Rối loạn giấc ngủ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Giấc ngủ quan trọng đối với việc củng cố trí nhớ, do đó giấc ngủ bị xáo trộn có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ. Các chuyên gia cũng nghĩ rằng các vấn đề về giấc ngủ có thể góp phần vào diễn tiến bệnh Alzheimer, là một bệnh lý suy giảm trí nhớ sa sút trí tuệ.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Washington mới được công bố cho thấy giấc ngủ sâu bị gián đoạn làm tăng loại protein gây bệnh Alzheimer trong não. Đây có thể là hồi chuông cảnh báo chúng ta cần chú trọng vào chất lượng giấc ngủ.

Các phát hiện được công bố hôm thứ Hai trên tạp chí nghiên cứu Brain, cho thấy rằng ngay cả khi giấc ngủ bị gián đoạn ngắn ngủi cũng làm mức beta amyloid tăng hơn, đây là một loại protein hình thành các mảng bám được cho là gây bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng sự gián đoạn giấc ngủ kéo dài lâu hơn cũng có thể dẫn đến nồng độ cao hơn của một loại protein khác được gọi là Tau, tạo thành các đám rối có thể làm tổn thương tế bào não.

Các tế bào não giải phóng ít protein amyloid hơn trong khi ngủ ngon và ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa giấc ngủ kém và bệnh Alzheimer. Nhưng các bác sĩ và nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu mối liên hệ đó và nghiên cứu mới đánh dấu lần đầu tiên các nhà nghiên cứu liên kết các vấn đề trong một giai đoạn cụ thể của giấc ngủ với nhiều protein amyloid hơn.

Bác sĩ Yo-El Ju, Nhà thần kinh học và bác sĩ Y học Giấc ngủ tại Đại học Washington cho biết: “Chắc chắn, những người có giấc ngủ kém hoặc rối loạn giấc ngủ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Nhưng cũng có thể, những thay đổi não của bệnh Alzheimer dường như khiến giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn”.


Giấc ngủ sâu bị gián đoạn làm tăng loại protein gây bệnh Alzheimer trong não
Giấc ngủ sâu bị gián đoạn làm tăng loại protein gây bệnh Alzheimer trong não

1. Càng rối loạn, Protein Amyloid càng nhiều

Bác sĩ Ju và các đồng nghiệp của cô đã tìm cách xác định xem rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer lâu dài cao hơn như thế nào và xác định phần nào của giấc ngủ có liên quan nhiều nhất đến mức độ beta amyloid thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu đã viết một chương trình máy tính được thiết kế để phá vỡ giấc ngủ sóng chậm - một giấc ngủ sâu, không mơ, sảng khoái - trong một nhóm 17 tình nguyện viên, sau đó đo mức độ beta amyloid của họ. Họ cho bệnh nhân đeo tai nghe khi họ ngủ trong một môi trường được kiểm soát. Một máy tính theo dõi sóng não của những người đang ngủ. Khi họ chìm vào giấc ngủ sóng chậm, đối với 1 nửa số người tham gia, máy tính phát ra tiếng bíp ngày càng lớn hơn cho đến khi giai đoạn thư giãn đó bị ngắt ngang.

“Mục tiêu của chúng tôi không phải là đánh thức họ,” Bác sĩ Ju nói. “Chúng tôi muốn họ tiếp tục ngủ, chỉ trong những giai đoạn nhẹ của giấc ngủ.”

Các nhà nghiên cứu lặp lại thí nghiệm khoảng một tháng sau đó nhưng chuyển nhóm. Sau mỗi đêm, các bác sĩ thu thập các mẫu dịch não tủy bao quanh não của những người tham gia, có độ tuổi dao động từ 35 đến 65. Các thử nghiệm trên những mẫu đó cho thấy 9 người tham gia có nồng độ beta amyloid cao hơn sau khi giấc ngủ bị gián đoạn, và mức tăng cao hơn ở những người có giấc ngủ bị xáo trộn nhiều hơn.

Bác sĩ Ju nói: “Khi chúng tôi không để các tế bào não của chúng nghỉ ngơi bằng cách cho chúng nghe tất cả những tiếng bíp đó, thì chúng tiếp tục tạo ra nhiều amyloid như khi ngủ nhẹ hoặc tỉnh táo.

Ngoài ra, những người tham gia đã đeo thiết bị trên cổ tay để giúp đo giấc ngủ của họ tại nhà trong những ngày trước khi làm thủ thuật. Theo báo cáo của nghiên cứu, những người có thiết bị chỉ dẫn đến giấc ngủ kém hơn có lượng protein tau cao hơn.

Bác sĩ Ju cho biết: “Đây là những người trong độ tuổi trẻ hoặc trung niên, tiền sử bình thường khỏe mạnh. Họ không bị rối loạn giấc ngủ. Nhưng ngay cả trong quần thể rất khỏe mạnh này, chúng tôi thấy những thay đổi trong giấc ngủ của họ ở nhà ảnh hưởng đến mức tau và amyloid. "


Alzheimer’s là một căn bệnh về não diễn biến nặng lên theo thời gian
Alzheimer’s là một căn bệnh về não diễn biến nặng lên theo thời gian

2. Kết quả bất ngờ

Alzheimer’s là một căn bệnh về não diễn biến nặng lên theo thời gian. Nó cướp đi trí nhớ và khả năng tinh thần của con người. Mặc dù beta amyloid và tau có liên quan đến căn bệnh này, nhưng không phải ai có những protein này trong não đều mắc bệnh Alzheimer.

Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, hơn 5 triệu người hiện đang chiến đấu với căn bệnh này, và nó đã trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ sáu. Chi phí chăm sóc bệnh nhân Alzheimer dự kiến ​​sẽ lên tới 250 tỷ đô la trong năm nay.

Tiến sĩ Adam Spira, nhà tâm lý học lâm sàng nghiên cứu về giấc ngủ, lão hóa và bệnh Alzheimer tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, cho biết các nghiên cứu trước đây trên động vật đã chỉ ra mối liên hệ giữa giấc ngủ sóng chậm và nồng độ amyloid cao hơn.

Nghiên cứu mới cho thấy kết quả tương tự ở người, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra cơ chế đằng sau những kết quả đó.

Nghiên cứu mới bao gồm “một số phát hiện ấn tượng”, Tiến sĩ Miranda Lim, người nghiên cứu về giấc ngủ và rối loạn thần kinh tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon cho biết. (Tiến sĩ Lim không tham gia nghiên cứu của bác sĩ Yu): “Hầu hết các nghiên cứu chỉ xem xét mối liên quan giữa bệnh Alzheimer và giấc ngủ, nhưng thí nghiệm của bác sĩ Ju và các đồng nghiệp của cô đã kiểm tra xem một giai đoạn cụ thể của giấc ngủ ảnh hưởng như thế nào đến mức amyloid.

Nghiên cứu giấc ngủ đi đầu trong việc hiểu biết của chúng ta về bệnh lý, sự tiến triển và các phương pháp điều trị tiềm năng của bệnh Alzheimer. “Vì giấc ngủ là một quá trình sinh học cơ bản thay đổi theo tuổi đời của mỗi người, việc hiểu cách giấc ngủ điều chỉnh sự tích tụ độc hại của các protein liên quan đến các bệnh thần kinh sẽ là công cụ để thực hiện các liệu pháp trong tương lai, cho cả các liệu pháp trực tiếp liên quan đến giấc ngủ cũng như tăng cường các mục tiêu điều trị nội khoa khác. ”

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe