Sỏi kẹt trong đường mật có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan như tuyến tụy, hệ tiêu hóa,... Vậy khi bị sỏi kẹt trong đường mật cần xử lý như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây về sỏi kẹt trong đường mật.
1. Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là một bệnh lý tiêu hóa - gan mật, được hình thành do sự rối loạn chuyển hóa các cholesterol; sắc tố mật và muối mật. Các viên sỏi có hình dạng kích thước khác nhau hình thành ở những vị trí như đường mật trong gan, túi mật và ống mật chủ. Trong đó, sỏi ống mật chủ (OMC) chiếm tỉ lệ khoảng 60% các trường hợp sỏi mật.
Sỏi mật, sỏi đường mật có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng một số đối tượng sau sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn:
- Người có tiền sử gia đình có người bị sỏi mật.
- Những người giảm cân quá nhanh.
- Người cao tuổi (trên 60 tuổi).
- Những phụ nữ đang mang thai.
- Chị em phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai dài ngày.
- Chế độ ăn có chứa nhiều chất béo, bệnh nhân ít vận động.
Phần lớn các trường hợp sỏi mật, sỏi đường mật thường không gây ra triệu chứng rõ rệt. Nhưng khi sỏi kẹt trong đường mật, chúng có thể gây ra một số triệu chứng như sau:
- Cảm giác đau đớn: Cơn đau do sỏi kẹt trong đường mật gây ra thường xuất hiện ở vùng bụng trên, bên phải, gần xương sườn. Các cơn đau thường rất dữ dội, trong một số trường hợp, các cơn đau có thể lan tới vùng lưng hoặc vùng vai.
- Hiện tượng vàng da: Khi sỏi kẹt trong đường mật sẽ làm cản trở chức năng của gan, do đó, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng vàng da.
- Nước tiểu có màu sẫm: Một số người khi bị sỏi mật hoặc sỏi đường mật đều gặp phải triệu chứng như nước tiểu sẫm màu, ngay cả khi họ đã uống đủ nước.
- Hiện tượng sốt, ớn lạnh: Đây là một dấu hiệu cho thấy đường mật hoặc túi mật đang bị viêm. Bộ 3 dấu hiệu đau, vàng da và sốt do sỏi đường mật còn được gọi là tam chứng Charcot.
- Một số dấu hiệu khác như: Phân bạc màu, buồn nôn/nôn, hạ huyết áp...
2. Các phương pháp điều trị sỏi mật
Tùy vào từng tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
2.1 Kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng ERCP
Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng ERCP là một kỹ thuật tiên tiến, có thể giúp chẩn đoán chính xác và điều trị các bệnh lý sỏi đường mật. Ví dụ như viêm tụy cấp do các viên sỏi kẹt tại vị trí bóng Vater; viêm/nhiễm trùng đường mật do sỏi, hẹp hoặc tắc nghẽn đường mật, giun chui ống mật,... Phương pháp này có một số ưu việt như:
- Hạn chế tối đa sự xâm lấn, giúp các bác sĩ xác định được chính xác vị trí và lấy sỏi thành công.
- Bệnh nhân sẽ không phải chịu một cuộc phẫu thuật lớn, giảm tối thiểu nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu, ít biến chứng.
- Chi phí thực hiện thấp ngoài ra ít ảnh hưởng tới sức khỏe
- Giảm đau đớn và thời gian nằm viện ngắn, thời gian phục hồi sức khỏe nhanh sức khỏe và có tính thẩm mỹ.
2.2 Kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da
Bác sĩ phẫu thuật sẽ chọc một đường duy nhất có kích thước trong khoảng 3 – 5mm từ ngoài cơ thể. Vị trí xuyên qua da ngoài thành bụng vào trong đường mật trong gan. Kỹ thuật này được thực hiện dưới hướng dẫn của máy siêu âm trong mổ, máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA và camera nội soi. Bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ vào đường mật trong gan, sau đó một bộ nong rộng đưa máy tán sỏi laser công suất lớn sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống đường mật trong gan, bao gồm ống gan phải, ống gan trái, toàn bộ ống mật chủ.
Các vị trí phát hiện có sỏi sẽ được tán nhỏ và hút ra ngoài, sau đó bơm rửa lấy hết cặn sỏi. Sau khi kết thúc ca tán sỏi, bệnh nhân sẽ được kiểm tra lại toàn bộ bằng chụp X-quang và siêu âm đường mật để đảm bảo không còn sót sỏi. Chính vì vậy, tán sỏi đường mật qua da đòi hỏi phải được tiến hành ở các bệnh viện lớn có trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ. Ngoài ra, đội ngũ các bác sĩ ngoại khoa được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Tán sỏi đường mật qua da có một số ưu điểm như sau:
- Đây được đánh giá là phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn tiên tiến và mang lại hiệu quả ưu việt nhất. Đặc biệt phương pháp này thích hợp với các bệnh nhân già yếu, có bệnh lý toàn thân phối hợp hoặc những người đã có tiền sử phẫu thuật đường mật nhiều lần.
- Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, tỉnh táo hoàn toàn, ít đau trong quá trình thực hiện thủ thuật.
- Một số nguy cơ biến chứng thường gặp như chảy máu, nhiễm trùng, biến chứng do gây mê...được kiểm soát tốt.
- Thời gian hồi phục nhanh, sớm xuất viện
2.3 Mổ sỏi đường mật (Mổ hở)
Phương pháp này được chỉ định khi người bệnh không thể thực hiện hoặc đã thực hiện 2 phương pháp trên thất bại. Mổ hở được đánh giá đem lại nguy cơ biến chứng của người bệnh sẽ cao hơn. Bạn có thể bị hẹp đường mật hoặc tổn thương niêm mạc đường mật... khi thực hiện phương pháp này.
3. Làm gì để phòng sỏi đường mật?
Để có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi đường mật của mình bằng cách thực hiện một số biện pháp sau:
- Duy trì chế độ ăn khoa học ít béo: Bạn nên hạn chế những thực phẩm giàu chất béo và có giá trị dinh dưỡng thấp như các loại đồ ăn nhanh, khoai tây chiên, ... Người bệnh cần chuyển sang ăn các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như các loại cá béo, quả bơ, ...
- Bổ sung các chất xơ: Bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ giàu chất xơ cũng có thể giúp phòng ngừa sỏi mật, sỏi đường mật.
- Giảm và duy trì cân nặng ổn định: Bạn có thể thực hiện bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn.
Nhìn chung, bệnh sỏi kẹt trong đường mật hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều điều trị được. Bạn nên duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh và khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lý cần được tư vấn, thăm khám bởi bệnh viện chất lượng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.