra mệt mỏi.
Tổn thương gan do Paracetamol gây ra cũng làm người bệnh thêm mệt mỏi. Do vậy, việc dùng quá nhiều Paracetamol không có tác dụng làm giảm bệnh, mà ngược lại, làm bệnh nặng thêm, gây ra các biến chứng phức tạp.
Người bệnh cần dùng Paracetamol theo sự hướng dẫn của các bác sĩ, nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh. Không tự ý dùng Paracetamol tại nhà.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI