Rối loạn ăn uống: Nguyên nhân, điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến lao động, học tập, và cuộc sống thường ngày của người mắc. Ăn vô độ là một dạng rối loạn ăn uống và tác động xấu tới chất lượng cuộc sống người bệnh.

1. Ăn vô độ là gì?

Ăn vô độ (binge - eating disorder) là một loại rối loạn ăn uống nghiêm trọng, trong đó người mắc thường xuyên tiêu thụ một lượng thức ăn lớn bất thường và cảm thấy không thể ngừng ăn.

Đa số người bình thường đều từng trải qua những lúc ăn rất nhiều, chẳng hạn như trong các bữa tiệc, buổi kỉ niệm, bữa liên hoan,... Nhưng một số người đã vượt qua lằn ranh bình thường, không thể tự kiểm soát được sự ăn uống quá mức của bản thân, để nó diễn ra lặp đi lặp lại, và tiến tới chứng ăn vô độ.

Khi bị mắc chứng ăn vô độ, bản thân người mắc cũng cảm thấy xấu hổ về mức độ ăn của mình và cũng có ý muốn dừng lại, nhưng họ luôn bị một cảm giác thúc bách khiến việc ăn không thể dừng lại, dẫn tới ăn không ngừng. Thật may mắn là có thể can thiệp điều trị với chứng ăn vô độ.


Ăn vô độ là tình trạng rối loạn ăn uống, ăn không ngừng
Ăn vô độ là tình trạng rối loạn ăn uống, ăn không ngừng

2. Nguyên nhân gây ra chứng ăn vô độ

Nguyên nhân gây ra chứng ăn vô độ cho đến hiện nay vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên yếu tố di truyền, các yếu tố sinh học, chế độ ăn kiêng kéo dài và các vấn đề tâm thần có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện chứng ăn vô độ.

Chứng ăn vô độ hay xuất hiện ở nữ giới hơn nam giới. Mặc dù có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng chứng ăn vô độ thường xuất hiện ở cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu những năm tuổi 20.

Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng xuất hiện chứng ăn vô độ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: nguy cơ xuất hiện rối loạn ăn uống sẽ tăng lên nếu trong gia đình có thành viên (cha mẹ, anh chị em) đã hoặc đang mắc rối loạn ăn uống. Điều này gợi ý rằng yếu tố di truyền có thể là nhân tố làm tăng khả năng xuất hiện các rối loạn ăn uống.
  • Chế độ ăn kiêng: nhiều người bị ăn vô độ có tiền sử đã từng ăn kiêng. Ăn kiêng hoặc ăn theo chế độ giới hạn năng lượng trong ngày có thể khởi phát thèm muốn ăn vô độ, đặc biệt là khi bản thân có xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm.
  • Các vấn đề tâm thần: nhiều người mắc chứng ăn vô độ có cảm giác tiêu cực về bản thân, về năng lực cũng như kết quả đã đạt được. Các yếu tố có thể gây khởi phát ăn vô độ bao gồm áp lực căng thẳng, tự ti về ngoại hình, có sẵn nhiều đồ ăn ưa thích,...

3. Các biểu hiện của chứng ăn vô độ

Đa số những người mắc chứng ăn vô độ bị thừa cân hoặc béo phì, nhưng vẫn có những người có cân nặng bình thường. Các dấu hiệu về hành vi và cảm xúc của chứng ăn vô độ bao gồm:

  • Ăn một lượng thức ăn lớn bất thường trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như ăn quá nhiều trong hai giờ đồng hồ.
  • Có cảm giác hành vi ăn uống nằm ngoài tầm kiểm soát.
  • Vẫn ăn không ngừng dù đã cảm thấy no hoặc không cảm thấy đói.
  • Tốc độ ăn rất nhanh khi trong cơn ăn.
  • Ăn không ngừng cho tới khi no không thể chịu được nữa.
  • Thường xuyên ăn một mình hoặc ăn trong bí mật.
  • Cảm thấy tuyệt vọng, chán ghét, xấu hổ, tội lỗi, hoặc buồn bã về hành vi ăn uống của bản thân.
  • Thường xuyên ăn kiêng, và có thể vẫn không giảm được cân nặng.

Không giống như người mắc chứng ăn ói (bulimia), sau khi trải qua cơn ăn, người mắc chứng ăn vô độ thường không cân bằng lại lượng năng lượng dư thừa đã thu nạp bằng cách nôn ra, sử dụng thuốc nhuận tràng hay tập luyện quá mức. Người mắc chứng ăn vô độ có thể cố gắng ăn kiêng hoặc ăn những bữa ăn ở mức bình thường, nhưng ăn kiêng nghiêm ngặt có thể lại dẫn tới khởi phát những cơn ăn vô độ.

Mức độ nặng của chứng ăn vô độ được xác định bằng mức độ thường xuyên xảy ra cơn ăn vô độ trong một tuần.

Nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của chứng ăn vô độ, hãy đi thăm khám càng sớm càng tốt. Vấn đề ăn vô độ sẽ khác nhau tùy từng người, có thể xuất hiện những lần ngắn, sau đó tái diễn hoặc tồn tại dai dẳng nhiều năm nếu không được điều trị.

4. Biến chứng của chứng ăn vô độ

Nếu không được điều trị, người mắc chứng ăn vô độ có thể xuất hiện các vấn đề liên quan về thể chất và tâm thần. Chứng ăn vô độ có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Suy giảm chất lượng cuộc sống.
  • Gặp rắc rối trong công việc, tương tác xã hội hoặc đời tư.
  • Tách biệt với xã hội.
  • Béo phì.
  • Các vấn đề sức khỏe liên quan tới béo phì, chẳng hạn các vấn đề về khớp, tim mạch, đái tháo đường type 2, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD), và một số rối loạn hô hấp trong giấc ngủ.

Các rối loạn tâm thần thường có mối liên quan tới chứng ăn vô độ bao gồm:


Ăn uống vô độ có thể dẫn đến trầm cảm
Ăn uống vô độ có thể dẫn đến trầm cảm

5. Điều trị chứng ăn vô độ

Mục tiêu điều trị của chứng ăn vô độ là giảm thiểu sự ăn vô độ và tái lập thói quen ăn uống lành mạnh. Bởi vì chứng ăn vô độ có thể kèm theo các cảm xúc tiêu cực (như xấu hổ, tự ti về ngoại hình,...) nên việc điều trị cũng có thể nhắm đến những vấn đề tâm thần kèm theo, chẳng hạn như trầm cảm. Qua quá trình điều trị người mắc bệnh có thể lấy lại được sự kiểm soát đối với việc ăn uống.

5.1 Tâm lý liệu pháp

Tâm lý liệu pháp sẽ giúp người mắc chứng ăn vô độ (cũng như những người bị rối loạn ăn uống khác) thay đổi thói quen ăn uống, làm giảm số cơn ăn, tái lập và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh.

5.2. Thuốc điều trị

  • Lisdexamfetamine dimesylate (Vyvanse) vốn là thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, đã trở thành loại thuốc đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration - FDA) Hoa Kỳ phê chuẩn sử dụng cho những trường hợp người trưởng thành mắc chứng ăn vô độ mức độ trung bình và mức độ nặng, tuy nhiên Vyvanse cũng là một chất kích thích, có thể khiến người sử dụng bị phụ thuộc và lạm dụng. Tác dụng không mong muốn thường thấy của thuốc bao gồm khô miệng và mất ngủ, nhưng những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng hơn cũng có thể xảy ra.
  • Một số loại thuốc khác có thể sử dụng để làm giảm triệu chứng, ví dụ như:
    • Topiramate (Topamax): là một thuốc chống co giật, tuy nhiên cũng có tác dụng làm giảm số cơn ăn vô độ. Thuốc có khá nhiều tác dụng không mong muốn.
    • Thuốc chống trầm cảm: có thể làm giảm số cơn ăn vô độ dù chưa rõ cơ chế tác dụng.

5.3. Kế hoạch giảm cân

Rất nhiều người mắc chứng ăn vô độ có tiền sử giảm cân thất bại. Tuy nhiên kế hoạch giảm cân không nên đặt ra trước khi chứng ăn vô độ đã được điều trị, bởi chế độ ăn giảm cân có thể gây khởi phát các cơn ăn, khiến việc giảm cân không thành công.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe