Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có mối liên quan với vô sinh nam đã được ghi nhận rõ ràng trong y văn, là một phát hiện phổ biến ở thanh thiếu niên và nam giới trưởng thành. Việc chẩn đoán sớm và chính xác chứng bệnh này có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì việc điều chỉnh kịp thời sẽ giúp cải thiện chất lượng tinh dịch. Trong đó, siêu âm Doppler màu là công cụ chính để chẩn đoán.
1. Sinh lý hệ thống sinh sản nam giới
Hệ thống sinh sản nam giới tạo ra, dự trữ và phóng thích tinh trùng hoạt động trong quá trình thụ tinh. Bìu đóng vai trò như một túi da chứa tinh hoàn, là cơ quan tạo ra tinh trùng và hormone testosterone. Tinh trùng trưởng thành trong khi di chuyển qua mào tinh hoàn phía sau mỗi tinh hoàn, đưa vào ống dẫn tinh, đi chung trong niệu đạo và phóng ra khỏi dương vật khi hưng phấn.
Thừng tinh là một bó mạch bao gồm ống dẫn tinh và động mạch tinh hoàn đưa máu đến và mạng lưới tĩnh mạch dẫn máu về từ tinh hoàn. Chính hệ thống mạng lưới tĩnh mạch này hoạt động như một bộ trao đổi nhiệt ngược dòng, giúp tinh hoàn có nhiệt độ tại chỗ thấp hơn thân nhiệt của cơ thể, tạo điều kiện để sản xuất, trưởng thành và hoạt động tối ưu của tinh trùng. Khi các tĩnh mạch này trở nên giãn rộng như trong chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn quá nóng có thể làm giảm chức năng và sản xuất tinh trùng dẫn đến khả năng sinh sản thấp hơn.
2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là khi các đám rối tĩnh mạch dạng nhỏ ở bìu bị phì đại. Những tĩnh mạch này giống như chứng giãn tĩnh mạch thấy ở chân, các tĩnh mạch bị xoắn, sưng lên.
Thời điểm mắc phải chứng giãn tĩnh mạch có thể bắt đầu hình thành trong tuổi dậy thì với tỷ lệ vào khoảng 10 đến 15 bé trai trong số 100 bé trai. Đường kính của tĩnh mạch có thể phát triển lớn hơn và bản thân người nam có thể nhận thấy chúng tăng nhanh theo thời gian. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường phổ biến hơn ở bên trái của túi bìu, do các đặc điểm giải phẫu của nam giới ở hai bên không giống nhau. Tuy nhiên, chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn có thể tồn tại ở cả hai bên cùng một lúc nhưng những trường hợp này rất hiếm.
Hầu hết các trường hợp nam giới mắc phải giãn tĩnh mạch thừng tinh là không gây ra vấn đề gì, có thể xem như là vô hại. Mặc dù vậy, một số ít bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây ra đau đớn, gặp các vấn đề trong việc sinh con hoặc một bên tinh hoàn phát triển chậm hơn hay bị teo đi.
3. Cách chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh như thế nào?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh ban đầu được tìm thấy bởi chính người bệnh thông qua việc tự kiểm tra bìu, sờ thấy chúng to, căng một cách bất thường hoặc khi khám bác sĩ tổng quát định kỳ.
Bác sĩ tiết niệu hoặc nam khoa thường kiểm tra giãn tĩnh mạch thừng tinh trong tư thế bệnh nhân đứng. Đồng thời, người bệnh cũng có thể được yêu cầu hít thở sâu, nín thở và cúi xuống trong khi bác sĩ sờ thấy túi bìu phía trên tinh hoàn. Kỹ thuật này được gọi là "Nghiệm pháp Valsalva", nhằm tăng áp lực trong hồi lưu máu tĩnh mạch, giúp chứng giãn tĩnh mạch được quan sát thấy rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, bác sĩ tiết niệu cũng có thể yêu cầu xét nghiệm siêu âm bìu thông qua việc sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về những gì bên trong cơ thể. Dấu hiệu của giãn tĩnh mạch thừng tinh trên siêu âm là khi đường kính của các tĩnh mạch rộng hơn 3mm với đặc điểm máu chảy ngược dòng trong quá trình thực hiện nghiệm pháp Valsalva. Ngoài ra, siêu âm cũng có thể cho biết kích thước của tinh hoàn, liệu có bị biến chứng gì từ chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh hay chưa.
4. Cách thức đánh giá siêu âm giãn tĩnh mạch thừng tinh
Hiện nay, siêu âm là kỹ thuật hình ảnh được thực hiện phổ biến nhất ở những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Không xâm lấn, an toàn cho bệnh nhân và tính khả dụng rộng rãi là những ưu điểm chính của phương pháp này. Đầu dò tuyến tính có tần số 7–14 MHz và cũng có chức năng Doppler theo thời gian thực là yêu cầu tối thiểu để thực hiện đánh giá siêu âm giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Đồng thời, điều quan trọng là tránh chèn ép quá mức vào bìu từ cách đè ấn trên đầu dò siêu âm vì sẽ làm giảm đường kính mạch và tăng tốc độ dòng chảy trong khi phân tích tín hiệu Doppler. Ngoài ra, việc thực hiện siêu âm giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng cần được thực hiện trong một căn phòng ấm áp, sử dụng gel siêu âm đã được làm ấm trước cũng như phải đảm bảo sự thân mật, kín đáo cho bệnh nhân.
Siêu âm giãn tĩnh mạch thừng tinh được thực hiện ở bệnh nhân với tư thế nằm ngửa. Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra bìu bằng tay để xác định vị trí chính xác đặt đầu dò siêu âm. Phép đo đường kính của các tĩnh mạch trong đám rối và đánh giá khả năng trào ngược tĩnh mạch được thực hiện ở tư thế nằm ngửa và sau đó đối chiếu, so sánh khi làm nghiệm pháp Valsalva.
Ngoài ra, đánh giá siêu âm giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng nên được thực hiện ở tư thế đứng và bao gồm phép đo đường kính mạch máu với việc đánh giá những thay đổi về hướng dòng chảy so sánh giữa nghỉ ngơi và vận động Valsalva.
Ống bẹn, phần trên của bìu cũng như các vùng bụng dưới, hố chậu và phúc mạc cũng nên được kiểm tra xem có thể tìm nguyên nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh là do tắc nghẽn hay không.
Tóm lại, vì chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh có mối liên hệ với sự vô sinh đã được công nhận, một chỉ định siêu âm là kỹ thuật hình ảnh được lựa chọn để nhanh chóng xác định vấn đề này. Nhờ vào tính khả dụng rộng rãi, độ lặp lại cao, chi phí thấp và không có tác dụng phụ, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm giãn tĩnh mạch thừng tinh nhiều lần nhằm theo dõi diễn tiến bệnh trước khi quyết định can thiệp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI