Hình ảnh xoắn tinh hoàn trên siêu âm Doppler màu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Siêu âm Doppler màu là thủ thuật giúp chẩn đoán hàng loạt các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản như: xoắn tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, giãn mạch thừng tinh hoàn,... Trong đó rất có giá trị trong chẩn đoán sớm xoắn tinh hoàn, từ đó bệnh nhân được phẫu thuật sớm, tháo xoắn được, không phải cắt bỏ tinh hoàn.

1. Tinh hoàn là gì, nhiệm vụ của tinh hoàn?

Tinh hoàn là một bộ phận quan trọng của cơ quan sinh dục nam, nằm giữa dương vật và hậu môn. Mỗi một người nam có hai tinh hoàn, phải và trái nằm trong bìu, trọng lượng trung bình mỗi bên khoảng 8-12gram, dài từ 4 - 5cm.

Nhiệm vụ chính của bộ phận này là sản xuất ra tinh trùng, đồng thời bài tiết Testosteron, hormon sinh dục nam quyết định các đặc tính của giới nam và điều khiển hoạt động của hệ sinh dục,...

2. Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính. Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu: Động mạch và tĩnh mạch. Hậu quả dẫn đến thiếu máu, nhồi máu cấp tính tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21.

Xoắn tinh hoàn được chia làm 2 nhóm chính.

  • Xoắn ngoài tinh mạc: Thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh do dây chằng bìu cố định không hoàn toàn vào vách bìu làm tinh hoàn xoay tự do trong bìu.
  • Xoắn trong tinh mạc: Thường gặp ở thanh thiếu niên, do tinh mạc bám cao vào thừng tinh, cho phép tinh hoàn xoay quanh thừng tinh như quả lắc.

Tại trung tâm nam học bệnh Việt Đức mỗi năm có khoảng hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán, tuy nhiên tỷ lệ bảo tồn tinh hoàn khá thấp 5%, phần lớn các trường hợp đến muộn, không chẩn đoán được ngay thời điểm ban đầu. Điều này nói lên tầm quan trọng của chẩn đoán chính xác xoắn tinh hoàn tại tuyến cơ sở mới làm tăng được tỷ lệ bảo tồn tinh hoàn.


Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

3. Vai trò của siêu âm Doppler màu trong chẩn đoán tinh hoàn

Siêu âm Doppler màu cho kết quả chính xác cao, dễ dàng thực hiện được. Siêu âm tinh hoàn là việc sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh tại vị trí tinh hoàn bên trong cơ thể nam giới.

Những hình ảnh chụp được tại đây sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Kết hợp với kiểm tra tinh dịch đồ, đây là bước quan trọng trong quá trình chẩn đoán các bất thường của tinh hoàn, mào tinh hoàn, thừng tinh hoàn, kích thước tinh hoàn, tinh hoàn có bị tràn dịch hay không, có bị xoắn tinh hoàn không?,..

Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình.

4. Hình ảnh xoắn tinh hoàn trên siêu âm Doppler màu

Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý nguy hiểm, trường hợp xấu sẽ dẫn đến biến chứng đáng tiếc như teo tinh hoàn, hoại tử tinh hoàn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi. Siêu âm Doppler tinh hoàn sẽ giúp các bác sĩ phát hiện mức độ xoắn tinh hoàn nặng hay nhẹ để xử lý kịp thời.

Hình ảnh siêu âm:

4.1 Giai đoạn cấp tính (1-6h)

Doppler màu là kỹ thuật hữu ích và nhanh chóng nhất giúp chẩn đoán xoắn tinh hoàn, tinh hoàn bên tổn thương không được tưới máu hoặc tưới máu ít hơn so với tinh hoàn bên đối diện (độ nhạy 80-98%, độ chuyên biệt 97- 100%, độ chính xác 97%).

Thừng tinh bị xoắn tạo thành dấu hiệu xoáy nước (whirlpool sign) gồm những vòng đồng tâm thấy được trên siêu âm và MRI. Khối xoắn nằm ở cực trên hoặc sau tinh hoàn.

4.2 Giai đoạn muộn (> 24h)

Hồi âm không đồng dạng với những vùng nhồi máu, xuất huyết. Không có tín hiệu Doppler màu trong tinh hoàn bị xoắn nhưng tăng tưới máu ở các mô cạnh tinh hoàn, bao gồm phức hợp mào-thừng tinh và mạc cơ trơn bìu (dartos fascia).Chẩn đoán phân biệt xoắn-tự tháo xoắn (torsion/detorsion): Nếu tự tháo xoắn xảy ra thì phổ động mạch trở về bình thường hoặc tăng nhẹ (có thể lầm với viêm tinh hoàn)


Hình ảnh xoắn tinh hoàn trên siêu âm Doppler màu
Hình ảnh xoắn tinh hoàn trên siêu âm Doppler màu

Điều trị xoắn tinh hoàn

  • Trường hợp bệnh nhân đến sớm trước 6h: Mổ cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong quá trình chờ đợi có thể tháo xoắn bằng tay, kiểm tra lại bằng siêu âm doppler đánh giá sự phục hồi lưu thông mạch máu.
  • Trường hợp bệnh nhân đến muộn: Tinh hoàn đã tím đen hoại tử không có khả năng bảo tồn: Cắt tinh hoàn, cố định tinh hoàn bên đối diện tránh xoắn. Phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo được tiến hành một tháng sau mổ.

Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Chính vì vậy, siêu âm doppler màu có vai trò quan trọng giúp các bác sĩ điều trị phát hiện mức độ xoắn tinh hoàn nặng hay nhẹ để xử lý kịp thời. Siêu âm Doppler màu còn cho thấy dòng chảy động mạch hay ghi hình lưu lượng máu ở tinh hoàn bằng đồng vị phóng xạ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe