Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng gây viêm ở phổi. Nó có thể do vi rút, vi khuẩn, nấm hoặc vi trùng gây ra. Siêu âm, chụp CT/MRI, sinh thiết là những thủ thuật để đánh giá phổi, để xác định bệnh và loại vi trùng gây viêm phổi.
1. Viêm phổi và những điều cần biết
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng gây viêm do vi rút, vi khuẩn, nấm hoặc các vi trùng khác gây ra. Để chẩn đoán bệnh viêm phổi, bác sĩ sẽ phải tiến hành khám sức khỏe và chụp X quang phổi, CT ngực, siêu âm ngực hoặc sinh thiết phổi. Ngoài ra, bác sĩ có thể đánh giá thêm tình trạng và chức năng phổi bằng phương pháp nội soi lồng ngực, đặt ống dẫn lưu ở ngực hoặc dẫn lưu áp xe bằng hình ảnh.
Bệnh nhân bị viêm phổi có thể có các dấu hiệu sau:
- Ho có đờm hoặc đôi khi có máu
- Sốt
- Thở gấp hoặc khó thở
- Cảm giác ớn lạnh hoặc run rẩy
- Mệt mỏi
- Đổ mồ hôi
- Đau ngực hoặc cơ
Trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi và người đang có những vấn đề sức khỏe là những người có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao. Các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh viêm phổi bao gồm:
Người mắc các bệnh như khí phế thũng, HIV/AIDS hoặc các bệnh phổi khác, các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch
- Người đang bị cúm
- Người có tiếp xúc và hít phải các hóa chất khác nhau
- Người hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu.
- Người có thời gian nằm viện kéo dài hoặc đang cần được chăm sóc đặc biệt
- Người mới phẫu thuật, bị chấn thương
Viêm phổi đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như suy hệ hô hấp, lây lan nhiễm trùng, dịch xung quanh phổi, áp xe hoặc viêm không kiểm soát khắp cơ thể (nhiễm trùng huyết). Tình trạng này cũng có thể gây tử vong, vì vậy điều quan trọng là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu đang có các triệu chứng này.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm phổi có thể bao gồm:
- Chọc dò lồng ngực là cách lấy chất lỏng từ khoang ngực của bệnh nhân để nghiên cứu nhằm giúp bác sĩ xác định vi trùng nào đang gây ra bệnh.
- X- quang, CT hoặc siêu âm có thể được sử dụng hướng dẫn quá trình nội soi lồng ngực. Chất lỏng cũng sẽ được loại bỏ trong quá trình này sẽ giúp giảm triệu chứng.
- Đặt ống ngực là cách can thiệp bằng cách đưa một ống nhựa mỏng vào khoang màng phổi (khu vực giữa thành ngực và phổi để loại bỏ chất lỏng hoặc không khí dư thừa. Thủ thuật được thực hiện dưới sự hướng dẫn của hình ảnh CT hoặc siêu âm.
- Dẫn lưu áp xe Nếu áp xe đã hình thành trong phổi, nó có thể được dẫn lưu ra ngoài bằng cách chèn một ống dẫn lưu nhỏ (ống thông) vào ổ áp xe dưới sự hướng dẫn của CT Scan hoặc siêu âm giúp đưa kim trực tiếp vào khoang áp xe sau đó đưa ống dẫn lưu vào để lấy hết dịch mủ trong ổ áp xe.
2. Siêu âm, chụp CT/MRI trong đánh giá viêm phổi
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ bắt đầu tìm hiểu các thông tin liên quan đến bệnh sử và các triệu chứng của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân sẽ được thăm khám các triệu chứng thực thể . Khi kiểm tra viêm phổi, bác sĩ sẽ lắng nghe những âm thanh bất thường như tiếng ran nổ, ran ẩm, hoặc nhịp thở khò khè của người bệnh. Nếu chẩn đoán bệnh nhân có thể bị viêm phổi, Bác sĩ sẽ đề nghị làm các xét nghiệm hình ảnh để hỗ trợ chẩn đoán. Một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây thường được chỉ định để đánh giá viêm phổi:
- Chụp X-quang ngực: Kiểm tra X-quang sẽ cho phép bác sĩ xem phổi, tim và mạch máu của người bệnh để giúp xác định tình trạng viêm phổi. Khi đọc kết quả X quang, bác sĩ sẽ tìm kiếm những đốm trắng trong phổi (gọi là thâm nhiễm) để xác định tình trạng nhiễm trùng. Khám nghiệm này cũng sẽ giúp xác định xem bệnh nhân có bất kỳ biến chứng nào liên quan đến viêm phổi như áp xe hoặc tràn dịch màng phổi (chất lỏng bao quanh phổi) hay không.
- CT phổi: Chụp CT ngực cũng có thể được thực hiện để xem các chi tiết nhỏ hơn bên trong phổi. Trong những trường hợp kết quả chụp X quang có thể khó thấy để phát hiện bệnh viêm phổi nên bác sĩ sẽ lựa chọn giải pháp chụp CT phổi. Chụp CT cũng cho thấy rất chi tiết đường thở (khí quản và phế quản) và có thể giúp xác định xem viêm phổi có liên quan đến vấn đề trong đường thở hay không. Chụp CT cũng có thể cho thấy các biến chứng của viêm phổi, áp xe hoặc tràn dịch màng phổi và các hạch bạch huyết mở rộng.
- Siêu âm ngực: Siêu âm có thể sẽ được sử dụng nếu nghi ngờ bệnh nhân có dịch xung quanh phổi. Kiểm tra siêu âm sẽ giúp xác định lượng chất lỏng hiện có và có thể hỗ trợ xác định nguyên nhân của dịch.
- MRI ngực: MRI hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ là một kỹ thuật tạo hình nâng cao sử dụng từ trường và sóng radio để tạo hình ảnh. Do ưu điểm là có thể cho hình ảnh rõ ràng, chi tiết nên nó được đánh giá cao trong việc chẩn đoán các bệnh về phổi cũng như các bệnh liên quan đến những bộ phận khác như cột sống, thần kinh, cơ xương,vv...
- MRI thường không được sử dụng để đánh giá viêm phổi nhưng có thể được sử dụng để xem xét tim, mạch của ngực và cấu trúc thành ngực. Nếu phổi bất thường, nhiễm trùng hoặc khối u, MRI có thể cung cấp thêm thông tin về nguyên nhân hoặc mức độ của những bất thường này. Kết quả MRI phổi có thể hỗ trợ bác sĩ trong đánh giá các tổn thương xảy ra ở màng phổi, trung thất, ở rốn phổi và nhu mô phổi
- Sinh thiết phổi bằng kim: Bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết phổi của bệnh nhân để xác định nguyên nhân gây viêm phổi. Quy trình này bao gồm việc lấy một số mẫu nhỏ từ phổi của bệnh nhân và kiểm tra chúng. Sinh thiết phổi có thể được thực hiện dưới sự hướng dẫn của, CT, siêu âm.
Trong trường hợp, khi được phát hiện viêm phổi trên CT/MRI bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị ngay.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org