Chào bác sĩ ạ. Em muốn hỏi bác một vấn đề như sau ạ:
Em hiện tại đã có một bé gái 2 tuổi nhưng em muốn sinh tiếp, sinh đôi ạ. Em có thể thụ tinh nhân tạo để sinh đôi được không ạ? Sức khỏe hai vợ chồng em đều bình thường, không vô sinh hiếm muộn ạ. Không biết bác sĩ có thể hỗ trợ cho vợ chồng em được sinh đôi như ý nguyện không ạ? Mong nhận được sự tư vấn từ bác sĩ ạ. Em xin cảm ơn.
Nguyễn Thị Hồng Yến (1994)
Được giải đáp bởi ThS.BS Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chào Yến!
Niềm vui nhân đôi khi mẹ mang song thai nhưng lo lắng cũng tăng lên gấp bội. Bởi khi mẹ mang đa thai cũng là lúc mẹ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hay di chứng cao hơn so với đơn thai.
Chẳng hạn, thời gian nằm viện của mẹ sẽ lâu hơn, chi phí sẽ tăng 40% và phải theo dõi, quản lý thai kỳ kỹ lưỡng hơn so với khi mẹ mang đơn thai. Đồng thời, mẹ có thể mắc các bệnh như tiền sản giật, cao huyết áp, nhau bất thường hay các biến chứng sau sinh như băng huyết, tiểu đường.
Không chỉ mỗi mình mẹ mà thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng và mắc di chứng khi mẹ mang song thai.
Tình trạng song thai thường dẫn đến sự phát triển bất cân xứng, chênh lệch cân nặng giữa hai thai, dễ xảy ra tình trạng thai lưu, thai non tháng, thai dị dạng, chậm phát triển hay thậm chí là hội chứng truyền máu song thai.
Đặc biệt, trong song thai, xu hướng sinh thiếu tháng nhiều hơn là đủ tháng.
Ngoài ra, việc phải chăm sóc cùng một lúc hai nhóc sau này sẽ là một thử thách không hề nhỏ của mẹ. Vì vậy mẹ hãy chuẩn bị thật tốt và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định mang song thai mẹ nhé!
Để nhận được sự tư vấn cụ thể hơn mẹ có thể đến các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để thăm khám nhé!
Cảm ơn vì đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng!
Hiện nay, phương pháp thụ tinh nhân tạo sinh đôi đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều cặp vợ chồng. Mặc dù vậy, phương pháp này có thể mang theo một số nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi.
1. Tổng quan thụ tinh nhân tạo sinh đôi
Cấy sinh đôi hay thụ tinh nhân tạo sinh đôi là một phương pháp thụ tinh hiện đại rất phổ biến trong lĩnh vực y học ngày nay. Phương pháp này tương tự như thụ tinh nhân tạo thông thường.
Trong quá trình thụ tinh sinh đôi, bác sĩ lựa chọn những tế bào tinh trùng khỏe mạnh nhất từ người bố. Đến thời điểm rụng trứng của người mẹ, bác sĩ sẽ tiến hành bơm những tế bào tinh trùng đã được lựa chọn vào tử cung để tạo ra bào thai.
Nhìn chung, quá trình thực hiện phương pháp cấy sinh đôi không quá phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh y học đạt được những tiến bộ đáng kể như hiện nay.
2. Phương pháp thụ tinh sinh đôi theo ý muốn
Hiện nay, có hai phương pháp thụ tinh sinh đôi rất được ưa chuộng bao gồm:
2.1 Bơm tinh trùng vào tử cung (IUI):
- Phương pháp này thường được áp dụng cho các cặp vợ chồng gặp vấn đề về hiếm muộn.
- Tỉ lệ thụ thai khi sử dụng phương pháp này có thể lên đến 30%. Bác sĩ sẽ lựa chọn những tế bào tinh trùng khỏe mạnh người nam, sau đó bơm chúng vào tử cung của người nữ.
2.2 Thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm (IVF):
- Phương pháp này phức tạp hơn so với IUI. Sau khi lọc tinh trùng từ nam giới, bác sĩ sẽ cấy tinh trùng và trứng vào ống nghiệm để tạo thành phôi.
- Sau đó, bác sĩ sẽ đưa nhiều phôi cấy vào tử cung của người mẹ để tăng cơ hội thụ thai đôi.
- IVF thường có tỉ lệ thành công cao hơn so với IUI.
- Chi phí cho quá trình này dao động từ 50 đến 70 triệu đồng, thích hợp cho các gia đình có điều kiện kinh tế.
3. Có nên thụ tinh nhân tạo sinh đôi không?
Gia đình nên xem xét cẩn thận trước khi quyết định thụ tinh nhân tạo sinh đôi bởi một số lý do sau:
3.1 Điều kiện kinh tế của gia đình
Chi phí cho quá trình thụ tinh có thể khá cao. Ngoài ra, quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng hai đứa bé cùng một lúc đòi hỏi bố mẹ phải chuẩn bị tinh thần và vật chất để đảm bảo các bé được phát triển trong môi trường tốt nhất.
3.2 Sức khỏe của người mẹ
Không phải tất cả các bà mẹ đều có thể mang thai đôi trong một lần, điều này phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe hiện tại của mẹ. Tuy nhiên, đây vẫn là một phương pháp đáng cân nhắc nếu các gia đình có điều kiện.
4. Những nguy cơ tiềm ẩn khi thụ tinh sinh đôi
Ngoài các rủi ro tương tự quá trình mang thai tự nhiên thường gặp phải như buồn nôn, khó chịu, phù nề và nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ… thì mang thai nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo sinh đôi cũng có những nguy cơ tiềm ẩn sau đây:
- Sinh non, đẻ thiếu tháng: Vì kích thước của thai đôi thường lớn hơn, việc này có thể làm tăng nguy cơ tức tử cung, vỡ ối trong những tháng cuối thai kỳ, làm tăng nguy cơ sinh non so với thai phụ mang thai một thai.
- Khả năng cần phải phẫu thuật mổ: Hầu hết các thai phụ mang thai đôi thường phải đối mặt với việc phải sinh mổ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và con. Tỷ lệ tử vong của thai nhi hoặc sản phụ cũng cao hơn so với thai phụ mang một thai.
- Tăng cân nhanh chóng: Mang thai đôi làm cho thai phụ tăng cân nhanh chóng do phải chăm sóc hai em bé cùng một lúc, cộng với việc lượng nước ối tăng đột ngột.
- Nguy cơ dính liền các bộ phận: Tình trạng dính liền của thai nhi đôi có thể xảy ra khi quá trình phân chia phôi diễn ra chậm, khiến cho hai em bé có thể chia sẻ các cơ quan cơ bản, thậm chí là hội chứng truyền máu song thai.
- Tỷ lệ sảy thai ở thai phụ mang thai đôi cũng cao hơn.
Vì vậy, phụ nữ mang thai cần lắng nghe lời khuyên của bác sĩ và đưa ra quyết định sáng suốt theo tình trạng sức khỏe của bản thân.
5. Những lưu ý khi thụ tinh nhân tạo thai đôi
Dưới đây là những điều phụ nữ mang thai không nên bỏ qua khi mang thai đôi thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo sinh đôi:
5.1 Thăm khám định kỳ
Sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt là khi mang thai đôi bằng thụ tinh nhân tạo. Phụ nữ mang thai cần tuân thủ lịch trình kiểm tra do bác sĩ đề xuất và thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân.
5.2 Cân bằng dinh dưỡng
Quá trình mang thai một em bé đã đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng khi mang thai hai em bé thì khó khăn càng gia tăng. Do đó, phụ nữ mang thai cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng để giúp thai nhi phát triển và ra đời một cách khỏe mạnh nhất có thể.
Phụ nữ mang thai nên tăng cường thêm các thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa, cùng với rau xanh và trái cây tươi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hãy uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, tránh các thực phẩm cay nóng, dầu mỡ và đường trong khẩu phần ăn hàng ngày.
5.3 Tập luyện thể dục
Hoạt động thể dục nhẹ nhàng hàng ngày như đi bộ, thiền, hoặc yoga không chỉ giúp thư giãn mà còn có thể làm cho quá trình sinh con sau này trở nên dễ dàng hơn.
6. Chi phí thụ tinh nhân tạo sinh đôi
6.1 Chi phí thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IVF
Chi phí thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IVF thường dao động từ 60 đến 100 triệu đồng mỗi lần, trong đó chi phí thuốc chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, chi phí này có thể tăng lên tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi của người mẹ, các vấn đề liên quan đến sinh sản, số lượng phôi cấy ghép, hoặc các xét nghiệm liên quan đến giới tính của phôi.
6.2 Chi phí thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng
Hiện nay, chi phí cho quá trình thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IUI thường dao động từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi lần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.