Siêu âm đã thay đổi thế giới như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Máy siêu âm cũng đã cung cấp cho nền Y học thế giới phương pháp an toàn để theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh. Việc sử dụng máy siêu âm đã cho phép các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phát hiện được về các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Vậy, siêu âm đã thay đổi thế giới như thế nào?

1. Ứng dụng của siêu âm trong y học

Máy siêu âm được sử dụng để ghi lại hình ảnh các mô, cơ quan trong cơ thể thông qua cơ chế phát và nhận sóng phản xạ. Những chiếc máy siêu âm đầu tiên được phát minh ra vào năm 1955. Sau đó chúng liên tục phát triển và hoàn thiện để phù hợp với nhu cầu của con người. Một loạt các loại máy siêu âm hiện đại ra đời như máy siêu âm màu, Doppler, máy siêu âm 3D, máy siêu âm 4D,...

Công nghệ sóng siêu âm cho phép các bác sĩ chẩn đoán chính xác các vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân đang gặp phải qua đó đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Hơn thế nữa, việc không sử dụng các tia bức xạ độc hại cũng như các thủ thuật liên quan đến dao, kéo khiến siêu âm ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.

Máy siêu âm ra đời còn cung cấp cho các bậc cha mẹ một lựa chọn an toàn để theo dõi sức khỏe định kỳ của thai nhi mà không cần lo lắng bất cứ ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Quan sát hình ảnh, theo dõi sự phát triển của con ngay từ khi còn nằm trong bào thai là những kỷ niệm đặc biệt với bất kỳ bậc cha mẹ nào.


Máy siêu âm ra đời không chỉ cho phép chẩn đoán hình ảnh chính xác mà còn an toàn với người siêu âm
Máy siêu âm ra đời không chỉ cho phép chẩn đoán hình ảnh chính xác mà còn an toàn với người siêu âm

Nếu các công nghệ chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính vận hành tương đối phức tạp và yêu cầu nhiều trang thiết bị kèm theo thì đối với siêu âm, đi kèm với sự phát triển của khoa học công nghệ đã được nâng cấp và cải tiến để phù hợp với nhiều đối tượng. Không khó để bắt gặp những phòng khám tư nhân có trang bị máy siêu âm ở cả những vùng nông thôn hay những khu vực chưa phát triển. Điều này càng làm tăng độ phủ sóng và tiếp cận của siêu âm đến với mọi người. Ngoài ra, thiết kế của máy cũng dần trở lên tối giản, gọn nhẹ, thậm chí xuất hiện những loại máy siêu âm cầm tay kết nối với điện thoại thông minh khiến cho việc tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe bản thân ngày càng dễ dàng hơn.

2. Ứng dụng của siêu âm trong chẩn đoán

Siêu âm ra đời mang theo hàng loạt ứng dụng của nó trong chẩn đoán bao gồm:

  • Ứng dụng trong sản khoa (siêu âm thai): Ngoài việc theo dõi và đánh giá những bất thường của thai nhi trong thai kỳ, siêu âm còn là công cụ đánh giá sức khỏe của người phụ nữ. Trong 3 tháng đầu mang thai, thai ngoài tử cung là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong ở phụ nữ. Các triệu chứng lâm sàng của sản phụ thường không rõ ràng do đó siêu âm chính là phương pháp tốt để chẩn đoán và phát hiện sớm.

Siêu âm ước tính tuổi thai vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ hữu ích trong chẩn đoán và quản lý chuyển dạ sinh non. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, siêu âm chính xác hơn các phương pháp khác trong việc xác định khả năng sống của thai nhi với những thai lớn hơn 24 tuần tuổi.


Siêu âm thai nhi giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kì
Siêu âm thai nhi giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kì

Ngoài việc phát hiện thai ngoài tử cung và ước tính tuổi thai, siêu âm còn có thể được sử dụng để đánh giá tình trạng nhiễm trùng phụ khoa như áp xe buồng trứng, xác định các khối u tuyến thượng thận... Các siêu âm sản khoa còn hỗ trợ tốt trong việc chẩn đoán và quản lý phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nhất là ở các nước đang phát triển.

Trong những trường hợp cấp cứu bệnh nhân suy tim hoặc ngừng tim, siêu âm có thể xác định nguyên nhân của tình trạng này để nhanh chóng khắc phục, cứu sống người bệnh. Bên cạnh đó siêu âm tim cũng có thể giúp bác sĩ xác định thời điểm nào nên dừng việc cấp cứu.

  • Siêu âm giúp đánh giá tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu: Đánh giá huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) rất quan trọng trong những trường hợp bệnh nhân sưng, đau chân, chấn thương do chèn ép, bất động kéo dài... để đưa ra những xử trí kịp thời.
  • Siêu âm trong chấn thương: Siêu âm đã được sử dụng thường xuyên trong việc đánh giá tình trạng các bệnh nhân chấn thương một cách nhanh chóng, không xâm lấn, đặc biệt hiệu quả đối với các trường hợp chấn thương vùng ngực. Đánh giá chấn thương qua hình ảnh siêu âm (gọi tắt là FAST) có thể được thực hiện ngay sau khi bệnh nhân nhập viện để giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp. Những người được chỉ định thực hiện kỹ thuật FAST có thể giảm tới 64% tỷ lệ cần can thiệp phẫu thuật, giảm biến chứng và thời gian nằm viện.

Siêu âm trong chấn thương hiệu quả đối với các trường hợp chấn thương vùng ngực và vùng bụng
Siêu âm trong chấn thương hiệu quả đối với các trường hợp chấn thương vùng ngực và vùng bụng

Ngoài ra FAST còn đặc biệt hữu ích trong các thảm họa tự nhiên hoặc các trường hợp tai nạn gây thương vong hàng loạt. FAST sẽ nhanh chóng phân loại các bệnh nhân và đưa ra hướng điều trị thích hợp qua đó giảm tải áp lực cấp cứu cho y tế.

Một ưu điểm khác của siêu âm là chúng có độ chính xác cao hơn so với X-quang lồng ngực trong chẩn đoán tràn khí màng phổi sau chấn thương.

  • Siêu âm trong cấp cứu ngoại khoa: Siêu âm hoàn toàn có thể giúp chẩn đoán tình trạng phình động mạch chủ bụng, viêm túi mật, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa... để kịp thời tiến hành phẫu thuật mặc dù trong những trường hợp đó, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính có thể cho kết quả chính xác hơn.
  • Siêu âm đánh giá tình trạng mất máu: Những trường hợp mất máu trong các tai biến sản khoa hay mất máu do chấn thương biểu hiện lâm sàng thường không rõ ràng. Những triệu chứng như ngừng tim, hạ huyết áp chỉ xuất hiện khi bệnh nhân đã mất một lượng máu lớn. Trong các tình huống như thế, siêu âm tĩnh mạch chủ dưới (IVC) là kỹ thuật hữu ích để nhanh chóng đánh giá tình trạng mất máu và cấp cứu kịp thời.

3. Ứng dụng của siêu âm trong điều trị

Siêu âm đã giúp đỡ ngành y học rất nhiều trong chẩn đoán bệnh. Vậy những ứng dụng của siêu âm trong điều trị là gì?

Sóng siêu âm có 2 tác dụng trong điều trị: Tác dụng cơ học và tác dụng nhiệt:

  • Tác dụng cơ học: Tương ứng với việc thay đổi tần số sóng âm là sự thay đổi áp lực của chúng lên các bộ phận của cơ thể để tạo nên hiện tượng “xoa bóp vi thể”. Tần số sóng càng lớn, sự thay đổi áp lực gây ra càng mạnh giúp thay đổi thể tích tế bào, thay đổi tính thấm của màng tế bào và tăng cường chuyển hóa trong tế bào....
  • Tác dụng nhiệt: So với các tác nhân vật lý khác, siêu âm có thể mang đến tác dụng nhiệt tới những mô sâu hơn trong cơ thể với phạm vi chống chỉ định hẹp hơn. Nhiệt trong siêu âm mang lại sự thư giãn, giảm đau nhức các mô được điều trị, tăng cường hoạt động của tế bào, giãn mạch, tăng tuần hoàn, tăng quá trình trao đổi chất và chống viêm rất tốt...

Sự ra đời của máy siêu âm mang lại vô số những ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là y học. Trong chẩn đoán, siêu âm giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng tổn thương của các mô, cơ quan mà không cần sử dụng đến phẫu thuật hay các tia bức xạ có hại qua đó chẩn đoán chính xác bệnh và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Trong điều trị, siêu âm mang đến 2 tác dụng là nhiệt và cơ học giúp tăng khả năng hoạt động của các tế bào, đem lại sự thư giãn, giảm đau, chống viêm,... cho người được điều trị.


Các thế hệ máy siêu âm màu hiện đại nhất đã được áp dụng tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Các thế hệ máy siêu âm màu hiện đại nhất đã được áp dụng tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe