Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Siêu âm màng phổi cấp cứu là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý màng phổi hiện nay.
1. Siêu âm màng phổi cấp cứu là gì?
Siêu âm màng phổi là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh với mục đích phát hiện, đánh giá tính chất của dịch màng phổi, ước lượng số lượng dịch, hướng dẫn chọc dò, sinh thiết màng phổi, đồng thời đánh giá tổn thương dạng nốt hay khối trên màng phổi. Phương pháp này đã được ứng dụng từ lâu trong thăm khám thành ngực, màng phổi, trung thất, nhu mô phổi,... Ngoài ra, siêu âm màng phổi cũng được sử dụng để chẩn đoán sớm các trường hợp tràn khí màng phổi khi chưa chụp được X-quang phổi.
Ưu điểm của siêu âm màng phổi là: Không có liều chiếu xạ, thiết bị nhỏ gọn, có thể thực hiện tại giường bệnh ở những bệnh nhân nặng, bệnh nhân được cấp cứu, có thể thực hiện lặp lại nhiều lần, thời gian thăm khám nhanh và chi phí thấp. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tồn tại hạn chế là độ phân giải hình ảnh phụ thuộc vào thiết bị; hình ảnh không khách quan, phụ thuộc vào người thực hiện và có thể gây khó khăn trong phân tích một số hình ảnh siêu âm.
2. Chỉ định/chống chỉ định
- Phát hiện, đánh giá tràn dịch màng phổi, đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ tràn mủ, tràn máu màng phổi do bệnh lý hoặc sau các thủ thuật có nguy cơ tràn dịch;
- Làm rõ bản chất của tổn thương mờ ở thành ngực hoặc màng phổi như khối u, dịch;
- Chẩn đoán phân biệt tràn dịch màng phổi hay dịch khu trú dưới cơ hoành, đánh giá sự di động của cơ hoành;
- Phát hiện, đánh giá độ dày màng phổi, khối u màng phổi, khối u phổi xâm lấn vào thành ngực;
- Hướng dẫn chọc dò, dẫn lưu dịch và sinh thiết màng phổi;
- Phát hiện, theo dõi tai biến, tiến triển của tràn khí màng phổi.
3. Thực hiện kỹ thuật siêu âm màng phổi cấp cứu
3.1 Chuẩn bị
- Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh;
- Phương tiện sử dụng: Máy siêu âm 2D có đầu dò tần số 3.5 MHz và gel dẫn âm;
- Người bệnh: Có tư thế chuẩn, bộc lộ vùng cần siêu âm. Bệnh nhân cần được kiểm tra hồ sơ (tiền sử, bệnh sử, các thủ thuật xâm lấn đã thực hiện) và kiểm tra sức khỏe. Tư thế ngồi: Đặt đầu dò siêu âm ở các khoang liên sườn, giúp thăm khám được bệnh lý thành ngực, màng phổi và phát hiện tràn dịch màng phổi lượng ít. Tư thế nằm: Thăm khám màng phổi ở góc sườn hoành bên và sau, nhu mô phổi phần đáy và lấy gan làm cửa sổ siêu âm, đánh giá cơ hoành, màng phổi.
3.2 Quy trình thực hiện
- Đặt đầu dò siêu âm màng phổi, di chuyển dọc theo khoang liên sườn từ đỉnh phổi xuống dưới vòm hoành;
- Khi nghi ngờ có tổn thương ở màng phổi thì quan sát sự thay đổi trong các thì của hô hấp, so sánh với bên phổi đối diện;
- Hình ảnh bình thường:
- Dấu hiệu dội lại: Khi gặp mặt phân cách ở giữa màng phổi và không khí trong nhu mô phổi, sóng âm sẽ bị phản xạ dội lại liên tiếp, tạo ra các đường song song với màng phổi;
- Dấu hiệu trượt màng phổi: Lá thành và lá tạng trượt lên nhau. Dấu hiệu trượt màng phổi mất đi khi có bệnh lý: tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, u màng phổi,...;
- Dấu hiệu đuôi sao chổi: Sóng âm khi gặp môi trường không khí và các vách phế nang sẽ tạo nên nhiều mặt phản hồi liên tiếp theo nhiều hướng;
- Dấu hiệu bờ biển trên siêu âm kiểu TM;
- Nhận định trong trường hợp tràn dịch màng phổi:
- Tràn dịch màng phổi điển hình nếu siêu âm cho hình ảnh khoảng trống âm đồng nhất nằm ở giữa lá thành và lá tạng;
- 4 mức độ của cản âm: Tùy nguyên nhân gây tràn máu màng phổi mà khi siêu âm màng phổi có thể thấy các hình ảnh đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau;
- Trống âm;
- Hỗn hợp âm nhưng không có vách hóa;
- Hỗn hợp âm có vách hóa;
- Tăng âm đồng nhất;
- Ước lượng mức độ tràn dịch màng phổi khi dùng đầu dò siêu âm 3,5 MHz:
- Tràn dịch màng phổi lượng rất ít: Khoảng trống âm chỉ khu trú ở góc sườn hoành;
- Tràn dịch màng phổi lượng ít: Khoảng trống âm nằm ở góc sườn hoành, nằm trong tầm quét của đầu dò siêu âm;
- Tràn dịch màng phổi lượng vừa: Khoảng trống âm lớn hơn 1 tầm nhưng chưa vượt quá 2 tầm quét của đầu dò siêu âm;
- Tràn dịch màng phổi lượng nhiều: Khoảng trống âm vượt quá 2 tầm quét của đầu dò siêu âm;
- Nhận định trong trường hợp tràn khí màng phổi: Các dấu hiệu gợi ý bệnh nhân bị tràn khí màng phổi gồm:
- Không thấy dấu hiệu phổi trượt;
- Không thấy dấu hiệu đuôi sao chổi;
- Đường màng phổi bị rộng ra.
Siêu âm màng phổi cấp cứu là phương pháp có khả năng chẩn đoán bệnh lý thành ngực, tràn dịch màng phổi, dày màng phổi, u màng phổi, tràn khí màng phổi, hỗ trợ định vị và định hướng chọc dò, sinh thiết, dẫn lưu dịch,... Bệnh nhân khi được chỉ định thực hiện siêu âm màng phổi cần phối hợp tốt với bác sĩ để thu được kết quả chẩn đoán chính xác, hỗ trợ tốt cho công tác điều trị sau này.
XEM THÊM: