Quá trình cai rượu có thể gặp nhiều khó khăn đặc biệt đối với những người không đủ ý chí và nghị lực. Ngoài ra người nghiện rượu có thể gặp phải tình trạng cuồng sảng rượu cấp hay còn được gọi là cơn động kinh do cai rượu với nguy cơ tử vong cao và những rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.
1. Cuồng sảng rượu cấp là gì?
Cuồng sảng rượu cấp hay còn được biết đến với tên gọi cơn động kinh do cai rượu là một cấp cứu tâm thần khẩn cấp vì tình trạng khởi phát nhanh và đột ngột sau khi người bệnh nghiện rượu ngưng uống rượu hoặc cai rượu từ 6-12h. Các triệu chứng của cơn động kinh do cai rượu sẽ trở nên rõ rệt hơn từ 1-2 ngày và kéo dài dai dẳng trong vài ngày. Sảng rượu cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, tỷ lệ tử vong của sảng rượu khá cao lên đến 33% trên tổng số ca bệnh.
Cuồng sảng rượu cấp thường xảy ra với người nghiện rượu nặng hoặc người đang thực hiện cai rượu. Để chẩn đoán chính xác tình trạng sảng rượu cấp, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm của các xét nghiệm sau:
- Kiểm tra nồng độ magie trong máu
- Kiểm tra nồng độ phốt phát trong máu
- Bảng chuyển hóa toàn diện
- Điện tâm đồ
- Điện não đồ
- Xét nghiệm thăm dò độc chất
2. Triệu chứng của cuồng sảng rượu cấp
2.1 Giai đoạn khởi phát
Các triệu chứng của sảng rượu cấp thường xuất hiện sau 1-2 ngày ngừng uống rượu, khi đó bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như mất ngủ, chếnh choáng, chân tay run lẩy bẩy, rối loạn thần kinh thực vật với các biểu hiện như da đỏ, mạch đập nhanh hơn, đánh trống ngực, lo lắng, sợ hãi, ra nhiều mồ hôi. Mặc dù thông thường các cơn động kinh do cai rượu diễn ra sau 1- 2 ngày ngừng rượu, tuy nhiên cũng có các trường hợp người bệnh sau 3-4 ngày mới có các biểu hiện của cuồng sảng rượu cấp. Nếu người bệnh có các triệu chứng giống như các cơn động kinh trong thời gian cai rượu thì phải đề phòng đây có thể là chứng cuồng sảng rượu. Người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2.2 Giai đoạn toàn phát
Đây là giai đoạn các biểu hiện của cuồng sảng rượu cấp đầy đủ và phong phú nhất. Giai đoạn này thường xảy ra sau 3-4 ngày ngừng uống rượu. Ba triệu chứng chủ đạo của giai đoạn toàn phát này bao gồm:
Mất ngủ hoàn toàn: Người bệnh hoàn toàn không ngủ được, họ bị mất ngủ trầm trọng và có thể không ngủ trong vòng 24 giờ.
Rối loạn ý thức: Người bệnh gặp các vấn đề về nhận thức nghiêm trọng, không phân biệt được thời gian và không gian, đôi khi không nhận ra chính bản thân mình
Hoang tưởng và ảo giác: Người bệnh gặp các ảo giác về âm thanh và thị giác, các hoang tưởng và ảo giác sẽ chi phối một phần hoặc hoàn toàn các hành động của người bệnh. Người bị sảng rượu cấp khi không khống chế được hành động của mình dễ gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc cho chính bản thân cũng như mọi người xung quanh vì vậy cần được điều trị sớm để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, các triệu chứng của các cơn động kinh do cai rượu thường xảy ra vào khoảng thời gian chiều tối và có xu hướng giảm đi vào buổi sáng. Bệnh nhân cũng có thể có các cơn co giật đi kèm với triệu chứng co cứng và có thể không đi kèm với các triệu chứng kể trên.
3. Làm thế nào để điều trị các cơn động kinh do cai rượu?
Bệnh nhân bị cuồng sảng rượu cấp trong quá trình cai rượu nên đến bệnh viện để điều trị để phòng ngừa các biến chứng có thể dẫn đến tử vong. Người bệnh cuồng sảng rượu sẽ được điều trị tại phòng cấp cứu của khoa tâm thần với đầy đủ các thiết bị hỗ trợ trong quá trình điều trị. Người bệnh sau khi được cố định tại giường sẽ được bác sĩ cho ngửi bông có tẩm cồn hoặc cho uống rượu vang với khoảng 50ml rượu 10 độ, mỗi ngày 3 lần để giúp bệnh nhân giảm nhẹ các triệu chứng của cuồng sảng rượu cấp. Bệnh nhân sẽ được hút đờm dãi và hỗ trợ thở oxy nếu cần thiết.
Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và chỉ định thực hiện các xét nghiệm huyết học, chức năng gan và thận, nhất là các xét nghiệm đường máu.
Ngoài ra bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp detox cơ thể, bác sĩ sẽ sử dụng nước kèm theo các vitamin, điện giải và thuốc giảm đau để truyền vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch để kiểm soát kích thích và ngăn ngừa động kinh. Một số loại thuốc cũng được sử dụng để điều trị chứng cuồng sảng cấp bao gồm Diazepam, Vitamin B1, Ringer lactat, Piracetam...
Sau khi thuyên giảm các triệu chứng của cuồng sảng rượu cấp, người bệnh sẽ được về nhà nếu tình trạng ổn định, tuy nhiên để phòng ngừa bệnh tái phát, người bệnh phải điều trị tại nhà lâu dài bằng cách cai rượu hoàn toàn, có lối sống lành mạnh, thay đổi các thói quen đặc biệt là thói quen uống rượu với bạn bè.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.