Sau tắc ruột nên ăn gì đang là một vấn đề của rất nhiều người bệnh. Bởi lẽ, tắc ruột là một trong những tình trạng cấp cứu rất nguy hiểm và có thể đe doạ tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Thậm chí, tắc ruột còn dễ tái phát nếu không chú ý phòng tránh. Vì thế, chế độ ăn uống, kiêng khem sau khi tắc ruột đóng một vai trò rất quan trọng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Sau tắc ruột nên ăn gì?
Sau khi bị tắc ruột, hệ tiêu hoá của người bệnh còn khá yếu ớt và nhạy cảm. Lúc này, bệnh nhân chỉ nên hấp thu các loại thực phẩm lỏng và dễ tiêu hoá như cháo loãng, mì, súp, phở,...
Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên tìm hiểu sau tắc ruột nên ăn gì và ăn uống như thế nào thì tốt cho sức khỏe, cụ thể như sau:
- Nên tiêu thụ các thức ăn đã được hầm nhừ và nhai thật kỹ.
- Uống nhiều nước và nước ép trái cây không lấy bã.
- Ăn nhiều sữa chua để trợ giúp cho quá trình tiêu hoá thức ăn.
- Nên chia các bữa ăn lớn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ăn quá no.
- Tăng cường hấp thụ các loại rau củ quả có lợi cho đường ruột, có thể kể đến như khoai lang, bí đao, khoai tây, củ cải, cải bó xôi, nấm hay cà rốt.
- Tiêu thụ thêm các loại trái cây có lợi cho hệ tiêu hoá như đu đủ chín, chuối chín, dưa hấu,...
- Sử dụng các loại thịt động vật không chứa chất xơ như thịt cừu, thịt heo, cá, thịt bò,...
- Nên uống các loại sữa không chứa thành phần lactose.

2. Sau tắc ruột kiêng ăn gì?
Sau khi bị tắc ruột, bệnh nhân nên tránh các thực phẩm chứa nhiều tanin như xoài xanh, ổi, hồng ngâm hoặc các thức ăn có nhiều bã xơ như măng. Các thực phẩm này sẽ dễ hình thành những khối bã thức ăn và gây ra ùn tắc trong ruột.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần hạn chế các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm: Các loại rau củ quả đã già, ngũ cốc, các loại đậu, hạt.
- Thực phẩm giàu chất béo, bao gồm: Đồ chế biến sẵn, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh,... Các loại đồ ăn này dễ gây khó tiêu và khiến hệ tiêu hoá làm việc với cường độ cao mới có thể tiêu hoá được hết.
- Các thực phẩm quá dai, quá cứng: Các thực phẩm dai và cứng như lòng, gân, sụn,... có thể tạo thành nhân, kết hợp với những thực phẩm khác sẽ gây vón cục hoặc kết dính.
- Sau tắc ruột, mọi người không nên ăn các loại thực phẩm có chất chát, chứa nhiều nhựa, đặc biệt là không nên ăn khi đói hoặc ăn chung với thực phẩm chứa nhiều đạm.
- Hạn chế tiêu thụ các loại rau củ, hoa quả sấy khô.
- Hạn chế các loại thịt đỏ.
- Không uống rượu, bia, nước ngọt, nước có ga hay sử dụng các chất kích thích.

3. Cách để phòng tránh tắc ruột do bã thức ăn
Khi người bệnh đã biết sau tắc ruột nên ăn gì và không nên ăn gì, hãy cùng tìm hiểu cách để phòng tránh tình trạng tắc ruột.
Để phòng tránh tình trạng này, bệnh nhân nên tránh ăn hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa hay pectin vào lúc đói bụng. Lúc này, nồng độ axit trong dạ dày đang cao và dạ dày rỗng, vì thế các chất có trong những loại thực phẩm vừa kể trên có thể dễ dàng kết tủa và vô tình tạo ra các chất kết dính như sợi xơ thực vật. Qua đó, các phản ứng trong dạ dày sẽ tạo thành những khối bã thức ăn gây tắc ruột.

Ngoài ra, mọi người cũng nên thực hiện những phương pháp khác như:
- Ăn chậm và nhai kỹ để dễ dàng tiêu hoá thức ăn hơn.
- Ăn các thực phẩm đã nấu chín kỹ càng.
- Uống nhiều nước, tối thiểu một ngày cần uống 2 lít nước.
- Tập thể dục đều đặn và vận động thường xuyên để kích thích ruột co bóp và lưu thông tốt hơn.
- Nếu ăn rau, hãy chọn các loại rau có độ nhớt, dễ hoà tan trong nước và chống táo bón, có thể kể đến như đậu bắp, mồng tơi hay rau đay.
Đối với trẻ em khi bị đau bụng, cha mẹ cần phải theo dõi sát sao các dấu hiệu của trẻ như:
- Đau bụng kèm theo nôn.
- Bí trung, đại tiện.
Lúc này, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống mà cần đưa trẻ đi khám ngay. Các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó tránh được những hậu quả đáng tiếc do tự ý điều trị hoặc điều trị chậm trễ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.