Có nên quan hệ khi bị gãy xương đòn?

Gãy xương đòn là một chấn thương thường gặp ở vai do va đập trực tiếp hoặc gián tiếp. Gãy xương đòn có quan hệ được không và phải làm sao để xương đòn nhanh hồi phục là thắc mắc chung của không ít bệnh nhân.

1. Gãy xương đòn là gì ?

Gãy xương đòn là chấn thương thường gặp ở đai vai với tỉ lệ khoảng 35 - 43% các trường hợp gãy xương ở mọi lứa tuổi. Gãy xương đòn thường do va đập trực tiếp hoặc gián tiếp mà nguyên nhân chủ yếu ở Việt Nam là tai nạn giao thông.

Triệu chứng lâm sàng của tình trạng này là :

  • Sưng nề, bầm tím, đau mất cơ năng khớp vai (thường không giơ tay lên đầu được).
  • Vai xệ, vai đau thấp hơn bên lành, tay lành nâng lên thường đau.
  • Có thể sờ thấy xương gãy gồ lên dưới da (đây là biến dạng kiểu bậc thang).
  • Ấn đau chói tại vị trí gãy và có thể nghe tiếng lạo xạo xương do hay đầu xương gãy cọ vào nhau.
  • Đo chiều dài mỏm cùng – xương ức thường ngắn hơn bên lành.

X-quang xương đòn giúp xác định loại gãy xương và đường gãy, nhất là các loại gãy xương ở đầu ngoài và đầu trong xương đòn. Để thấy rõ gãy xương trong nhiều trường hợp khó, cần chụp X-quang xương đòn ở tư thế chiếu chếch 40 độ, để hình ảnh xương đòn không chồng lên các xương khác.

2. Điều trị gãy xương đòn

2.1. Điều trị ngoại trú

Hầu hết các gãy xương đòn đều được điều trị bảo tồn, tuy nhiên nên lựa chọn thích hợp tùy từng bệnh nhân và tùy vào loại chấn thương.

  • Đai số 8 : Giúp cố định khớp vai và xương đòn, để xương đòn không di động được. Đai số 8 bằng thun thường tốt hơn dùng băng bột vì nó luôn ôm sát xương đòn trong mọi tư thế. Thời gian mang đai số 8 khoảng từ 4 đến 6 tuần.
  • Thuốc : Sử dụng kháng viêm và giảm đau không Steroid (NSAIDs), bệnh nhân có thể bổ sung thêm các loại thuốc chứa Canxi, Vitamin D...
  • Tái khám tại viện sau 1, 3, 6 và 12 tuần.

2.2. Điều trị nội trú

  • Điều trị bảo tồn với các trường hợp gãy ít di lệch hoặc không di lệch, bệnh nhân có tổn thương phối hợp như gãy xương sườn, gãy xương bả vai, hoặc có vấn đề về tim mạch, hô hấp cần theo dõi.
  • Phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp như không liền xương, gãy đầu ngoài xương đòn, gãy có tổn thương mạch máu, thần kinh, hai đầu gãy xa nhau, vai bập bênh, gãy hở, bệnh nhân muốn phục hồi sớm....
  • Thuốc : Sử dụng kháng sinh trước và sau phẫu thuật, kháng viêm giảm đau không Steroid (NSAIDs).
  • Cắt chỉ vết mổ sau 10 – 14 ngày, hướng dẫn tập vận động chủ động sau mổ.
  • Tái khám tại viện sau 1, 3, 6 và 12 tuần.

3. Bị gãy xương đòn có quan hệ được không ?

3.1. Bệnh nhân điều trị nội trú

Gãy xương đòn có làm được việc nặng không hay quan hệ tình dục được không là những câu hỏi mà hầu hết các bệnh nhân thắc mắc với bác sĩ điều trị. Những câu hỏi này xuất phát về việc gãy xương đòn là một loại gãy mức độ nhẹ, thường đơn giản và ít biến chứng.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị gãy xương đòn chỉ định điều trị nội trú, tức là có gãy xương đòn kèm với gãy phối hợp ở các xương khác, gãy đầu ngoài xương đòn, gãy xương đòn kèm tổn thương mạch máu, thần kinh, gãy xương hở, gãy hay đầu xương xa nhau, hoặc các bệnh nhân mong muốn hồi phục sớm sau điều trị...Thì không được quan hệ tình dục trong thời gian điều trị vì có thể gặp phải những biến chứng sau :

  • Chọc thủng da, chuyển từ gãy kín sang gãy hở.
  • Đè ép hoặc chọc thủng mạch máu và thần kinh dưới đòn.
  • Có thể gây tổn thương thứ pháp như gây tràn khí màng phổi.
  • Khớp giả.
  • Can lệch.
  • Đơ cứng do viêm quanh vai.
  • Đau kéo dài tại vùng vai.

3.2. Bệnh nhân điều trị ngoại trú

Những bệnh nhân được điều trị ngoại trú với chỉ định bảo tồn bằng đai số 8 vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng phải hết sức thận trọng và phải tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình. Về cơ bản, quá trình liền xương sinh lý và hoạt động tình dục của bệnh nhân không liên quan với nhau, tuy nhiên sẽ rất khó để bệnh nhân có được cảm giác muốn “yêu”.

Bệnh nhân nếu không cẩn thận trong lúc quan hệ tình dục vẫn có thể xảy ra những biến chứng đã nêu ở trên. Nhìn chung, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân bị gãy xương đòn nên kiêng quan hệ tình dục trong ít nhất từ 4 – 6 tuần (đây cũng là thời gian chỉ định mang đai số 8) để đảm bảo xương đòn lành hẳn.

Một số bệnh nhân gãy xương đòn với mức độ nhẹ, không có triệu chứng, hoặc sau khi phẫu thuật xương đòn vẫn có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp bệnh nhân nam gặp phải vấn đề về rối loạn cương dương, đau nhức âm ĩ khiến quá trình giao hợp trở nên khó khăn và dần dần mất đi sự thoải mái, chán nản thậm chí là stress. Vì thế, để có một cuộc “yêu” được trọn vẹn cần một khoảng thời gian cần thiết để xương đòn bình phục, đồng thời giúp cơ thể hồi lại trạng thái ổn định nhất.

4. Lời khuyên từ chuyên gia

  • Bệnh nhân cần được tham khắm và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa về mức độ an toàn và rủi ro của việc quan hệ tình dục trong thời gian điều trị gãy xương đòn.
  • Nếu cơ thể chưa sẵn sàng hay chưa tìm lại được trạng thái tinh thần tốt nhất, nên hoãn việc quan hệ tình dục cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
  • Chuẩn bị tinh thần trước cuộc “yêu” là điều hết sức quan trọng. Việc có một chấn thương có thể gây cảm giác sợ đau, lo lắng, lúng túng, ngại ngần và đôi khi là xấu hổ. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình giao hợp cho cả bệnh nhân và đối phương.
  • Quá trình giao hợp nên được thực hiện ở mức độ nhẹ nhàng và chậm rã, không vội vàng và hấp tấp vì có thể gây đau và tạo cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
  • Tần suất quan hệ trong một ngày hoặc một tuần nên được giảm thiểu ở mức tối đa. Thời gian giữa mỗi lần quan hệ nên được kéo dài, tạo khoảng nghỉ cho cơ thể và cụ thể là xương đòn của bạn.
  • Sử dụng các tư thế quan hệ tình dục an toàn, cụ thể là tránh các tư thế mang vác hay các tư thế sử dụng lực nhiều tại xương đòn, hoặc cánh tay.
  • Nếu bệnh nhân chưa sẵn sàng cho cuộc “yêu”, cần thẳng thắn với một nửa còn lại để tạo sự cảm thông và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho cả hai.

Như vậy bài viết trên đã giải đáp thắc mắc “gãy xương đòn bao lâu quan hệ được? Quan hệ tình dục là một nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của con người. Tuy nhiên, khi bệnh nhân gặp phải những chấn thương ở xương khớp, cụ thể là gãy xương đùi, việc quan hệ tình dục cần một sự thận trọng nhất định. Bệnh nhân gãy xương đòn cần được thăm khám kỹ lưỡng đồng thời tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, trước khi thực hiện chuyện “chăn gối”.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe