Cần sa là một loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa Cannabis Sativa. Giới trẻ còn gọi loại cần sa này với những cái tên như “bồ đà”, “tài mà”... và được sử dụng dưới dạng hút (hút vape, ống điếu), dạng hít hoặc trộn vào đồ uống, thức ăn, thuốc lá.... để phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc giải trí. Tuy nhiên cần sa có chứa các hợp chất gây ảnh hưởng đến tâm trí, não bộ và thể chất do đó gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.
1. Chất gây nghiện trong cần sa
Thành phần chính của cần sa là hoạt chất THC (Tetra Hydro Cannabinol) thường có trong lá và các bộ phận ra hoa của cây cần sa. THC khi được hấp thu vào cơ thể sẽ kích thích não bộ, giải phóng hormone dopamine khiến người sử dụng có cảm giác hưng phấn, lâng lâng, khoái cảm và ham muốn tình dục.
Cần sa có mấy loại? Theo đó, cần sa được chia làm 3 loại chính:
- Marijuana: được chế từ lá và hoa khô của cây cần sa (Cannabis). Là dạng chứa ít THC và tác dụng thấp nhất.
- Hashish (Hash): được chế từ nhựa cần sa, phơi khô và ép thành cục. Dạng này thược được trộn với thuốc lá để hút hoặc bỏ vào đồ ăn để ăn.
- Dầu Hashish: là chất dầu được chế biến từ Hash, với cường độ và tác dụng mạnh nhất. Dầu này thường được bôi trên đầu điếu thuốc hay trên giấy điếu thuốc lá để hút.
Việc pha trộn và dùng cần sa với các loại ma túy khác là hết sức nguy hiểm vì nó sẽ làm cho công dụng của cần sa mạnh hơn. Chất THC thường hấp thu rất nhanh nhưng phải mất đến 1 tháng để đào thải hết 1 liều THC ra khỏi cơ thể.
XEM THÊM: Cần sa ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
2. Ảnh hưởng của cần sa đối với người sử dụng
Mặc dù hiện nay cần sa đang được truyền bá và len lỏi tới nhiều người để phục vụ cho những mục đích khác nhau, tuy nhiên không phải người sử dụng nào cũng ý thức được những ảnh hưởng của cần sa đối với cơ thể chính mình. Một số ảnh hưởng nghiêm trọng có thể kể đến như:
2.1. Ảnh hưởng về não bộ, tâm thần
Nếu hút cần sa ngắn hạn, THC sẽ di chuyển từ phổi vào máu, lên não và lan ra toàn bộ cơ thể. THC kích hoạt các thụ thể tế bào não dẫn đến triệu chứng “phê” với các biểu hiện như:
- Thay đổi giác quan (vd: nhìn thấy màu sáng hơn)
- Thay đổi nhận thức về thời gian.
- Thay đổi tâm trạng.
- Suy yếu khả năng vận động.
- Khó tập trung suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
- Suy giảm trí nhớ.
- Ảo giác, ảo tưởng (nếu dùng liều cao).
- Rối loạn tâm thần (ảnh hưởng cao nhất).
- Mất động lực làm việc.
- Giảm trí nhớ, xao nhãng và thiếu tập trung, khó tiếp thu điều mới.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Ảnh hưởng về tâm lý (nhất là những người có tiền sử rối loạn trầm cảm, tâm thần phân liệt...).
Nếu sử dụng cần sa trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng não bộ và sức khỏe tâm thần là tất yếu:
- Một số người có thể phát triển các bệnh tâm thần như: ảo giác, hoang tưởng, rối loạn suy nghĩ.
- Gia tăng các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo âu, trầm cảm, suy nghĩ tự tử ở thanh thiếu niên.
So với các loại ma túy tổng hợp, cần sa tuy có mức lệ thuộc và tác hại thấp hơn nhưng lại là bước khởi đầu dẫn đến tình trạng nghiện ngập.
XEM THÊM: Cần sa tác động tiêu cực đến hệ thần kinh con người
2.2. Ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất
Ngoài ra, người sử dụng cần sa cũng có thể gặp phải những vấn đề sức khỏe thể chất như:
- Dễ ho và khạc đờm hàng ngày: Tăng nguy cơ viêm phế quản, nhiễm trùng phổi và các bệnh lý về đường hô hấp khác.
- Buồn nôn và nôn nghiêm trọng. Một số người có thể phát triển hội chứng Hyperemesis Cannabinoid gây buồn nôn, nôn mửa và mất nước thường xuyên.
- Rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ bị đau tim.
- Suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng (đối với nam giới).
- Rối loạn kinh nguyệt (đối với nữ giới).
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có trường hợp nào được ghi nhận là tử vong do sử dụng cần sa.
2.3. Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh
Chất THC có trong cần sa đã được nghiên cứu và xác thực là có thể truyền từ mẹ sang con qua nhau thai. Nếu người mẹ hút cần sa trong thời gian mang thai, khả năng cao đứa trẻ sinh ra sẽ bị nhẹ cân, dễ gặp các vấn đề về não bộ và hành vi (suy giảm trí nhớ, khả năng chú ý, khó ngủ...) do bị ảnh hưởng của thuốc.
Nhìn chung, người sử dụng cần sa trong một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc hoặc nghiện cần sa và luôn có xu hướng tìm cách có cần sa để sử dụng. Chính vì những tác hại về mặt lâu dài mà hiện nay ở Việt Nam, cần sa là một loại ma túy bị cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng. Nếu bị phát hiện người vi phạm có thể bị bắt giữ và xử lý theo quy định của Pháp luật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.