Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ứ dịch tử cung là hiện tượng dịch bị ứ đọng trong lòng tử cung nữ giới, thường gặp ở phụ nữ sau sinh và phá thai. Siêu âm giúp chẩn đoán và đánh giá tình trạng ứ dịch tử cung, từ đó nhanh chóng can thiệp để loại bỏ dịch tránh gây những biến chứng sức khỏe không mong muốn.
1. Nguyên nhân gây dịch tử cung
Thông thường ở phụ nữ, sản dịch gồm nhau thai, máu, các mô và chất nhầy sẽ được đưa ra ngoài trong và sau quá trình sinh nở. Tử cung co bóp mạnh mẽ trong giai đoạn này cũng giúp đẩy sản dịch ra ngoài, đưa tử cung trở về trạng thái ban đầu. Ở phụ nữ phá thai, sản dịch cũng sẽ được đưa ra ngoài bằng can thiệp y tế hoặc thuốc.
Tuy nhiên, vì nguyên nhân nào đó, sản dịch không được đưa hết ra ngoài mà ứ đọng lại trong tử cung nữ giới. Sản dịch ứ đọng thường là nước ối sót lại, cục máu đông từ nơi rau bám hoặc vết thương, mảnh vụn lớp nội mạc, vết thương âm đạo hoặc cổ tử cung,...
Tình trạng ứ dịch tử cung hiện nay khá phổ biến, những nguyên nhân thường gặp gồm:
Tử cung co bóp yếu
Tử cung co bóp lúc sinh và sau khi sinh chính là tác nhân giúp đẩy con cũng như sản dịch ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên nhiều phụ nữ chuyển dạ lâu, thai lớn, đa thai, đa ối,... khiến tử cung phải hoạt động quá sức, dẫn đến co bóp yếu. Hậu quả là sản dịch không được co bóp đẩy hết ra ngoài mà ứ lại trong tử cung.
Do nạo phá thai nhiều lần
Nạo phá thai nhiều lần làm tổn thương, mỏng thành tử cung, gây nhiều biến chứng trong đó có ứ dịch tử cung.
Do viêm nhiễm cổ tử cung
Tình trạng viêm nhiễm cổ tử cung khiến sản dịch khó bị đẩy ra ngoài hơn, trong khi ở vùng viêm nhiễm lại tăng tiết dịch hơn. Từ đó gây ra tình trạng bệnh lý này.
Chuyển dạ lâu hoặc sinh mổ khi chưa chuyển dạ
Chuyển dạ lâu hoặc sinh mổ khi chưa chuyển dạ khiến tử cung chưa mở đúng mức, sản dịch vì thế cũng không thể thoát ra ngoài.
Rối loạn kinh nguyệt
Phụ nữ rối loạn kinh nguyệt kéo dài có thể khiến máu kinh đọng lại trong tử cung, gây hiện tượng ứ dịch.
2. Ứ dịch tử cung có nguy hiểm không?
Thông thường sau khi sinh 12 – 13 ngày, tử cung co lại, dịch nhầy ra ít hơn, không sờ thấy tử cung của mình nữa. Nhưng nếu bị ứ dịch tử cung, mẹ sẽ thấy các dấu hiệu như: sản dịch ra nhiều, có mùi hôi, tử cung to và đau khi ấn vào, đi vệ sinh kém, có thể kèm sốt, lạnh run, cương vú,...
Theo các chuyên gia, ứ sản dịch tử cung không quá nguy hiểm đến tính mạng sản phụ nhưng nếu không xử lý đưa dịch ra sớm có thể gây nhiều biến chứng như:
Gây nhiều bệnh phụ khoa
Dịch ứ đọng trong lòng tử cung lâu ngày là nguyên nhân gây ra tình trạng ,nhiễm trùng viêm phần phụ ở phụ nữ sau sinh.
Nguy cơ gây vô sinh, hiếm muộn
Sản dịch ứ đọng trong lòng tử cung chứa máu, sót rau thai, các mô,... khiến tử cung bị viêm nhiễm. Viêm nhiễm kéo dài có thể gây tắc vòi trứng, bệnh nhân dễ mang thai ngoài tử cung, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non ở những lần sinh sau.
Gây nhiều ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe
Hiện tượng dịch tử cung gây nhiều tác động khiến sức khỏe người bệnh đi xuống, luôn trong tình trạng mệt mỏi, vùng kín có mùi hôi, thường xuyên viêm nhiễm.
Ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục
Thông thường sau thời gian kiêng quan hệ sau sinh hoặc đình chỉ thai, phụ nữ sẽ có cuộc sống tình dục bình thường. Nhưng ứ dịch tử cung có thể khiến nữ giới không còn hứng thú, lãnh cảm tình dục, tự ti về bản thân,... ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng.
Biến chứng ứ dịch tử cung nguy hiểm hơn ở những phụ nữ sau nạo phá thai, đặc biệt khi phá thai sót nhau thai và cục máu đông. Cùng với thành tử cung bị tác động tổn thương, bào mòn sau thủ thuật đình chỉ, nữ giới có thể gặp nhiều dấu hiệu như: Đau bụng dữ dội, ra máu nhiều, kéo dài và lẫn cục máu đông, sản dịch kèm máu sẫm màu, có mùi hôi, tử cung viêm sưng, ấn vào thấy đau, kinh nguyệt rối loạn hoặc mất hẳn,...
Như vậy, nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ của ứ dịch tử cung sau sinh hoặc đình chỉ thai, chị em cần sớm tới khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.
3. Siêu âm phát hiện dịch tử cung phải làm gì?
Siêu âm giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán dịch tử cung và những ảnh hưởng của nó nếu có, từ đó quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay điều trị dịch tử cung có 2 phương pháp là dùng thuốc và hút sản dịch.
Dùng thuốc
Ứ dịch tử cung nhẹ, phát hiện sớm thường được chỉ định dùng thuốc điều trị. Các thuốc thường được chỉ định như thuốc tiêm, thuốc ngâm, thuốc truyền tĩnh mạch pha loãng với NaCl để thúc đẩy tử cung co bóp mạnh hơn, đẩy sản dịch ra ngoài.
Nếu bệnh nhân có tình trạng viêm nhiễm tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo sẽ được chỉ định sử dụng thêm thuốc kháng sinh chống viêm, kháng khuẩn.
Hút sản dịch
Nếu tình trạng ứ dịch nặng, dùng thuốc không hiệu quả thì phương pháp hút sản dịch sẽ được chỉ định. Thủ thuật can thiệp nong cổ tử cung bằng tay và hút sản dịch bằng ống chuyên dụng, yêu cầu kỹ thuật và máy móc tiệt trùng sạch, hiện đại. Vì thế, bệnh nhân nên cân nhắc lựa chọn bác sĩ và cơ sở chữa bệnh uy tín.
Để phòng tránh ứ dịch tử cung sau sinh, sản phụ nên chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nghỉ ngơi và vận động phù hợp, cho bé bú sớm, không nịt bụng quá chặt để sản dịch được tống hết ra ngoài. Nước chè vằng, canh trứng đậu phụ, canh rau ngót cũng rất tốt cho phụ nữ bị ứ dịch tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.