Song sinh dính liền: Chẩn đoán và điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Song sinh dính liền là những cặp song sinh có da và một số cơ quan nội tạng dính liền với nhau. Khoảng 35% các cặp song sinh dính liền sống sót chỉ trong một ngày, 40-60% cặp song sinh dính liền bị chết non và chỉ có khoảng 5-25% cặp song sinh dính liền có cơ hội sống sót cho đến khi trưởng thành. Mặc dù có nhiều loại song sinh dính liền khác nhau nhưng loại thường gặp nhất là song thai dính ngực, dính liền nhau ở phần thân trên. Trong một số trường hợp dính chặt với nhau, song thai sẽ chỉ có 1 trái tim. Hiếm gặp hơn là các cặp song thai dính đầu, trong đó cặp song sinh dính nhau ở vùng đầu hoặc hộp sọ.

1. Chẩn đoán song sinh dính liền

Cặp song sinh dính liền có thể được chẩn đoán bằng siêu âm tiêu chuẩn ngay khi kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên. Siêu âm và siêu âm tim chi tiết hơn có thể được sử dụng trong khoảng nửa thời gian mang thai để xác định rõ hơn mức độ kết nối của cặp song sinh và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Nếu siêu âm phát hiện cặp song sinh dính liền, bác sĩ sẽ thực hiện quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để có được những thông tin chi tiết hơn về vị trí cặp song sinh dính liền được kết nối và cơ quan nào dùng chung với nhau. MRI thai nhisiêu âm tim thai hỗ trợ lập kế hoạch chăm sóc trong và sau khi mang thai.


MRI thai nhi cho phép chẩn đoán hình ảnh về cặp song sinh dính liền
MRI thai nhi cho phép chẩn đoán hình ảnh về cặp song sinh dính liền

2. Điều trị song sinh dính liền

Điều trị các cặp song sinh dính liền phụ thuộc vào vị vị trí dính liền, vấn đề sức khỏe của trẻ, nếu phần dính nhau có cả các cơ quan nội tạng, việc tách ra sẽ gặp nhiều khó khăn vì nguy cơ rủi ro và biến chứng khá cao.

2.1. Theo dõi khi mang thai

Nếu bạn mang song thai dính liền, bạn nên được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Bạn sẽ được giới thiệu đến một bác sĩ y khoa về bà mẹ và thai nhi và cũng có thể được giới thiệu đến các chuyên gia khác như:

  • Bác sĩ phẫu thuật nhi
  • Bác sĩ tiết niệu nhi
  • Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhi
  • Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ
  • Bác sĩ tim mạch nhi
  • Bác sĩ phẫu thuật tim mạch nhi
  • Bác sĩ sơ sinh

Bác sĩ và những người khác trong nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn tìm hiểu càng nhiều về giải phẫu càng tốt, khả năng chức năng và tiên lượng của cặp song sinh để hình thành kế hoạch điều trị cho cặp song sinh sau này.

Sau khi cặp song sinh dính liền được sinh ra, trẻ sẽ được đánh giá đầy đủ. Với những thông tin này, bạn và các thành viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe của trẻ có thể đưa ra quyết định liên quan đến việc chăm sóc trẻ và liệu phẫu thuật tách có phù hợp hay không.


Mẹ bầu cần được các bác sĩ, chuyên gia chặt chẽ trong suốt quá trình thai kì
Mẹ bầu cần được các bác sĩ, chuyên gia chặt chẽ trong suốt quá trình thai kì

2.2. Phẫu thuật tách

Phẫu thuật tách là một thủ tục tự chọn được thực hiện thường là một năm hoặc hơn sau khi sinh để có thời gian lập kế hoạch và chuẩn bị. Đôi khi có thể cần phải phân tách khẩn cấp nếu một trong hai anh em sinh đôi có nguy cơ tử vong, phát triển tình trạng đe dọa tính mạng hoặc đe dọa sự sống sót của cặp song sinh.

Một số yếu tố phức tạp được coi là yếu tố then chốt để đưa ra quyết định có nên thực hiện phẫu thuật tách hay không. Do sự thay đổi và biến chứng trong và sau giải phẫu, thực hiện phẫu thuật song sinh dính liền cần cân nhắc một số vấn đề sau:

  • Liệu cặp song sinh có dính các cơ quan quan trọng với nhau hay không, chẳng hạn như trái tim?
  • Liệu cặp song sinh có đủ sức khỏe để chịu đựng được phẫu thuật tách?
  • Tỷ lệ tách thành công
  • Loại và mức độ phẫu thuật tái tạo cần thiết cho mỗi cặp sinh đôi sau khi tách
  • Loại và mức độ hỗ trợ chức năng cần thiết sau khi tách
  • Những thách thức mà cặp song sinh phải đối mặt nếu bị dính liền.

Hình ảnh hai bé song sinh Safa và Marwa đội mũ bảo vệ sau khi phẫu thuật tách, ngày 5/6. Nguồn ảnh: AP
Hình ảnh hai bé song sinh Safa và Marwa đội mũ bảo vệ sau khi phẫu thuật tách, ngày 5/6. Nguồn ảnh: AP

Những tiến bộ gần đây trong chẩn đoán trước sinh, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc gây mê đã cải thiện kết quả trong phẫu thuật tách. Sau phẫu thuật tách, việc phục hồi chức năng nhi là rất quan trọng để hỗ trợ phát triển kỹ năng phù hợp thông qua các liệu pháp về thể chất, lời nói....

2.3. Nếu phẫu thuật không phải là một lựa chọn

Nếu phẫu thuật tách không thể thực hiện được hoặc nếu phụ huynh của trẻ quyết định không lựa chọn phẫu thuật, các bác sĩ sẽ giúp bạn đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của cặp song sinh. Nếu tình trạng nghiêm trọng, trẻ sẽ được chăm sóc kỹ về nhu cầu dinh dưỡng, nước và thậm chí có thể phải dùng đến thuốc giảm đau.

Nếu trong thời gian mang thai, cặp song sinh gặp vấn đề lớn về sức khỏe hoặc tính mạng thai nhi bị đe dọa, là cha mẹ bạn phải vật lộn với những quyết định khó khăn cho cặp song sinh dính liền và tương lai không chắc chắn của trẻ. Kết quả đôi khi rất khó để xác định và cặp song sinh dính liền sống sót đôi khi phải đối mặt với những trở ngại to lớn. Bởi vì tình trạng song sinh dính liền khá hiếm gặp nên bạn khó có thể tìm nguồn hỗ trợ, chẳng hạn như các phụ huynh có cùng cảnh ngộ. Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến của các nhân viên y tế hoặc nhân viên tư vấn nếu cần giúp đỡ. Tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân, bạn có thể hỏi thông tin về các tổ chức hỗ trợ cha mẹ có con hoặc đã mất con với tình trạng tương tự.

Nếu bạn đang mang thai cặp song sinh dính liền, bạn sẽ được giới thiệu đến một nhóm các chuyên gia để hướng dẫn giúp bạn và tạo một kế hoạch điều trị cho cặp song sinh. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng và những gì bạn mong đợi từ bác sĩ.


Nếu phẫu thuật không phải là một lựa chọn, thuốc giảm đau sẽ được chỉ định cho cặp song sinh dính liền
Nếu phẫu thuật không phải là một lựa chọn, thuốc giảm đau sẽ được chỉ định cho cặp song sinh dính liền

Trước cuộc hẹn, bạn nên xem xét đưa một thành viên gia đình hoặc bạn bè đi cùng: Đôi khi có thể khó nhớ tất cả các thông tin được cung cấp trong một cuộc hẹn. Một người đi cùng bạn có thể hỗ trợ bạn vấn đề này nếu bạn đã bỏ lỡ hoặc quên. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên lập danh sách các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn. Liệt kê các câu hỏi cần thiết và quan trọng nhất để tận dụng tối đa thời gian cuộc hẹn. Một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ, bao gồm:

  • Những xét nghiệm nào mà cặp song sinh cần?
  • Kế hoạch điều trị tốt nhất là gì?
  • Phẫu thuật tách một lựa chọn? Kết quả có khả năng với sự tách biệt là gì?
  • Có bao nhiêu ca phẫu thuật tách biệt đã được thực hiện, và bao nhiêu cuộc phẫu thuật đã thành công?
  • Các lựa chọn thay thế cho phương pháp điều trị mà bạn đang đề xuất là gì?
  • Những chuyên gia nên tham gia vào nhóm chăm sóc sức khỏe?
  • Có chuyên gia nào khác tôi nên gặp?
  • Tôi có thể tìm hỗ trợ cho gia đình ở đâu?
  • Những tài liệu tôi có thể tham khảo?
  • Nếu tôi chọn sinh thêm con, có khả năng chúng cũng có thể dính liền không?

Đừng ngần ngại đặt câu hỏi khác trong cuộc hẹn của bạn với bác sĩ của mình. Họ và nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ xem xét các bài kiểm tra và kết quả kiểm tra của cặp song sinh dính liền, sau đó thảo luận về các lựa chọn với bạn. Cùng với nhóm chăm sóc sức khỏe, bạn có thể đưa ra quyết định cho việc điều trị và chăm sóc của cặp song sinh.

3. Một số ca song sinh sinh liền được phẫu thuật tách rời tại Việt Nam

Dưới đây là một số ca song sinh dính liền được phẫu thuật tách rời tại Việt Nam:

  • Cặp song sinh Việt – Đức: Đây là ca phẫu thuật tách rời song sinh dính liền đầu tiên của Việt Nam với sự tham gia của hơn 70 y bác sĩ cả nước. Hai anh em đã bị dính liền ngực, bụng, cùng bộ phận sinh dục và hậu môn khi vừa chào đời. Ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công, sức khỏe của Đức dần hồi phục, kém may mắn hơn, sau phẫu thuật, Việt bị hội chứng não cấp, hôn mê sâu và qua đời sau đó.
  • Cặp song sinh dính nhau nhiều phần Cúc - An: Đây là một trong những ca mổ phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi hai bé bị dính nhau nhiều phần bụng, ngực, gan, khoang màng tim, tá tràng, ruột non, đặc biệt bé An lại bị dị tật tim bẩm sinh. Các bác sĩ đã quyết định mổ tách rời cứu cả hai bé sau khi cân nhắc kỹ.

Ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi đã thành công tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh
Ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi đã thành công tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh
  • Cặp song sinh dính liền tim, gan Long - Phụng: Đây là ca mổ vô cùng phức tạp ở thời điểm đó. Sau phẫu thuật, bé Long có sức khỏe tốt, tuy nhiên tình trạng bé Phụng chuyển biến nặng và qua đời sau ba tháng phẫu thuật
  • Cặp song sinh Cu- Cò: cặp song sinh dính liền phần bụng được phẫu thuật sau 15 ngày sinh. Ca mổ đã diễn ra thành công, các bộ phận bên trong đều nguyên vẹn. Hiện cả 2 bé đều đang có cuộc sống khỏe mạnh.

Gần đây nhất, vào ngày 15/7/2020, gần 100 y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng 30 chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn trên toàn quốc đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài tách đôi hai bé song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi. Ngay từ khi mới ra đời, cặp song sinh dính liền phức tạp vùng bụng chậu. Đến nay, tình trạng của cả hai bé đều ổn định. Tuy nhiên, hai bé vẫn cần được theo dõi sát, chống loét, chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe