Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nguyên nhân song sinh dính liền là do phôi thai chỉ tách một phần, thay vì tạo thành hai cá thể riêng biệt. Mặc dù có hai thai nhi cùng phát triển, nhưng chúng sẽ kết nối vật lý với nhau - thường gặp nhất là ở ngực, bụng hoặc xương chậu, đồng thời có chung một hoặc nhiều cơ quan nội tạng.
1. Các dạng song sinh dính liền
Không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể cho thấy người mẹ đang mang song thai dính liền. Cũng như các trường hợp mang thai đôi khác, tử cung có thể phát triển nhanh hơn so với một thai. Thai phụ có thể bị mệt mỏi, buồn nôn và nôn nhiều hơn trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Cặp song sinh dính liền có thể được chẩn đoán sớm trong thai kỳ bằng siêu âm tiêu chuẩn.
Cặp song sinh dính liền thường được phân loại theo nơi dính nhau. Đôi khi, chúng còn chia sẻ các cơ quan hoặc những bộ phận cơ thể khác cho nhau. Giải phẫu tách cặp sinh đôi dính liền là phương pháp điều trị duy nhất.
Các trường hợp dính nhau thường gặp bao gồm:
- Ngực: Cặp song sinh Thoracopagus dính nhau ở ngực, mặt đối mặt. Hai bé thường có chung một trái tim, cũng có thể chia sẻ gan và ruột với nhau. Đây là một trong những trường hợp phổ biến nhất của các cặp song sinh dính liền.
- Bụng: Cặp song sinh Omphalopagus được kết nối với nhau ở gần bụng, thường dùng chung một gan và một số phần của ruột non (hồi tràng), ruột kết. Trường hợp này chúng sẽ có hai trái tim riêng biệt.
- Gốc cột sống: Cặp song sinh Pygopagus thường dính lại với nhau ở gốc cột sống và mông. Một số cặp song sinh dạng này sẽ có chung đường tiêu hóa dưới, cũng như một phần cơ quan sinh dục và tiết niệu.
- Dọc cột sống: Còn được gọi là Rachipagus, cặp song sinh được nối với nhau dọc theo chiều dài của cột sống. Dạng này rất hiếm gặp.
- Xương chậu: Cặp song sinh Ischiopagus dính với nhau ở xương chậu, mặt đối mặt. Nhiều cặp song sinh dính liền xương chậu thường có chung đường tiêu hóa dưới, gan, cơ quan sinh dục và đường tiết niệu. Mỗi bé có thể đầy đủ 2 chân, trường hợp ít phổ biến hơn là cặp song sinh chỉ có 2 hoặc 3 chân.
- Thân: Cặp song sinh Parapagus được nối với nhau ở xương chậu và một phần hoặc toàn bộ bụng và ngực, nhưng có đầu riêng biệt. Cặp song sinh có thể có 2, 3 hoặc 4 cánh tay, và 2 hoặc 3 chân.
- Đầu: Cặp song sinh Craniopagus có thể dính với nhau ở phía sau, đỉnh hoặc hai bên đầu, ngoài trừ mặt. Hai bé cùng nhau chia sẻ một phần hộp sọ. Tuy nhiên bộ não của chúng thường tách biệt, chỉ có chung một số mô não.
- Đầu và ngực: Cặp song sinh Cephalopagus dính nhau ở mặt và phần trên cơ thể. Hai khuôn mặt sẽ nằm ở hai phía đối diện của một cái đầu chung, và các bé cũng có chung bộ não. Những cặp song sinh dính liền kiểu này hiếm khi sống sót.
Trong những trường hợp hiếm, một bé có thể dính liền với một bé khác nhỏ hơn và chưa hình thành đầy đủ - được gọi là cặp song sinh dính liền không đối xứng.
Trường hợp cực kỳ hiếm, có thể tìm thấy một thai nhi khác phát triển ký sinh bên trong thai nhi chủ. Đây được gọi là hiện tượng thai trong thai (fetus in fetu). Thực chất, đây là những cặp song sinh đồng trứng nhưng 1 trong 2 phôi phân chia quá muộn, khiến nó bị phần kia bao bọc toàn bộ. Thai trong thai khó xảy ra hơn so với hiện tượng song sinh dính liền, cơ hội sống sót cao hơn, và việc loại bỏ bào thai ký sinh bên trong cũng dễ dàng, ít nguy hiểm hơn.
2. Nguyên nhân song sinh dính liền
Cặp song sinh giống hệt nhau (cặp song sinh đơn nhân / cùng trứng) hình thành khi một trứng được thụ tinh, sau đó tách ra và phát triển thành hai cá thể. Sau khi thụ thai 8 - 12 ngày, các lớp phôi sẽ tách ra để bắt đầu phát triển thành hai bào thai, với các cơ quan và cấu trúc riêng biệt.
Có giả thuyết cho rằng nếu phôi phân tách muộn hơn - thường khoảng 13 - 15 ngày sau khi thụ thai, quá trình phân tách sẽ dừng lại trước khi hoàn tất. Kết quả là hình thành cặp song sinh dính liền nhau. Lý thuyết sự phân chia nhân này - nói cách khác là trứng thụ tinh được tách ra chưa hoàn toàn, được nhiều thế hệ chấp nhận.
Một giả thuyết khác cho rằng hai phôi riêng biệt - bằng cách nào đó, có thể hợp nhất lại với nhau trong quá trình phát triển ban đầu. Lý thuyết này được gọi là sự hỗn hợp, khi trứng thụ tinh đã được tách biệt, nhưng tế bào gốc sẽ tìm những tế bào giống nhau và dính (kết hợp) với nhau.
Nguyên nhân gây ra một trong hai tình huống trên vẫn chưa được biết rõ. Bởi vì rất hiếm gặp và nguyên nhân song sinh dính liền không rõ ràng, các chuyên gia không nêu ra được các yếu tố rủi ro khiến một số cặp vợ chồng có cặp sinh đôi dính liền.
3. Biến chứng
Mang thai cặp song sinh dính liền rất phức tạp và làm tăng đáng kể nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng. Hai bé dính liền đòi hỏi phải được sinh mổ lấy thai.
Cũng như các cặp song sinh khác, hai bé dính liền nhiều khả năng sẽ sinh non, một hoặc cả hai bé có thể chết non hoặc chết ngay sau khi sinh. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với cặp song sinh dính liền có thể xảy ra ngay lập tức, chẳng hạn như khó thở hoặc các vấn đề về tim. Biến chứng sau này trong cuộc sống bao gồm vẹo cột sống, bại não hoặc không thể học tập bình thường.
Các biến chứng tiềm ẩn phụ thuộc vào vị trí dính liền, các cơ quan hoặc bộ phận cơ thể dùng chung, cũng như chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ chăm sóc sức khỏe. Khi được chẩn đoán mang thai cặp song sinh dính liền, gia đình và bác sĩ cần thảo luận chi tiết về các biến chứng có thể xảy ra, cũng như kế hoạch cần chuẩn bị tiếp theo.
Trước đây, nhiều cặp song sinh dính liền không còn sống khi được sinh ra (chết non) hoặc chết ngay sau khi sinh. Tuy nhiên những tiến bộ trong phẫu thuật và công nghệ hiện đại ngày nay đã cải thiện tỷ lệ sống sót. Một số cặp song sinh dính liền còn sống có thể được phẫu thuật tách ra. Sự thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào nơi dính liền và số lượng các cơ quan dùng chung, cũng như kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ.
Tuy chưa xác định chính xác nguyên nhân song sinh dính liền, nhưng các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, tuân thủ khám thai định kỳ và tiêm phòng nhằm hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm cũng là cách để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org