Sốt co giật trong bệnh lỵ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Co giật trong lỵ trực trùng có thể là do sốt cao. Tuy nhiên, sốt co giật ở bệnh lý này cũng có thể do độc tố của trực khuẩn Shigella trong thể co giật sớm, chưa có sốt. Do vậy, nếu nhận thấy co giật khi bị bệnh lỵ thì cần đến bệnh viện ngay.

1. Bệnh lỵ là gì?

Bệnh lỵ là bệnh lý nhiễm trùng tại đường tiêu hóa, nguyên nhân gây ra là do họ vi trùng đường ruột tên là Shigella. Triệu chứng điển hình của bệnh lỵ trực trùng chính là tiêu chảy và kèm theo nhầy, máu.

Vi trùng Shigella xâm nhập vào cơ thể con người qua đường tiếp xúc trực tiếp với vi trùng trong phân. Ngoài ra, vi trùng Shigella cũng có thể xâm nhập vào con người qua thức ăn, nước uống hay hồ bơi bị nhiễm bẩn. Khi đi vào cơ thể, trực trùng lỵ xâm nhập qua miệng, dạ dày, ruột non rồi đến đại tràng. Tại đại tràng, trực trùng lỵ sinh sản và xâm nhập vào niêm mạc và tới hạch mạc treo.

Sau khi xâm nhập vào niêm mạc ruột, lỵ trực khuẩn bị tiêu diệt và giải phóng nội độc tố và ngoại độc tố, tác động đến toàn thân gây ra nhiễm độc thần kinh, tim mạch. Về triệu chứng tại chỗ, độc tố gây viêm, đau, rối loạn vận mạch, tăng tiết, rối loạn trao đổi nước và điện giải cũng như gây loét, hoại tử niêm mạc, xuất huyết. Hậu quả của vi trùng Shigella gây nên cho người bệnh là tình trạng nhiễm độc toàn thân, mất nước cũng như rối loạn điện giải và đại tiện.


Triệu chứng điển hình của bệnh lỵ trực trùng chính là tiêu chảy và kèm theo nhầy, máu
Triệu chứng điển hình của bệnh lỵ trực trùng chính là tiêu chảy và kèm theo nhầy, máu

2. Vì sao bị co giật trong bệnh lỵ?

Co giật trong lỵ trực trùng có thể là do sốt cao. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân do sốt cao, sốt co giật ở bệnh lý này cũng có thể do độc tố của trực khuẩn Shigella trong thể co giật sớ, chưa có sốt. Do vậy nếu nhận thấy co giật trong lỵ thì cần đến bệnh viện ngay.

Ngoài ra, các triệu chứng của lỵ trực trùng sẽ thường bắt đầu xuất hiện 1 - 2 ngày sau khi tiếp xúc với vi trùng Shigella, nhưng một số trường hợp cũng có thể mất đến 1 tuần. Các triệu chứng đó gồm tiêu chảy kèm theo nhầy và máu, người bệnh bị đau bụng, sốt.

Thông thường, bệnh lỵ trực trùng sẽ khỏi và người bệnh có thể mất vài tuần đến vài tháng để đường ruột hoạt động lại như bình thường. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Mất nước: Vi trùng gây bệnh lỵ sẽ gây triệu chứng tiêu chảy liên tục, do đó người bệnh thường bị mất nước;
  • Sa trực tràng: Nguyên nhân gây ra biến chứng này là do sự tổn thương và tăng nhu động ruột khi vi trùng gây bệnh làm bong một lớp nội mạc trực tràng sa ra ngoài hậu môn;
  • Hội chứng huyết tán tăng ure máu: Biến chứng huyết tán tăng ure máu có thể dẫn đến thiếu máu huyết tán, giảm tiểu cầu và suy thận cấp;
  • Liệt ruột: Ruột của người bệnh sẽ bị tê liệt, không có nhu động ruột để thực hiện nhiệm vụ tống xuất phân và khí ra ngoài. Với biến chứng này nếu không kịp thời điều trị, ruột của bạn sẽ bị giãn ra, nhiễm trùng gây viêm phúc mạc,... đe dọa đến tính mạng người bệnh;
  • Viêm khớp phản ứng: Biến chứng này gây ra các triệu chứng như nóng, đỏ, đau và sưng các khớp.

Co giật trong lỵ trực trùng có thể là do sốt cao
Co giật trong lỵ trực trùng có thể là do sốt cao

3. Điều trị bệnh lỵ trực trùng

Việc điều trị bệnh lỵ trực trùng cần kết hợp điều trị kháng khuẩn với điều trị triệu chứng, biến chứng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Việc điều trị như sau:

  • Kháng sinh: Cần lựa chọn kháng sinh thích hợp, để lựa chọn kháng sinh thích hợp thì nên vào kết quả kháng sinh đồ với chủng lỵ phân lập được. Nguyên tắc sử dụng kháng sinh là không dùng liều cao, không dùng phối hợp nhiều kháng sinh phổ rộng và đặc biệt không được dùng kéo dài.
  • Chống mất nước và điện giải: Nếu để tình trạng mất nước và rối loạn điện giải gia tăng thì sẽ khiến bệnh lỵ trực trùng nặng lên, gây biến chứng nhiều bệnh. Trường hợp mất nước nhẹ thì nên uống ORESOL hoặc dùng nước cháo, sữa chua, nước thường pha ít muối. Trường hợp mất nước vừa và nặng thì phải kết hợp uống ORESOL và truyền tĩnh mạch các dịch Ringer lactat, Natriclorua 0,9% kết hợp với Glucose 5%...
  • Thiếu Kali: Cần bổ sung Kali cho người bệnh bằng đường uống hoặc tĩnh mạch tuỳ theo mức độ mất Kali. Khi có dấu hiệu nhiễm toan thì bổ sung Natri bicarbonat.
  • Trợ tim mạch và trợ lực: Để trợ tim mạch thì cần sử dụng Spartein 0,05 với liều 1-2 ống/ngày (tiêm bắp). Trường hợp nhịp tim nhanh dùng Uabain 1/4 mg ́với liều lượng 250ml dung dịch Glucose 5% truyền tĩnh mạch chậm. Đẻ trợ lực dùng Vitamin B1 30mg - 50 mg/ ngày tiêm hoặc uống; vitamin C 500mg/ngày.
  • Chống đau bụng: Có thể chườm ấm vùng đau cho người bệnh hoặc dung thuốc. Tuy nhiên cần lưu ý là không nên dùng các thuốc có chế phẩm thuốc phiện để cầm tiêu chảy và chống đau bụng.
  • Chống sốt co giật: Trong trường hợp sốt cao > 39°C ở trẻ em thì rất dễ gây co giật trong lỵ. Vì vậy, nếu sốt cao nên dùng thuốc an thần; đồng thời chườm ấm, xoa cồn, quạt, uống paracetamol theo liều lượng thích hợp.
  • Chế độ dinh dưỡng khi bị lỵ trực trùng: Cùng với kháng sinh, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh lỵ. Trong những ngày đầu bị bệnh, nên ăn những thực ăn lỏng, nhẹ để dễ tiêu hóa. Sau đó hồi phục chế độ ăn uống gần bình thường. Tránh ăn các thức ăn có nhiều xơ, rắn hay nhiều mỡ và gia vị. Tốt nhất nên chia thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn ít. Trẻ bú mẹ thì nên tăng cường cho bé bú nhiều lần.

Việc điều trị bệnh lỵ trực trùng cần kết hợp điều trị kháng khuẩn với điều trị triệu chứng, biến chứng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Việc điều trị bệnh lỵ trực trùng cần kết hợp điều trị kháng khuẩn với điều trị triệu chứng, biến chứng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý

4. Phòng ngừa bệnh lỵ trực trùng

Hiện nay chưa có vắc-xin đặc hiệu phòng bệnh lỵ. Tuy nhiên, là bệnh truyền nhiễm nên có thể phòng ngừa bệnh nếu mọi người thực hiện các việc làm sau đây:

  • Nên thực hiện đúng việc vệ sinh trong ăn uống hàng ngày (nên ăn chín và uống sôi) để phòng nguy cơ nhiễm bệnh;
  • Trong việc sinh cá nhân hàng ngày, nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh cũng như xử lý phân của trẻ;
  • Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, giữ gìn vệ sinh nguồn nước ở nơi công cộng;
  • Sử dụng nhà vệ sinh phù hợp, không phóng uế bừa bãi hay dùng phân tươi bón rau;
  • Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh lỵ trực trùng thì nên khử khuẩn các vật dụng, quần áo của người bệnh bằng cách đun nước sôi ngâm quần áo hoặc dùng dung dịch sát khuẩn để ngâm quần áo. Nếu là người trực tiếp chăm sóc người bệnh thì cần theo dõi các dấu hiệu của bản thân trong vòng 7 ngày và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống hay sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh nhiễm bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe