Bệnh thận mãn tính là một tình trạng suy giảm chức năng thận có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Suy thận mãn tính mặc dù không thể chữa khỏi được, nhưng nếu kiểm soát tốt thì bạn có thể sống chung lâu dài với bệnh.
1. Bệnh thận mãn tính là gì?
Bệnh thận mãn tính (CKD) là tình trạng tổn thương ở thận khiến cho chức năng bị suy giảm, không thể phục hồi. Từ đó thận không thể thực hiện các chức năng đào thải chất độc trong cơ thể và dịch thừa ra khỏi máu; cân bằng acid kiềm trong máu; chức năng tạo hồng cầu; sự cân bằng các chất khoáng trong cơ thể.
Suy thận mãn tính thường phát sinh từ tình trạng bệnh thận cấp tính, không được điều trị hoặc không cải thiện sau 3 tháng.
Một số nguyên nhân có thể gây nên bệnh thận mãn tính bao gồm:
- Bệnh tiểu đường, huyết áp cao là 2 nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh thận mãn tính;
- Viêm cầu thận cấp, viêm thận kẽ, viêm ống thận và viêm các cấu trúc xung quanh;
- Bệnh thận đa nang;
- Tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài như trong bệnh phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư;
- Trào ngược Vesicoureteral (VUR): Đây là một tình trạng khiến nước tiểu chảy ngược trở vào thận;
- Viêm thận, bể thận tái phát;
- Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính bao gồm thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa lipid máu...
Khi bị bệnh thận mãn tính bạn có thể không rõ các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Giai đoạn sau có thể gặp một số triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, tiểu nhiều hoặc tiểu ít hơn bình thường, phù nề, sụt cân, ăn không ngon miệng, tiểu có màu sẫm, nổi ban, tăng huyết áp...
2. Làm sao để sống chung với bệnh thận mạn tính?
Thận hoạt động bình thường là yếu tố quan trọng để giữ cho sức khỏe của bạn. Nếu bị bệnh thận mãn tính thì chức năng lọc máu sẽ không tốt như bình thường và điều này có thể dẫn đến các vấn đề khác về sức khỏe. Mặc dù không thể đảo ngược những tổn thương thận, nhưng có thể thực hiện các bước để làm cho nó tiến triển chậm hơn. Một số biện pháp để giúp bạn sống chung với bệnh thận mãn tính:
- Lên kế hoạch dùng thuốc theo chỉ định
Một số loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng của bệnh trong tương lai. Điều rất quan trọng là bạn phải dùng đúng loại thuốc được kê đơn cho bệnh của mình, ngay cả khi đã cảm thấy khỏe.
Ngoài ra, một số thuốc có thể ảnh hưởng tới chức năng thận hay có nguy cơ tích lũy thuốc khi dùng. Luôn đọc kỹ hướng dẫn và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Kể cả thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng hoặc chất bổ sung dinh dưỡng nào.
- Vận động cơ thể
Hoạt động thể chất rất tốt cho bất kỳ ai, kể cả những người bị bệnh thận. Nó có thể tăng cường năng lượng, giúp bạn dễ ngủ hơn, củng cố sức khoẻ xương và ngăn ngừa tình trạng trầm cảm. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề khác như bệnh tim mạch.
Nếu bị bệnh thận mãn tính nhẹ đến trung bình thì bạn sẽ có thể hoạt động thể chất thường xuyên như những người bình thường. Nếu bị bệnh thận mãn tính giai đoạn sau (hoặc nặng), bạn có thể nhanh chóng trở nên mệt mỏi hơn khi thực hiện vận động thể chất. Vì vậy, bạn cần nói chuyện với bác sĩ điều trị về hoạt động thể chất nào phù hợp với bản thân.
- Chế độ ăn uống điều độ
Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể giúp cải thiện sức khỏe của bản thân và giảm nguy cơ phát triển các vấn đề khác khi mắc bệnh thận mãn tính.
Mặc dù trong chế độ ăn uống nên hạn chế muối, nhưng thức ăn của bạn không nhất thiết phải quá nhạt nhẽo. Bạn có thể sáng tạo đồ ăn của mình với các loại thảo mộc, gia vị và giấm có hương vị trong công thức nấu ăn yêu thích. Nấu thức ăn ở nhà thay vì ăn ở ngoài hàng quán cũng là biện pháp giúp bạn giảm lượng muối ăn vào cơ thể và kiểm soát được những thứ mình đang ăn vào cơ thể.
Nếu bị bệnh tiểu đường và bệnh thận mãn tính cùng lúc, việc tìm kiếm những loại thực phẩm tốt để ăn có thể là một khó khăn. Nhưng không có nghĩa là không thể, vì vẫn còn rất nhiều loại thực phẩm bạn có thể thưởng thức ngon lành. Một số thực phẩm có tác dụng đối với cả bệnh tiểu đường và bệnh thận mãn tính bao gồm: Trái cây mọng (nho, anh đào, táo, mận...); rau (cải, súp lơ, hành tây, cà tím, củ cải...); Protein (các loại thịt nạc như thịt gia cầm, cá, trứng, hải sản không ướp muối; tinh bột (bánh mì trắng, bánh mì tròn, bánh quy giòn không muối, mì ống, gạo); đồ uống (nước, trà không đường, sữa không đường); tránh những đồ ăn chế biến sẵn, đường, bánh ngọt, quả ngọt, nước ngọt, nước có gas...
- Tập trung cho giấc ngủ của bạn
Giấc ngủ là một điều hết sức quan trọng để có sức khoẻ ổn định. Bạn nên ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý. Tạo môi trường yên tĩnh để có giấc ngủ ngon hơn, tránh căng thẳng đầu óc, thư giãn trước khi ngủ...
- Thư giãn
Bạn có thể thực hành các biện pháp thư giãn như ngồi thiền, tập yoga...Những điều này giúp bạn giải tỏa được áp lực trong cuộc sống hàng ngày và cũng giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn.
Một số phương pháp khác mà bạn có thể làm để sống khỏe với bệnh thận mãn tính của mình:
- Bỏ thuốc lá hoặc tốt không bắt đầu sử dụng: Hút thuốc có thể làm cho bệnh thận trở nên nặng hơn và cản trở những loại thuốc làm giảm huyết áp;
- Hạn chế uống rượu: Bởi vì rượu có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng cao huyết áp;
- Giữ huyết áp của bạn ở mức dưới 140/90 mmHg hoặc huyết áp mục tiêu của riêng bạn được bác sĩ đặt ra;
- Nếu bạn bị tiểu đường, hãy duy trì mức đường huyết đạt mục tiêu.;
- Trong mùa cúm bạn nên tiêm phòng cúm.
Nhận biết những dấu hiệu bất thường:
- Nếu cảm thấy mệt mỏi nhiều, không đi tiểu, chóng mặt, nôn nhiều, chảy máu không ngừng, hôn mê... người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời;
- Ngoài ra, việc thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ cũng rất quan trọng. Điều này giúp nhận biết sớm tình trạng bệnh có tăng nặng không.
Trên đây là những điều bạn cần thực hiện để giúp bản thân có thể sống chung khỏe mạnh với bệnh thận mạn. Nếu bệnh tiến triển nặng hoặc có dấu hiệu bất thường, cần thăm khác bác sĩ ngay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com