Thời gian điều trị dài, đau đớn, nhiều tác dụng phụ, dẫn tới nhiều bệnh nhân bị khủng hoảng tâm lý. Ung thư khiến bệnh nhân lẩn tránh điều trị tạo điều kiện cho khối u tàn phá cơ thể.
1. Khủng hoảng tâm lý thường thấy ở bệnh nhân ung thư
Ung thư có thể tác động đến bệnh nhân từ nhiều khía cạnh như lòng tự trọng, cảm giác về bản thân, niềm tin tôn giáo hoặc ý thức về giá trị bản thân ... Một số người phải đấu tranh với nhiều cảm xúc khác nhau hoặc chuyển qua từng giai đoạn cảm xúc khác nhau, thứ tự không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được. Những cảm xúc này có thể đột ngột xuất hiện và tồn tại dai dẳng.
Những phản ứng cảm xúc của người chăm sóc, bố mẹ hoặc anh chị em bệnh nhân đang sắp qua đời có ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân nên đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Những bệnh nhân, thân nhân ở các giai đoạn khác nhau của bệnh có thể sẽ có những phản ứng cảm xúc khác nhau. Do đó xác định rõ giai đoạn bệnh không chỉ để chọn phác đồ điều trị thích hợp mà còn giúp hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân tốt hơn.
2. Khủng hoảng tâm lý ở bệnh nhân ung thư như thế nào?
Khủng hoảng tâm lý ở bệnh nhân ung thư thường trải qua 5 giai đoạn sau:
- Phủ nhận
Đây chỉ là một phản kháng tâm lý tạm thời. “Không, tôi khỏe mà”; “Chuyện này không thể xảy ra với tôi được”. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng nhận ra mình đang phải đối mặt với sự việc nghiêm trọng.
- Phẫn nộ
Ở giai đoạn thứ hai, người bệnh nhận ra mình không thể tiếp tục phủ nhận mãi được. Họ có thể đố kỵ và nổi cơn thịnh nộ, làm cho việc giao tiếp xung quanh là thách thức rất lớn.
“Tại sao lại là tôi, thật không công bằng?”
“Sao nó có thể xảy ra với tôi được? “;
“Ai gây ra chuyện này?”.
Cá nhân nào trong cuộc sống càng mạnh mẽ thì càng có xu hướng bùng phát sự phẫn nộ và đố kỵ.
- Thương lượng
Thương lượng liên quan đến sự hy vọng của người bệnh có thể kéo dài hoặc trì hoãn cái chết. Thông thường, họ tìm mọi cách để kéo dài cuộc sống.
“Chỉ cần tôi được sống đến ngày con tôi tốt nghiệp”
“Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để được sống thêm vài năm nữa”
“Tôi hiểu là tôi sẽ chết nhưng chỉ mong được thêm thời gian hơn nữa”...
- Trầm cảm
Ở giai đoạn thứ 4 này, người bệnh hiểu rằng cái chết là chắc chắn. Do đó, họ có thể trở nên im lặng, từ chối gặp người khác, dành thời gian để khóc và đau buồn.
Quá trình này khiến người bệnh cắt đứt với những sự việc liên quan tới tình thương yêu và bệnh tật bởi chúng có tác dụng làm nguôi ngoai họ.
“Tôi buồn quá, tôi sắp chết rồi. Tại sao phải quan tâm đến mấy cái chuyện khác làm gì?”
“Tôi sắp mất người thân yêu nhất của mình rồi”.
- Chấp nhận
Giai đoạn này người bệnh bắt đầu chấp nhận cái chết sẽ đến
“Rồi cũng sẽ xong thôi”
“Tôi không thể chống lại, nên chuẩn bị đón nhận nó”.
Bên cạnh đó, theo từng quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư, bệnh nhân cũng có nhiều khủng hoảng tâm lý liên quan. Những ảnh hưởng tâm lý này ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin, tinh thần chiến đấu bệnh tật và khả năng điều trị bệnh nên cần sớm can thiệp.
3. Khủng hoảng tâm lý ở bệnh nhân ung thư cần được can thiệp
Nói chung, bệnh nhân ung thư dù ở bất cứ giai đoạn nào, được điều trị ra sao đều có những khủng hoảng tâm lý nhất định, khác nhau ở mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Nhưng họ luôn cần được động viên tinh thần và cung cấp thông tin điều trị đúng đắn từ gia đình cũng như y bác sĩ.
Tâm lý và tinh thần là rất quan trọng quyết định đến hiệu quả điều trị cũng như kéo dài thời gian sống, chất lượng sống cho bệnh nhân ra sao.