Siêu âm có thể phát hiện dấu hiệu ung thư tuyến tụy?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Vân Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hữu ích trong việc giúp phát hiện ung thư tuyến tụy. Một số nghiên cứu cho thấy siêu âm có thể có độ nhạy lên đến 94% trong chẩn đoán ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, hiệu quả chẩn đoán của siêu âm phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của kỹ thuật viên, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và tình trạng bệnh nhân.

1. Ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư xuất hiện khi các tế bào tuyến tụy tăng sinh quá mức một cách bất thường. Ở đa số bệnh nhân, khối u ác tính thường có nguồn gốc từ tuyến tuỵ ngoại tiết. Những khối u có nguồn gốc từ tuyến tụy nội tiết thường lành tính.

Làm thế nào để phát hiện ung thư tuyến tụy? Giai đoạn đầu của bệnh thường không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Cho đến khi các triệu chứng xuất hiện, các khối u đã phát triển lớn và di căn sang các cơ quan khác.

Những triệu chứng của ung thư tuyến tụy dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh khác, đặc biệt là những bệnh về đường tiêu hoá. Vì vậy không nên chủ quan, chúng ta cần đi khám bác sỹ khi xuất hiện một trong những triệu chứng bất thường sau:

Vàng da: Là triệu chứng đầu tiên, xuất hiện ở hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tụy do sự tích tụ bilirubin – một chất có trong mật mà gan tiết ra để phân hủy các chất béo. Khối u hình thành tại tuỵ lớn dần và chèn ép ống mật khiến bilirubin ứ tắc gây hiện tượng vàng da. Ngoài ra khi ung thư tụy đã di căn, một trong những cơ quan chịu ảnh hưởng sớm nhất là gan, dẫn đến xuất hiện triệu chứng nổi bật là vàng da và vàng mắt ở bệnh nhân.

Nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu và xuất hiện những giọt mỡ trong phân. Ngoài vàng da, đây cũng là những triệu chứng xuất hiện khi có sự ứ tắc bilirubin.

● Đau bụng hoặc đau lưng: Khi khối u phát triển, chèn ép các cơ quan và dây thần kinh xung quanh tụy khiến bệnh nhân cảm thấy đau vùng bụng hoặc lưng

● Kém ăn, sút cân: Sút cân không rõ nguyên nhân xuất hiện phổ biến ở những người ung thư tuyến tụy bên cạnh cảm giác chán ăn.

● Buồn nôn và nôn: Nếu các tế bào ung thư nhân lên, tạo khối to gây chèn ép vào dạ dày, chúng sẽ khiến thức ăn ứ tắc tại đó, gây hiện tượng buồn nôn và nôn, đặc biệt là sau khi ăn.


Ung thư tuyến tụy khiến người bệnh mệt mỏi, buồn nôn
Ung thư tuyến tụy khiến người bệnh mệt mỏi, buồn nôn

Gan và túi mật to: Các khối u chèn ép ống mật, dẫn đến tắc mật và làm túi mật phình to. Ngoài ra trong trường hợp đã di căn đến gan, chúng có thể làm gan to lên. Các bác sĩ có thể phát hiện ra những triệu chứng này qua thăm khám thực thể hoặc chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

● Xuất hiện các cục máu đông trong các tĩnh mạch lớn, thường là ở chân và được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu.

Bệnh tiểu đường: Đôi khi các khối u trong ung thư tuyến tụy phá hủy các tế bào sản xuất insulin – một chất giúp điều hòa lượng đường trong máu, gây ra bệnh đái tháo đường.

Có nhiều cách để chẩn đoán một người có đang mắc ung thư tụy hay không, bao gồm:

+ Thăm khám thực thể và khai thác tiền sử bệnh: Gan và túi mật phình to có thể được phát hiện khi bác sĩ khám cho người bệnh, ngoài ra những yếu tố nguy cơ khác được khai thác để tìm hiểu nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tụy như: hút thuốc, uống nhiều bia rượu hoặc tiền sử ung thư của gia đình.... Nếu có bất thường trong kết quả kiểm tra, người bệnh có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm khác để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác

+ Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể được áp dụng trong trường hợp này nhằm mục đích kiểm tra các mô, cơ quan bất thường cụ thể là tuyến tụy, xác định xem khối u đã di căn hay chưa và đưa ra những tiên lượng về bệnh.

+ Chụp cắt lớp vi tính (CT): là phương pháp tối ưu được dùng để chẩn đoán ung thư tuyến tụy vì chúng có khả năng cung cấp những hình ảnh rõ ràng. Ngoài ra, CT còn giúp xác định xem thực hiện phẫu thuật có thể áp dụng trong trường hợp này hay không?

+ Chụp cộng hưởng từ (MRI): ngoài CT, MRI cũng là một phương pháp hiệu quả giúp chẩn đoán khối u tuỵ, đặc biệt có giá trị trong khảo sát các tổn thương thứ phát tại gan, ổ bụng.


Chụp MRI là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh ung thư tuyến tụy
Chụp MRI là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh ung thư tuyến tụy

● Siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm nội soi: siêu âm ổ bụng là phương pháp đầu tay được chỉ định trong bệnh cảnh nghi ngờ có u tuỵ, tuy nhiên giá trị của siêu âm còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và kỹ năng của bác sỹ, kỹ thuật viên. Siêu âm nội soi là một phương pháp mới, độ phân giải cao tuy nhiên hạn chế trong đánh giá các khối u quá to hoặc nằm xa tá tràng ( u vùng thân và đuôi tuỵ)

Nội soi đường mật: Hình ảnh thu được từ kỹ thuật này giúp các bác sĩ xác định ống mật có bị bít tắc bởi các khối u hay không?

Chụp X-quang động mạch: Một lượng nhỏ thuốc phản quang được tiêm vào động mạch để phác thảo cấu trúc và chức năng của các mạch máu. Kỹ thuật này giúp xác định vị trí các khối u trong trường hợp chúng phát triển và chèn ép vào các mạch máu xung quanh. Ngoài ra nó còn giúp xác định sự xuất hiện của các mạch máu bất thường dẫn máu nuôi dưỡng các tế bào ung thư.

● Xét nghiệm máu: Một số chất bất thường có thể tìm thấy trong máu bệnh nhân ung thư. Tìm ra những chất này chính là cơ sở để chẩn đoán ung thư.

● Sinh thiết: Một phần nhỏ của khối u nghi ngờ ung thư được lấy và quan sát dưới kính hiển vi để xác định xem có bất kỳ sự bất thường nào của tế bào ở khu vực đó hay không?

2. Siêu âm chẩn đoán ung thư tuyến tụy

Siêu âm là một trong những kỹ thuật được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến tụy, trong đó 2 loại siêu âm được sử dụng phổ biến nhất là:

Siêu âm ổ bụng: Nếu bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng bất thường vùng lưng hoặc bụng, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm trước vì kỹ thuật này dễ thực hiện và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Nếu kết quả siêu âm cho thấy nhiều dấu hiệu của ung thư tuyến tụy, chỉ định chụp cắt lớp vi tính sẽ được cân nhắc để giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh.

Siêu âm nội soi: Siêu âm nội soi có thể cung cấp kết quả chính xác hơn so với siêu âm ổ bụng và rất có giá trị trong chẩn đoán ung thư tụy. Kỹ thuật này sử dụng một đầu dò nhỏ gắn với ống nội soi mảnh và linh hoạt, được đưa từ từ vào trong đường tiêu hóa để quan sát các khối u hoặc hỗ trợ các kỹ thuật viên trong việc lấy mẫu sinh thiết tế bào ung thư. Tuy nhiên đối với các khối u nằm xa (vùng thân và đuôi tuỵ), siêu âm nội soi bộc lộ hạn chế của mình.


Siêu âm ổ bụng cho phép hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến tụy
Siêu âm ổ bụng cho phép hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến tụy

Có nhiều phương pháp có thể áp dụng để chẩn đoán ung thư tuyến tụy trong đó siêu âm là một trong những kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhất. Khi bắt đầu xuất hiện những bất thường vùng lưng, bụng, siêu âm ổ bụng giúp phát hiện những dấu hiệu khác ở tụy và các tạng xung quanh nhằm định hướng cho các xét nghiệm khác. Trong khi đó siêu âm nội soi vừa có thể cung cấp kết quả chính xác để chẩn đoán ung thư tụy vừa có thể hỗ trợ trong việc lấy mẫu sinh thiết tế bào ung thư.

Siêu âm nội soi là một bước tiến vượt bậc trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa hiện nay. Kỹ thuật hiện đại này đang bổ sung những hạn chế của các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị bệnh chính xác và kịp thời hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe