Thang điểm đánh giá trong chấn thương chỉnh hình

Đánh giá trong chấn thương chỉnh hình dựa trên thang điểm tiêu chuẩn là cần thiết nhằm phát hiện các tổn thương nghiêm trọng, từ đó xác định quy trình điều trị phù hợp với tình trạng chấn thương. Thông qua những tiêu chuẩn này, các bác sĩ sẽ biết được cần phải ưu tiên xử lý những tổn thương nào giúp tối thiểu hóa những biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Chấn thương chỉnh hình là gì?

Hiện nay, tình trạng tổn thương cơ xương khớp thường xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày và công việc, có thể do tai nạn hoặc chấn thương từ thể thao. Khi hệ cơ xương khớp bị chấn thương, biến dạng hoặc sai lệch vị trí, người bệnh cần được tiến hành điều trị để sửa chữa cấu trúc xương khớp. Các phương pháp điều trị này được gọi là điều trị chấn thương chỉnh hình.

Khi phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả hoặc gây nguy hiểm cho người bệnh, phẫu thuật trở thành lựa chọn ưu tiên. Các tình huống nên áp dụng phẫu thuật chỉnh hình bao gồm:

  • Chấn thương xương: Rạn nứt xương, gãy xương...
  • Chấn thương phần mềm: Đứt dây chằng, rách gân, dập cơ...
  • Các bệnh lý về cơ xương: Viêm khớp nhiễm khuẩn, thoái hóa cột sống, các khối u xương khớp, thoái hóa khớp, rối loạn xương khớp bẩm sinh,...

Các chấn thương chủ yếu được phân loại thành hai loại: đụng dập hoặc xuyên thấu. Chấn thương đụng dập xảy ra khi có tác động của lực mạnh, chẳng hạn như bị đấm, đá, đánh bằng vật cứng, ngã, va chạm với xe cơ giới hoặc từ vụ nổ. Trong khi đó, chấn thương xuyên thấu bao gồm các tổn thương da do vật sắc bén (như dao hoặc kính vỡ) hay bị bắn đạn (chẳng hạn như đầu đạn hoặc mảnh vụn từ vụ nổ).

Ngoài ra, các loại thương tích khác gồm tổn thương do bức xạ, hít phải khí độc, nuốt phải chất độc hoặc bỏng nhiệt và bỏng hóa chất.

Giải đáp chấn thương chỉnh hình là gì?
Giải đáp chấn thương chỉnh hình là gì?

2. Thang điểm đánh giá trong chấn thương chỉnh hình là gì?

Một bệnh nhân bị chấn thương cần đánh giá:

  • A (Airway): Đường thở
  • B (Breathing): Nhịp thở
  • C (Circulation): Tuần hoàn
  • D (Disability): Mất chức năng (tình trạng thần kinh)
  • E (Exposure/environmental):Bộc lộ/kiểm soát môi trường

Bên cạnh đó. để xác định mức độ chấn thương, bác sĩ cần đánh giá sự ổn định của người bệnh.

Quá trình đánh giá và điều trị bệnh nhân cần phải được thực hiện đồng thời, bắt đầu từ việc kiểm tra các hệ cơ quan có nguy cơ đe dọa tính mạng khi bị tổn thương. Nếu chỉ chú ý đến các chấn thương nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm tính mạng như gãy hở cẳng chân hoặc cụt ngón tay…mà không ưu tiên các tổn thương đe dọa tính mạng ngay lập tức thì có thể dẫn đến sai lầm chết người.

Một phương pháp ghi nhớ hiệu quả là sử dụng thứ tự bảng chữ cái A, B, C, D, E để đánh giá trong chấn thương chỉnh hình. Ban đầu, các hệ cơ quan quan trọng cần được kiểm tra nhanh chóng nhằm phát hiện các bất thường nghiêm trọng (khảo sát sơ cấp); sau khi người bệnh ổn định, một công tác khám chi tiết hơn (khảo sát thứ cấp) sẽ được thực hiện.

2.1 Đánh giá đường thở

Sự thông thoáng của đường thở sẽ bị đe dọa bởi:

  • Cục máu đông, răng (cả răng thật lẫn răng giả) hoặc các dị vật nằm trong hầu họng.
  • Tình trạng lỏng lẻo của mô mềm và sự tụt lưỡi ra sau thường xảy ra trong các trường hợp hôn mê do chấn thương sọ não, sốc hoặc ngộ độc.
  • Phù nề hoặc tụ máu do chấn thương trực tiếp ở vùng cổ.

Khi khám trực tiếp miệng hoặc cổ, một số nguyên nhân gây tắc nghẽn thường dễ dàng nhận diện. Nếu có khả năng nói một cách liên tục, điều này chứng tỏ rằng đường thở của người bệnh không gặp nguy hiểm.

Phương pháp hút hoặc lấy bằng tay sẽ được dùng để loại bỏ máu và các dị vật. Trong trường hợp người bệnh bị hôn mê, nếu có tình trạng giảm thông thoáng đường thở hoặc khả năng cung cấp oxy, thông khí chưa được đảm bảo và những người bị tổn thương nặng ở vùng hầu họng thì cần phải thực hiện đặt nội khí quản.

Khi người bệnh cần một đường thở nhân tạo nhưng không thể sử dụng ống nội khí quản (ví dụ như do phù nề đường hô hấp vì bỏng nhiệt) hoặc khi trường hợp chống chỉ định (như gãy xương hàm mặt phức tạp), phẫu thuật hoặc mở màng giáp nhẫn qua da là lựa chọn được chỉ định.

Lưu ý: Khi thực hiện thao tác trên đường thở của người bệnh hoặc đánh giá trong chấn thương chỉnh hình, việc sử dụng nẹp cổ cứng để giữ cố định cột sống cổ là vô cùng quan trọng. Kỹ thuật cố định này phải được duy trì thẳng hàng cho đến khi loại trừ được chấn thương cột sống cổ bằng khám, chẩn đoán hình ảnh hoặc cả hai.

Đánh giá đường thở bệnh nhân để xem xét mức độ chấn thương.
Đánh giá đường thở bệnh nhân để xem xét mức độ chấn thương.

2.2 Đánh giá hô hấp

Vậy sau khi đánh giá đường thở, bước tiếp theo để đánh giá trong chấn thương chỉnh hình là gì? Chức năng của trung tâm điều hòa hô hấp suy giảm sẽ đe dọa đến quá trình thông khí của người bệnh, đặc biệt thường gặp trong các trường hợp như chấn thương sọ não, ngộ độc, sốc hoặc chấn thương ngực như tràn khí, tràn máu màng phổi, gãy nhiều xương sườn, dập phổi.

Để kiểm tra khả năng giãn nở, các dấu hiệu chấn thương bên ngoài và tình trạng di động bất thường của thành ngực - dấu hiệu mảng sườn di động, thì cần phơi bày toàn bộ vùng ngực của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tiến hành khám ngực bằng tay để phát hiện điểm gãy xương sườn và tràn khí dưới da.

Quá trình nghe phổi thường được thực hiện để đánh giá trong chấn thương chỉnh hình tình trạng thông khí đầy đủ. Đối với trường hợp tràn khí màng phổi, cần tiến hành dẫn lưu màng phổi để điều trị.  

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thông khí áp lực dương, bác sĩ sẽ chụp X quang ngực hoặc siêu âm ngực ngay tại giường. Điều này giúp tránh nguy cơ làm tăng tràn khí màng phổi đơn thuần hoặc làm tràn khí màng phổi biến thành tràn khí màng phổi áp lực.

Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh bị tràn khí màng phổi áp lực, bác sĩ có thể thực hiện giảm áp bằng cách sử dụng kim mở thông ngực để ổn định tình trạng nếu không thể đặt dẫn lưu màng phổi ngay lập tức. Bên cạnh đó, đặt nội khí quản và thở máy là phương pháp cần thiết để điều trị tình trạng giảm thông khí.

Nếu người bệnh bị tràn khí màng phổi hở cần sử dụng gạc để che phủ và dán băng dính ở ba mặt, mặt thứ tư không dán để giải phóng áp lực có thể sinh ra. gây tràn khí màng phổi áp lực. Ngoài ra, mảng sườn di động cũng cần được cố định bằng cách tạo áp lực vừa phải lên vị trí đó.

2.3 Tuần hoàn

Chảy máu ngoài mặc dù có thể xảy ra ở bất kỳ mạch máu lớn nào nhưng thường dễ dàng quan sát thấy. Ngược lại, chảy máu trong vốn có thể đe dọa tính mạng người bệnh lại thường ít rõ ràng hơn. Tình trạng chảy máu trong chỉ xuất hiện ở một số khoang trong cơ thể như khoang ngực, bụng và các mô mềm của khung chậu hoặc đùi.

Bác sĩ cần phải thực hiện đánh giá mạch và huyết áp của người bệnh, đồng thời kiểm tra các dấu hiệu của sốc như thở nhanh, da nhợt nhạt, vã mồ hôi, tình trạng tri giác thay đổi và tưới máu mao mạch không đủ. Trong trường hợp xuất huyết nội, nếu bụng bị trướng, đau khi ấn hoặc xuất hiện biến dạng đùi và mất vững khung chậu sẽ cho thấy tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Bằng cách áp băng trực tiếp, bác sĩ sẽ kiểm soát được tình trạng chảy máu bên ngoài. Đồng thời, bác sĩ cần chuẩn bị sẵn hai đường truyền để truyền dịch khi phát hiện dấu hiệu sốc và giảm thể tích tuần hoàn. Sau đó, bác sĩ cần phải truyền thêm dịch và cân nhắc truyền máu cho người bệnh.

Phẫu thuật mở bụng cần phải được thực hiện ngay lập tức khi người bệnh có biểu hiện chảy máu nặng trong ổ bụng. Trong trường hợp chảy máu nhiều ở lồng ngực, phẫu thuật lồng ngực cần được tiến hành ngay. Ngoài ra, truyền máu tự thân qua ống dẫn lưu màng phổi cũng có thể là một lựa chọn.

2.4 Rối loạn chức năng thần kinh

Bước cuối cùng trong đánh giá chấn thương chỉnh hình là gì? Những thiếu hụt nghiêm trọng liên quan đến não và tủy sống sẽ được đánh giá trong chấn thương chỉnh hình qua chức năng thần kinh. Để phát hiện tổn thương nội sọ nghiêm trọng, thang điểm đánh giá tri giác và phản xạ đồng tử đối với ánh sáng đã và đang được sử dụng. Đối với việc sàng lọc tổn thương nặng ở tủy sống, các động tác vận động tổng thể và cảm giác ở các chi đóng vai trò quan trọng.

Để kiểm tra cột sống cổ, bác sĩ cần đánh giá độ mềm dẻo và mức độ biến dạng (nếu có). Sau đó, cột sống cổ nên được cố định bằng nẹp cổ cứng cho đến khi loại trừ được chấn thương.

Sau khi cố định đầu và cổ cẩn thận, lật bệnh nhân sang một bên để kiểm tra cột sống ngực và thắt lưng cũng như kiểm tra trực tràng nếu có chỉ định để đánh giá trương lực cơ. Nếu phát hiện tình trạng giảm trương lực cơ có thể có tổn thương tủy sống.  

Sự giảm trương lực cơ có thể là dấu hiệu của tổn thương tủy sống. Nếu phát hiện tuyến tiền liệt cao, có thể gợi ý về chấn thương niệu đạo hoặc xương chậu. Sự hiện diện của máu cũng cần được kiểm tra.

Chấn thương cột sống dựa trên phim chụp CT được biểu thị qua bảng điểm TLICS như sau:

Đặc điểm tổn thương Điểm
1. Hình thái tổn thương
Gãy nén 1
Gãy vụn 2
Trượt/xoay 3
Gãy rời 4
2. Phức hợp dây chằng phía sau
Nguyên vẹn 0
Nghi ngờ (Đụng dập) 2
Đứt 3
3. Tổn thương thần kinh
Không tổn thương 0
Tổn thương chèn ép 2
Liệt tủy hoàn toàn 2
Liệt tủy không hoàn toàn 3
Hội chứng đuôi ngựa 3

Hướng dẫn điều trị cho chấn thương cột sống theo bảng điểm TLICS:

Điểm TLICS Hướng dẫn điều trị
> 4 điểm Phẫu thuật
= 4 điểm Phẫu thuật/bảo tồn
< 4 điểm Bảo tồn

Để bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị và thực hiện khám đúng lúc, việc đánh giá trong chấn thương chỉnh hình về mức độ tổn thương đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, khi gặp phải chấn thương hoặc các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để khám và điều trị.

Đánh giá trong chấn thương chỉnh hình về mức độ tổn thương giúp bác sĩ đưa ra phương án phù hợp.
Đánh giá trong chấn thương chỉnh hình về mức độ tổn thương giúp bác sĩ đưa ra phương án phù hợp.

Trên đây là tất cả thông tin giải đáp thắc mắc về thang điểm đánh giá trong chấn thương chỉnh hình cũng như “chấn thương chỉnh hình là gì”. Khi bị chấn thương, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để được đánh giá và có phương án điều trị phù hợp, từ đó tránh các biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe