Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Việc lạm dụng rượu có thể gây rối loạn tâm thần nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống cá nhân, gia đình mà còn gây ra các vấn nạn xã hội.
1. Tác động của rượu lên cơ thể
Rượu là các đồ uống chứa Etylic (Ethanol), công thức hóa học là CH3-CH2-OH. Sử dụng rượu gây ra các tác động đối với cơ thể như:
1.1 Hấp thu và chuyển hóa
Có khoảng 10% lượng rượu uống vào được hấp thu ở dạ dày. Lượng rượu còn lại được hấp thu ở ruột non. Nồng độ rượu trong máu đạt đỉnh sau 45 - 60 phút tùy tình trạng dạ dày (khi đói hấp thu rượu nhanh hơn khi no). Khoảng 90% lượng rượu hấp thu vào cơ thể được chuyển hóa ở gan. 10% còn lại được bài tiết qua thận và phổi.
1.2 Tác động của rượu lên não
Rượu có khả năng ức chế hệ thần kinh, gây dung nạp chéo. Với nồng độ rượu 0,05% trong máu, quá trình suy nghĩ và phán đoán sẽ trở nên lỏng lẻo hoặc ngưng trệ. Ở nồng độ rượu 0,1% trong máu, các cử động tự ý trở nên vụng về. Ngộ độc rượu khi nồng độ rượu trong máu ở mức 0,1 - 0,15%. Ở nồng độ 0,2%, chức năng toàn bộ vùng vận động của não bị ức chế. Ở mức 0,3%, người bệnh bị lú lẫn và hôn mê. Từ 0,4 – 0,5%, bệnh nhân rơi vào hôn mê.
1.3 Tác động của rượu lên các cơ quan khác
Rượu gây hại cho nhiều cơ quan. Sử dụng rượu lâu dài có thể gây teo não, thoái hóa tiểu não, động kinh, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh viêm gan, xơ gan, bệnh về cơ, bệnh cơ tim, viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm tụy,... Người bị nghiện rượu mãn tính thường bị thiếu hụt thiamin, vitamin B12, acid nicotinic và folate. Trong thời gian có thai, nếu người mẹ sử dụng rượu thì sẽ gây độc cho thai nhi, có thể gây dị dạng cho trẻ.
2. Tác động của rượu gây ra rối loạn tâm thần
Rượu có thể gây rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm thần do sử dụng rượu có thể do ngộ độc rượu cấp tính hoặc do ngộ độc rượu mạn tính (nghiện rượu). Các rối loạn tâm thần do rượu gồm:
Khái niệm
- Lạm dụng rượu: Liên tục sử dụng rượu đến mức ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động của cá nhân, thường sau đó đi tới lệ thuộc rượu;
- Lệ thuộc rượu: Là dùng nhiều rượu đến mức gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thể chất và tinh thần. Có 3 dạng thường gặp là: Liên tục dùng lượng rượu nhiều; Chỉ dùng nhiều rượu vào cuối tuần hoặc khi có trục trặc trong công việc; Dùng nhiều rượu kéo dài vài ngày đến cả tuần, xen kẽ với các giai đoạn không uống rượu.
2.2 Nhiễm độc rượu (say rượu)
Khái niệm
Uống một lượng rượu đủ để gây các thay đổi về hành vi.
- Say rượu thông thường: Có thể có những rối loạn tâm thần như: cảm xúc không ổn định, cáu giận, lo âu, rối loạn hành vi,... đi kèm các triệu chứng của ngộ độc rượu. Những rối loạn tâm thần này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi còn tác dụng dược lý của rượu. Khi hết tác dụng dược lý của rượu, các triệu chứng này sẽ tự hết;
- Say rượu bệnh lý: Là tình trạng rối loạn tâm thần cấp tính xuất hiện khi say rượu. Sau khi sử dụng rượu với liều thấp, đối tượng xuất hiện tình trạng loạn thần cấp. Đối tượng có thể có những hành vi nguy hiểm, mất kiểm soát ý thức về hành vi của mình. Tình trạng loạn thần sẽ hết sau khi hết cơn say rượu. Có 3 thể say rượu bệnh lý: Say rượu với hoang tưởng chiếm ưu thế, say rượu với ảo giác chiếm ưu thế và say rượu với biểu hiện kích động vận động chiếm ưu thế.
Các hậu quả của nhiễm độc rượu có thể là tai nạn xe cộ, chấn thương, gãy xương, hoạt động phạm tội, giết người hoặc tự sát,...
Điều trị
- Chú ý dinh dưỡng cho bệnh nhân, đặc biệt là bổ sung thiamine, vitamin B12 và folate;
- Theo dõi đề phòng biến chứng như tấn công người khác, hôn mê, chấn thương, té ngã,...
2.3 Rối loạn loạn thần do rượu
Khái niệm
Loạn thần do rượu hay do ngộ độc rượu mạn tính gây ra. Rối loạn loạn thần gồm các ảo giác kéo dài, chủ yếu là ảo thị, ảo thanh, không có mê sảng, thường xuất hiện trong vòng 2 ngày khi những người lệ thuộc rượu ngưng uống rượu. Loạn thần rượu có thể kéo dài mãn tính và bệnh cảnh lâm sàng gần giống tâm thần phân liệt. Đây là trạng thái hiếm gặp, tỷ lệ mắc của nam/nữ là 4/1, thường gặp ở những người có tiền sử uống rượu trên 10 năm.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị loạn thần rượu là trị liệu theo giai đoạn, giảm triệu chứng, kết hợp điều trị rối loạn tâm thần và điều trị ngộ độc rượu hoặc cai nghiện rượu, theo dõi và chăm sóc toàn diện. Việc điều trị dựa theo từng giai đoạn:
- Giai đoạn cấp: Gồm điều trị giải độc rượu (điều trị hội chứng cai rượu) và điều trị rối loạn tâm thần. Phương pháp điều trị giải độc rượu là liệu pháp vitamin nhóm B liều cao, bù nước điện giải theo đường truyền tĩnh mạch và đường uống, giải lo âu, chống rối loạn thần kinh thực vật và điều trị các bệnh nội khoa. Điều trị rối loạn tâm thần phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng cụ thể và thể trạng bệnh nhân. Bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác, kích động; trầm cảm; hưng cảm; lo âu sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau với liều lượng phù hợp;
- Giai đoạn bán cấp và ổn định: Tiếp tục điều trị thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu và thuốc chỉnh khí sắc,... với liều lượng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ;
- Giai đoạn sau loạn thần: Phục hồi chức năng tâm lý xã hội để chống tái nghiện, giúp bệnh nhân tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
2.4 Hội chứng cai rượu
Khái niệm
Hội chứng cai rượu là biểu hiện của nghiện rượu mãn tính, xuất hiện khi thiếu hoặc ngưng rượu. Người bệnh sẽ có triệu chứng bồn chồn, khó chịu, bứt rứt trong người, buồn bã, lo âu, sợ hãi, mất ngủ hoặc gặp ác mộng, rối loạn nhịp tim (hồi hộp, đánh trống ngực, run tay chân hoặc nặng hơn là co giật toàn thân). Các triệu chứng trên sẽ dịu hẳn đi hoặc biến mất nhanh chóng khi uống một lượng rượu nhỏ.
Điều trị
- Chăm sóc tại nhà: Người mắc hội chứng cai rượu nhẹ có thể điều trị tại nhà. Người thân cần có mặt để theo dõi tình trạng của bệnh nhân, kịp thời đưa bệnh nhân tới bệnh viện khi có triệu chứng xấu đi;
- Nhập viện: Khi các triệu chứng của hội chứng cai rượu tiến triển nặng hơn, bệnh nhân cần nhập viện để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh, ngăn chặn nguy cơ biến chứng. Người bệnh có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước và sử dụng các loại thuốc làm giảm triệu chứng;
- Dùng thuốc: Các trường hợp mắc hội chứng cai rượu thường được điều trị bằng thuốc an thần benzodiazepine. Ngoài ra, bệnh nhân còn được bổ sung vitamin để thay thế các vitamin thiết yếu bị mất đi do sử dụng rượu, giúp ngăn chặn các biến chứng và tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng do nghiện rượu mãn tính.
2.5 Sảng run (mê sảng do cai rượu)
Khái niệm
Sảng run là tình trạng thường xuất hiện sau khi ngừng hoặc giảm uống rượu ở những bệnh nhân có tiền sử lệ thuộc rượu, ít gặp hơn so với hội chứng cai rượu và không có biến chứng. Biểu hiện bệnh là:
- Sảng: Là tình trạng lú lẫn, mê sảng, không nhận thức được môi trường xung quanh. Người bệnh có cảm giác như thấy những cảnh tượng ghê rợn như bị thú dữ tấn công, có cảm giác côn trùng đang bò trên cơ thể hoặc nghe thấy những tiếng nói không có thực. Hậu quả là người bệnh sảng rượu có những hành vi cực kỳ nguy hiểm như tấn công người vô cớ, đốt nhà, giết người,...
- Run: Người bệnh bị run tay chân, run toàn thân, thậm chí run cả lưỡi, có thể kèm theo triệu chứng đi đứng loạng choạng, đổ mồ hôi đầm đìa,... bệnh thường nặng về đêm.
Điều trị
- Ghi nhận sinh hiệu mỗi 6 giờ 1 lần, quan sát bệnh nhân đều đặn;
- Giảm các yếu tố gây kích thích thần kinh, điều chỉnh điện giải và điều trị các bệnh đi kèm như nhiễm trùng, chấn thương sọ não,... Nếu bệnh nhân bị mất nước thì bù nước;
- Sử dụng các thuốc như Chlordiazepoxide (Librium), Thiamine, Acid Folic, Multivitamin,... với liều dùng, thời gian dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Sử dụng thuốc ngủ để bệnh nhân ngủ yên;
- Điều trị suy dinh dưỡng nếu có;
- Tránh thuốc chống loạn thần vì có thể làm xuất hiện cơn động kinh.
2.6 Rối loạn trí nhớ
Khái niệm
Rối loạn trí nhớ thường gặp ở người uống nhiều rượu trong thời gian dài. Tình trạng rối loạn tâm thần do rượu này còn được gọi là bệnh não Wernicke (các triệu chứng thần kinh cấp tính) và hội chứng Korxakoff (tình trạng mãn tính).
- Bệnh não Wernicke: Là tình trạng cấp tính do thiếu thiamin (vì nghiện rượu mãn tính). Người bệnh có triệu chứng lay giật nhãn cầu, liệt vận nhãn, lú lẫn toàn bộ, bịa chuyện, ngủ gà, mất khả năng phân biệt, sảng nhẹ, mất ngủ do lo âu, sợ bóng đêm,... Sau khi được điều trị, bệnh não Wernicke có thể biến mất sau vài ngày, vài tuần hoặc có thể tiến triển thành hội chứng Korsakoff;
- Hội chứng Korsakoff: Thường liên quan đến nghiện rượu mãn tính, xuất hiện do thiếu thiamin. Biểu hiện của bệnh là bệnh nhân thường quên thuận chiều và ngược chiều, bịa chuyện, rối loạn định hướng lực, viêm đa dây thần kinh.
Điều trị
- Bệnh não Wernicke: Chỉ định trị liệu với thiamin cho tới khi hết liệt vận nhãn, có thể cần sử dụng thêm magnesium. Với phương pháp trị liệu này, hầu hết các triệu chứng sẽ bị đẩy lùi;
- Hội chứng Korsakoff: Điều trị bằng cách thêm thiamin, có thể sử dụng clonidine và propranolol, bù dịch phù hợp.
Rối loạn tâm thần do rượu có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường đối với bản thân bệnh nhân, gia đình và toàn xã hội. Do vậy, mỗi người cần chú ý hạn chế sử dụng rượu bia. Khi có biểu hiện rối loạn tâm thần do rượu, bệnh nhân và gia đình nên phối hợp với bác sĩ để điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.
Phòng Khám Tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec là địa chỉ khám, điều trị ngoại trú về các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần. Với các trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp cùng các liệu pháp tâm lý chuyên sâu, bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu sẽ được chẩn đoán và điều trị nhằm đạt hiệu quả tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.