Mày đay cấp tính có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng với người bệnh. Các biểu hiện của mày đay gồm các nốt sần, mảng hồng ban hoặc trắng, phù nề và có nhiều kích thước, đa dạng hình dạng khác nhau như hình tròn, bầu dục. Để có thể nhanh chóng chẩn đoán mày đay cấp tính, các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp sinh thiết da.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Mày đay là bệnh gì?
Mày đay là tình trạng phát ban da do phản ứng của mao mạch, có thể xuất hiện đột ngột hoặc kéo dài. Theo thống kê, có khoảng 20% dân số sẽ trải qua tình trạng này ít nhất một lần trong đời. Mày đay hình thành do chuỗi phản ứng phức tạp trong cơ thể, từ đó dẫn đến sự giải phóng histamin và các chất trung gian gây viêm.
Biểu hiện của mày đay là các mảng đỏ hoặc trắng, phù nề với ranh giới rõ ràng, có thể có nhiều hình dạng khác nhau như tròn, bầu dục hoặc hình đa cung. Một số trường hợp có thể xuất hiện bóng nước, xuất huyết hoặc tróc vảy. Mức độ ngứa khi mắc mày đay có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng. Mày đay thường xuất hiện ở da, niêm mạc, thanh quản và đường tiêu hóa. Trong đó, mày đay cấp tính là tình trạng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân gây ra mày đay cấp tính
Mày đay cấp tính thường kéo dài ít hơn 6 tuần và do nhiều nguyên nhân gây ra. Ví dụ như:
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây mày đay hoặc phù mạch, chẳng hạn như kháng sinh (penicillin), thuốc kháng viêm (NSAID như ibuprofen hay aspirin) và thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển (ACE inhibitors), dù đôi khi chỉ gây phù mạch mà không xuất hiện mày đay.
- Thực phẩm: Một số thực phẩm thường gây ra mày đay cấp tính hoặc phù mạch. Những thực phẩm này gồm quả hạch, đậu, sữa, trứng, cá và phô mai. Ngoài ra, một số thực phẩm gây dị ứng qua trung gian IgE như lạc, hạt điều, trứng, cá và nhuyễn thể cũng rất phổ biến trong các trường hợp bệnh nhân nổi mày đay cấp tính.
- Dị nguyên đường hô hấp: Bọ nhà, phấn hoa, lông chó mèo không chỉ gây dị ứng đường hô hấp mà còn có thể là nguyên nhân gây ra mày đay.
- Nhiễm trùng: Nhiễm virus cấp tính, đặc biệt là ở trẻ em cũng có thể gây ra mày đay, phù mạch.
Nhìn chung, mày đay cấp tính thường liên quan đến phản ứng dị ứng qua trung gian IgE (type 1) hoặc trung gian bổ thể (type 3) và phản ứng qua trung gian miễn dịch. Trong khi đó, mày đay mãn tính kéo dài trên 6 tuần thường không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nhân mắc mày đay mãn tính có thể xác định được yếu tố gây bệnh. Cơ chế gây mày đay mãn tính thường do tự kháng thể IgG hoặc IgE gắn với thụ thể IgE có ái tính cao trên bề mặt tế bào bón, từ đó phóng thích histamin.
Mày đay còn có nhiều dạng khác như mày đay cơ học, mày đay muộn do áp lực hay mày đay do rung. Trong đó, mày đay cơ học sẽ có biểu hiện da vẽ nổi. Không chỉ vậy, nhiệt độ thay đổi hay ánh nắng mặt trời cũng có thể khiến người bệnh nổi mày đay.
3. Chẩn đoán
Khi người bệnh có dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ mắc mày đay, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm và phương pháp cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
- Các xét nghiệm phổ biến và thường được thực hiện gồm:
- Xét nghiệm huyết đồ.
- Xét nghiệm tốc độ máu lắng.
- Tổng phân tích nước tiểu.
- Xét nghiệm da.
- Sinh thiết tại vùng da nổi mày đay.
Dựa trên các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ cũng có thể xác định được nguyên nhân gây ra mày đay cấp tính.
Theo đó, nếu bệnh nhân có hiện tượng sẩn ngứa, phát ban và mày đay sưng phù xuất hiện trong vòng 60 phút sau khi bệnh nhân ăn uống, thay đổi chế độ ăn hoặc thức ăn chưa nấu chín, bác sĩ có thể suy ra nguyên nhân nổi mày đay hoặc mày đay cấp tính là do dị ứng với chất phụ gia, phẩm màu có trong thực phẩm hoặc chính loại thực phẩm mà người bệnh vừa ăn.
Nếu mày đay xuất hiện sau khi sử dụng một loại thuốc mới hoặc thực phẩm chức năng, rất có thể bệnh nhân bị mày đay do dị ứng thuốc hoặc các chất phụ gia. Đối với mày đay vật lý, nguyên nhân có thể do bệnh nhân vừa chạy bộ, tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, đè ép hoặc tiếp xúc với sóng rung.
4. Áp dụng Sinh Thiết vào chẩn đoán mày đay cấp tính
Tuy nhiên, nếu vẫn chưa chắc chắn về chẩn đoán hoặc nếu tình trạng sẩn kéo dài trên 48 giờ, việc thực hiện sinh thiết da là cần thiết để loại trừ bệnh viêm mạch nổi mề đay và các bệnh da liễu khác.
Phương pháp sinh thiết da là một thủ thuật khá đơn giản và được áp dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán các rối loạn về da. Bằng cách lấy đi một mẫu da có kích thước từ 2-5mm để thực hiện các xét nghiệm mô bệnh học, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác hơn.
Tùy theo khu vực da xuất hiện tình trạng bệnh hoặc khu vực nghi ngờ tổn thương, mỗi bệnh nhân sẽ áp dụng các phương pháp sinh thiết da khác nhau. Thủ thuật sinh thiết da gồm 3 loại chính như sau:
- Phương pháp sinh thiết bấm: Đây là phương pháp bác sĩ dùng một cây kim có dạng bút nhỏ với kích thước từ 2 đến 4 mm. Thủ thuật được thực hiện bằng cách bấm lấy một mẫu sinh thiết trên da và thường kết thúc bằng việc khâu lại vết sinh thiết. Tuy nhiên, vết sinh thiết rất nhỏ nên có thể không cần phải khâu lại mà vết thương vẫn tự lành.
- Phương pháp sinh thiết cạo: Lúc này bác sĩ sẽ dùng một bộ dụng cụ giống như dao cạo để tách ra một mảng nhỏ của lớp trên cùng da hoặc lớp biểu bì hay hạ bì. Thủ thuật này cũng không yêu cầu phải khâu lại da.
- Phương pháp sinh thiết cắt: Bác sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật cắt ra toàn bộ hoặc một khu vực bất thường của da bệnh nhân, phần cắt bỏ này gồm cả phần da bình thường và sâu vào lớp mỡ của da. Phương pháp này cần phải được khâu kín chỗ đã lấy sinh thiết trên da.
5. Điều trị
Cách điều trị mày đay cấp tính tốt nhất là tránh các tác nhân gây dị ứng vừa được đề cập. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên tránh sử dụng đồ uống có cồn, các thuốc thông thường hoặc thuốc khiến bệnh trở nên nặng hơn như thuốc chống viêm không steroid hay aspirin.
Người bệnh cũng có thể dùng thuốc kháng histamin dưới sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, menthol 1% cũng có thể giúp bệnh nhân giảm ngứa hiệu quả.
Bệnh nhân cũng nên mặc đồ thoải mái và rộng rãi, tránh sự tiếp xúc giữa da và quần áo. Nếu mày đay xuất hiện do sốc phản vệ, người bệnh cần được điều trị bằng andrenaline tại chỗ và cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.