Sau khi hành trình điều trị cho bệnh ung thư đi đến cuối, người bệnh sẽ đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Cảm thấy nhẹ nhàng khi quá trình điều trị đã qua, nhưng luôn lo lắng khi tương lai bệnh có tái phát hay không? Theo một số cách, quá trình chuyển đổi này là một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất trong trải nghiệm điều trị ung thư.
1. Bệnh nhân có những lo ngại gì về y tế ngay sau khi kết thúc điều trị?
Nhiều người bệnh cho rằng thời điểm sau khi kết thúc điều trị là khoảng thời gian chông chênh và họ lo lắng về tương lai vô định. Một số còn cảm thấy hoảng loạn về nguy cơ ung thư có thể quay trở lại và họ có thể không nhận thấy các dấu hiệu đủ sớm.
Một điều quan trọng khác cần lưu ý là nhiều người bệnh vẫn phải chịu đựng những triệu chứng khó chịu liên quan đến phương pháp điều trị ung thư hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm sau đó. Người bệnh thường phải gồng mình trước sự mệt mỏi, khó ngủ, gặp vấn đề với trí nhớ, đau đớn kéo dài hoặc cảm giác châm chích do đau dây thần kinh và những nỗi đau tinh thần.
Người ta thường muốn biết những dấu hiệu để tìm kiếm để phát hiện ung thư đã quay lại, hay tái phát sớm nhất có thể và để nhận biết những tác dụng phụ kéo dài của điều trị. Ví dụ như, người bệnh từng dùng thuốc có khả năng ảnh hưởng đến mật độ xương cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc theo dõi tình trạng xương và có những bước đi thích hợp để ngừa mất xương nghiêm trọng.
2. Một số mối quan ngại về tinh thần bệnh nhân có một khi điều trị kết thúc là gì?
Những lo lắng về sự tái phát của ung thư, danh tính và tương lai của một người, và chết trẻ hoặc để lại những điều dang dở. Một số bệnh nhân cũng có thể bị ảnh hưởng do cơ thể bị tàn phá hoặc lòng tự trọng bị tổn thương vì các phương pháp điều trị ung thư họ đã trải qua. Người bệnh thường cần sự giúp đỡ để học cách chấp nhận cơ thể mới của họ.
3. Người bệnh phải đương đầu với những nỗi lo này như thế nào?
Bước đầu tiên là phải nhận ra nỗi sợ và niềm lo của họ. Bước thứ hai là tìm một giải pháp để xử lý những nỗi lo sợ này. Để lấy lại sự kiểm soát, thông tin và giáo dục bệnh nhân đóng vai trò thiết yếu.
Hãy chia sẻ nỗi sợ hãi và lo lắng ấy với những người bạn yêu thương, với một hội nhóm hỗ trợ, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia có thể và sẽ luôn mang đến sự khuây khoả. Có những nỗi lo sau khi hoàn thành tiến trình điều trị ung thư và quan trọng là cảm giác được hỗ trợ và đồng hành trên hành trình phía trước.
4. Việc bị chẩn đoán mắc ung thư ảnh hưởng như thế nào đến gia đình, bạn bè và người chăm sóc của bệnh nhân?
Ung thư không chỉ tác động đến những người phải tiến hành điều trị, mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình. Những người chăm sóc và người hảo tâm giúp đỡ một bệnh nhân trong khi họ đang điều trị ung thư. Nhưng tình yêu, sự ủng hộ và lo lắng của họ không hề ngừng ở đó. Người chăm sóc cũng có thể cần hỗ trợ về tinh thần cho chính họ.
5. Người bệnh và bác sĩ nên thảo luận gì trong những lần thăm khám cuối?
Những lần thăm khám cuối nên được sắp xếp dành thời gian để xem lại những phương pháp điều trị đã được áp dụng và thảo luận những điều đang tới. Mong muốn của mỗi bệnh nhân rất khác biệt.
Một số người bệnh thích trong suốt quá trình điều trị mà không đặt câu hỏi nào, nhưng sau đó muốn có cơ hội để điểm lại những gì vừa xảy ra với họ và xác nhận rằng họ hiểu rõ về những gì sẽ xảy ra. Lại có những bệnh nhân khác đi khám để thảo luận sâu hơn về tiên lượng bệnh, tìm kiếm những lời khuyên về việc làm thế nào để kiểm soát các tác dụng phụ, hoặc được giới thiệu sang những dịch vụ hỗ trợ.
Cũng có trường hợp phổ biến là người bệnh mất liên lạc với bác sĩ điều trị chính, vì vậy những lần thăm khám này như là lời nhắc định vị lại những vấn đề quan trọng để duy trì sức khoẻ và đảm bảo lịch tái khám ung thư phù hợp cũng như các vấn đề sức khoẻ khác.
6. Bệnh nhân sống sót sau ung thư cần chuẩn bị gì khác cho cuộc sống sau điều trị?
Người bệnh có thể yêu cầu bác sĩ ung bướu bảng tổng kết điều trị, liệt kê chẩn đoán ban đầu, bao gồm loại ung thư, giai đoạn tiến triển và phương pháp điều trị đã áp dụng. Bảng tổng kết này cũng nên nêu rõ lịch tái khám đề xuất và những xét nghiệm được khuyến cáo để theo dõi sự hồi phục của người bệnh.
Một nguồn lực hiệu quả khác là hội nhóm hỗ trợ, cho phép người bệnh chia sẻ kinh nghiệm cùng lời khuyên cũng như nhận được sự hỗ trợ từ những người khác ngoài người nhà và bạn bè.
Trong lúc đó, một số người có cách hữu ích khác là tìm kiếm nhiều thông tin hơn về loại ung thư họ đã mắc và cách đương đầu với nó với tài liệu từ các trang web. Những người khác có thể chuyển sang văn học, sở thích hoặc tìm cố vấn tinh thần để giúp họ tiến về phía trước. Thông điệp quan trọng là cuộc sống có thể thay đổi mãi mãi bởi ung thư và những thay đổi đó xứng đáng được quan tâm và tôn trọng.
7. Bác sĩ sẽ có lời khuyên gì đối với bệnh nhân sau kết thúc điều trị?
Một điều quan trọng đó là nhiều bệnh nhân sống sót sau ung thư phải đối mặt một tương lai vô định và cảm thấy chơi vơi. Chúng ta cần lắng nghe và kết bạn với họ, cho họ thấy họ không đơn độc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn Cancer.net