Rối loạn hệ miễn dịch là gì và những điều cần biết

Rối loạn hệ miễn dịch là một tình trạng mà hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh không thể hoạt động như bình thường. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra vì thế bệnh nhân cần tìm hiểu rõ để có hướng điều trị đúng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Hệ thống miễn dịch là gì?

Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới phức tạp, bao gồm các tế bào, mô và cơ quan. Các cơ quan và tế bào này hoạt động cùng nhau, đối phó với một số vấn đề xảy ra trong cơ thể người bệnh, ví dụ như nhiễm trùng.

Hệ miễn dịch là một cơ chế phòng vệ của cơ thể có tác dụng chống lại những tác nhân gây hại cho người bệnh.
Hệ miễn dịch là một cơ chế phòng vệ của cơ thể có tác dụng chống lại những tác nhân gây hại cho người bệnh.

Hệ miễn dịch được cấu thành từ nhiều phần khác nhau, bao gồm:

  • Da: Da có chức năng ngăn chặn một số vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Màng nhầy: Là một lớp ẩm bên trong một số cơ quan, tạo ra chất nhầy và các chất khác, có vai trò chống lại vi khuẩn.
  • Tế bào bạch cầu: Tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.
  • Các cơ quan và mô trong hệ bạch huyết như tuyến ức, lá lách, amidan, hạch bạch huyết và tủy xương. Các cơ quan này có chức năng sản xuất, lưu trữ và vận chuyển các tế bào bạch cầu.

2. Hệ miễn dịch hoạt động như thế nào?

Hệ miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể, chống lại các kháng nguyên (gồm những chất mà hệ miễn dịch xem là chất có hại hoặc chất lạ) . Những chất này có thể là vi khuẩn, virus, hóa chất, chất độc hoặc các tế bào bị tổn thương do ung thư hoặc cháy nắng. Rối loạn hệ miễn dịch xảy ra khi hệ miễn dịch không thể làm được điều này.

Hệ miễn dịch sẽ tấn công những tác nhân mà nó cho là có khả năng gây hại như chất độc, tế bào bị tổn thương hoặc các kháng nguyên.
Hệ miễn dịch sẽ tấn công những tác nhân mà nó cho là có khả năng gây hại như chất độc, tế bào bị tổn thương hoặc các kháng nguyên.

Khi hệ miễn dịch nhận ra một kháng nguyên, hệ miễn dịch sẽ tiến hành tấn công kháng nguyên này, đây được gọi là đáp ứng miễn dịch. Một phần của phản ứng này là sản xuất các protein có tác dụng tấn công, làm suy yếu và tiêu diệt các kháng nguyên. Các protein này được gọi là kháng thể. Cơ thể cũng tạo ra các tế bào đặc hiệu để chống lại kháng nguyên.

Sau đó, hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ các kháng nguyên này. Nếu phát hiện kháng nguyên này một lần nữa, hệ miễn dịch sẽ nhận biết và tạo ra các kháng thể phù hợp một cách nhanh chóng, nhờ đó cơ thể sẽ không mắc bệnh vì các tác nhân này nữa. Cơ chế bảo vệ của cơ thể trong việc chống lại một căn bệnh nhất định được gọi là khả năng miễn dịch.

Có ba loại hệ thống miễn dịch khác nhau:

  • Miễn dịch bẩm sinh: Đây là hệ thống bảo vệ của cơ thể kể từ khi sinh ra. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể, bao gồm da và màng nhầy, ngăn chặn các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể. Miễn dịch bẩm sinh cũng bao gồm một số tế bào có khả năng tấn công các chất lạ.
  • Miễn dịch chủ động (miễn dịch thích nghi): Loại miễn dịch này hình thành và phát triển khi bản thân bị nhiễm bệnh hoặc tiêm các loại vắc xin chống lại chất lạ. Miễn dịch chủ động thường kéo dài suốt cuộc đời và cung cấp sự bảo vệ cho cơ thể trước nhiều loại bệnh tật.
  • Miễn dịch thụ động: Loại miễn dịch này xảy ra khi cơ thể nhận được kháng thể chống lại bệnh tật thay vì sản xuất chúng qua hệ thống miễn dịch của mình. Ví dụ, trẻ sơ sinh có thể được truyền kháng thể từ mẹ. Người bệnh cũng có thể nhận được miễn dịch thụ động thông qua các sản phẩm máu chứa kháng thể trong quá trình truyền máu. Loại miễn dịch này cung cấp sự bảo vệ ngay lập tức, nhưng chỉ kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.

3. Rối loạn hệ miễn dịch là gì?

Vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể sẽ phát triển và tấn công cơ thể, gây ra nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng này có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác. Hệ thống miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể khỏi bệnh bằng cách chống lại và tiêu diệt vi khuẩn và virus.

Rối loạn hệ miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của người bệnh không hoạt động đúng cách, bao gồm một số trường hợp sau:

  • Sinh ra với hệ thống miễn dịch yếu: Tình trạng này được gọi là suy giảm miễn dịch nguyên phát.
  • Người bệnh mắc phải một căn bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tình trạng này còn được gọi là suy giảm miễn dịch mắc phải.
  • Hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến cơ thể xuất hiện các phản ứng dị ứng.
  • Hệ thống miễn dịch chống lại chính cơ thể của người bệnh, hay còn gọi là bệnh tự miễn.

Đôi khi, có thể xuất hiện phản ứng miễn dịch mặc dù không có mối đe dọa cụ thể nào. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như dị ứng, hen suyễn và các bệnh tự miễn.

Trong trường hợp bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.

Các vấn đề khác liên quan đến hệ thống miễn dịch xảy ra khi hệ thống này không hoạt động chính xác. Điều này có thể bao gồm các bệnh suy giảm miễn dịch, khiến người bệnh dễ mắc bệnh và nhiễm trùng kéo dài, nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Thông thường, các vấn đề này có thể là do rối loạn di truyền.

Rối loạn hệ miễn dịch đôi lúc sẽ xuất phát từ vấn đề di truyền, do một số gen của người bệnh bị đột biến hoặc thừa hưởng từ cha mẹ.
Rối loạn hệ miễn dịch đôi lúc sẽ xuất phát từ vấn đề di truyền, do một số gen của người bệnh bị đột biến hoặc thừa hưởng từ cha mẹ.

Ngoài ra, có một số bệnh có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Ví dụ, HIV là một loại virus gây hại cho hệ thống miễn dịch bằng cách phá hủy tế bào bạch cầu.

Nếu không được điều trị, HIV có thể phát triển thành AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải), làm suy yếu hệ thống miễn dịch một cách nghiêm trọng. Những người mắc bệnh AIDS có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng mà hầu hết mọi người đều có thể chống chọi được.

Đối với những trường hợp mang một số gen nhất định, hệ thống miễn dịch của họ có thể phản ứng với các chất vô hại trong môi trường (như bụi, phấn hoa, thực phẩm...) và gây ra phản ứng dị ứng.

Một số bệnh do rối loạn hệ miễn dịch gây ra bao gồm:

  • Hen suyễn: Hen suyễn có thể gây ra ho, thở khò khè và khó thở. Các chất gây dị ứng như bụi hoặc phấn hoa có thể kích thích bệnh hen suyễn.
  • Bệnh chàm: Chất gây dị ứng gây phát ban, ngứa. Bệnh này còn được gọi là viêm da dị ứng.
  • Viêm mũi dị ứng: Sổ mũi, hắt hơi, sưng tấy đường mũi do chất gây dị ứng trong nhà và ngoài trời, ví dụ như bụi, vật nuôi, phấn hoa hay nấm mốc.

Rối loạn hệ miễn dịch là một tình trạng cần được quan tâm và chú ý, do tình trạng này có thể dẫn đến các bệnh lý và tình trạng nguy hiểm như hen suyễn, bệnh tự miễn...Chính vì thế, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bị rối loạn hệ miễn dịch, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn sức khỏe kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe