Rách sụn chêm là một chấn thương đầu gối rất phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch tập luyện thể thao của người bình thường và thi đấu của các vận động viên. Thêm vào đó, rách sụn chêm còn có thể khiến người bệnh đau đớn, mất chức năng, lo lắng và thắc mắc về quá trình chữa bệnh cũng như rách sụn chêm bao lâu khỏi hay sau rách sụn chêm có đá bóng được không.
1. Sụn chêm là gì và rách sụn chêm là như thế nào?
Sụn chêm là một mảnh sụn có tính đàn hồi như cao su, hình chữ “C” ở đầu gối được thiết kế để hấp thụ các lực đặt hàng ngày trên khớp gối, nhất là trọng lượng của cơ thể.
Các sụn chêm có nguy cơ bị thương cao nhất, gây rách sụn chêm với các chuyển động vặn người, đặc biệt là khi đang đặt chân trụ. Chấn thương trực tiếp, chẳng hạn như bị va đập vào đầu gối trong khi chơi thể thao, cũng là nguyên nhân phổ biến gây rách sụn chêm. Các môn thể thao với bóng thường có xu hướng có nguy cơ cao bị chấn thương đầu gối vì chúng liên quan đến trục và thay đổi hướng nhanh chóng
2. Cân nhắc các cách điều trị trong rách sụn chêm
Có ba lựa chọn điều trị rách sụn chêm: điều trị bảo tồn, cắt bỏ sụn chêm bị tổn thương hoặc sửa chữa. Trong đó, phẫu thuật loại bỏ sụn chêm thường phổ biến nhất ở vận động viên trên 20 tuổi, bị rách nhiều hoặc rách ở những vùng cụ thể của sụn chêm có lượng máu chảy ít nhất và không có khả năng lành lại.
Ngược lại, sửa chữa sụn chêm là một lựa chọn tuyệt vời cho các vận động viên trẻ tuổi hoặc vết rách nhỏ có cơ hội chữa lành cao hơn. Hơn nữa, sửa chữa cũng giúp duy trì tính cơ học đầu gối tối ưu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về đầu gối trong tương lai, chẳng hạn như viêm khớp.
Tuy vậy, cho dù thế nào đi nữa, điều trị bảo tồn cũng đều phải luôn là tuyến phòng thủ đầu tiên để kiểm soát các triệu chứng ban đầu, nhất là các trường hợp rách sụn chêm nhỏ, đơn giản, và cũng như phục hồi chức năng sau can thiệp.
3. Rách sụn chêm bao lâu khỏi?
Hầu hết những bệnh nhân bị rách sụn chêm thường có lối sống năng động nên có thể gặp cảm giác nặng nề khi cần bất động hay vận động hạn chế kéo dài. Theo đó, trong khi người bệnh rất muốn mau chóng khỏi bệnh, vết rách sụn chêm do chấn thương đầu gối cũng đòi hỏi có thời gian để chữa lành. Một trong những câu hỏi lớn nhất trong đầu người bệnh có lẽ là rách sụn chêm có hồi phục được không hay sau rách sụn chêm có đá bóng được không.
Theo đó, việc một người trở lại thể thao phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương đầu gối gây rách sụn chêm và kế hoạch điều trị được lựa chọn. Cụ thể là:
Đối với phẫu thuật cắt một phần sụn chêm: người bệnh có thể trở lại hoạt động thể thao sau 7-9 tuần. Hầu hết các vận động viên hồi phục hoàn toàn sau can thiệp và có thể trở lại với môn thể thao của mình.
Đối với phẫu thuật sửa chữa: Nếu các bác sĩ quyết định cần sửa chữa tổn thương, cần xem xét thời gian phục hồi là 5,5 tháng. Sau thời gian này, hầu hết (81 - 89%) vận động viên có thể trở lại với môn thể thao ban đầu.
Đối với phẫu thuật ghép sụn chêm: Can thiệp này đòi hỏi thời gian phục hồi lâu nhất, từ 7,5 đến 16,5 tháng. Sau thời gian này, phần lớn (67 - 86%) vận động viên có thể trở lại với môn thể thao của mình.
Tuy nhiên, những trường hợp bị rách sụn chêm nghiêm trọng có thể khiến người bệnh phải rời xa các môn thể thao, ngay cả khi đã thực hiện phẫu thuật và tham gia phục hồi chức năng đầy đủ. Hơn nữa, tùy thuộc vào môn thể thao tham gia, người bệnh có thể phải điều chỉnh mức độ hoặc tần suất hoạt động của mình. Ví dụ: nếu là một vận động viên chạy bộ hầu như đi ra ngoài mỗi ngày, người bệnh có thể cần phải cắt giảm thói quen của mình xuống còn 3-4 ngày một tuần. Thường xuyên hơn và tác động lên khớp gối với sụn chêm bị tổn thương có thể gây tổn thương nhiều hơn và gây đau nhiều hơn.
Ngoài ra, tất cả các trường hợp chấn thương sụn chêm đều cần vật lý trị liệu. Thời gian phục hồi và khả năng trở lại hoạt động thể thao sẽ phụ thuộc vào mức độ siêng năng tuân theo liệu pháp vật lý trị liệu và các hướng dẫn tại nhà.
4. Làm cách nào để biết khả năng tiếp tục chơi thể thao hay không sau rách sụn chêm?
Vấn đề lớn nhất mà người bệnh sẽ gặp phải khi tiếp tục chơi thể thao sau rách sụn chêm là sự suy giảm khả năng vận động của bản thân. Vận động viên có thể thấy bất lực, trầm cảm khi mình không thể chạy nhanh, nhảy cao hay mất tính linh hoạt trên khớp gối hoặc tiếp tục bị đau đầu gối khi cử động. Đây là tất cả các dấu hiệu cho thấy vết rách sụn chêm vẫn cần thêm một thời gian để chữa lành.
Tuy nhiên, nếu sau khi được bác sĩ chỉnh hình đánh giá đầy đủ, người bệnh cảm thấy thoải mái khi sử dụng đầu gối mà không bị khóa chặt, đau buốt hoặc bất kỳ triệu chứng nào tương tự thì có thể thử môn thể thao của mình, như chơi đá bóng ở mức độ nhẹ nhàng và tăng dần và xem điều gì sẽ xảy ra.
Hơn nữa, bác sĩ trị liệu có thể giúp đánh giá mức độ sẵn sàng chơi thể thao của người bệnh bằng cách đánh giá các chuyển động cụ thể đối với từng môn thể thao. Bằng cách này, người bệnh sẽ không gặp phải bất ngờ và sẽ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin trong lần trở lại của mình.
Tóm lại, hoàn toàn không có câu trả lời rõ ràng cho bất kỳ loại chấn thương khớp nào về việc có thể tiếp tục thi đấu hay không, bao gồm cả băn khoăn sau rách sụn chêm có đá bóng được không. Chính việc tham luận với bác sĩ trị liệu và bác sĩ chỉnh hình sẽ đưa ra kế hoạch hồi phục và cách thức tiến hành cụ thể trong từng trường hợp. Trong đó, quan trọng nhất là luôn phải đánh giá chức năng và các triệu chứng của đầu gối từ mức độ hoạt động nhẹ đến tăng dần, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của khớp gối về lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.