Ăn rau gì tốt cho bà bầu?

Phụ nữ mang thai cần đảm bảo một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và nguồn năng lượng cần thiết để thai nhi có thể phát triển và tăng trưởng khỏe mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh nên bao gồm nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các chất béo lành mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nên lựa chọn những loại rau hay trái cây cụ thể nào để mang lại lợi ích cho thai kỳ.

1. Chế độ ăn uống khi mang thai

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, phụ nữ đang mang thai cần áp dụng theo một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng. Điều này liên quan đến sự cân bằng hợp lý giữa các nhóm chất dinh dưỡng, bao gồm carbohydrate, protein và chất béo, đồng thời thường xuyên tiêu thụ các loại thực vật tốt cho sức khỏe như rau và củ quả.

Đối với phụ nữ mang thai, trước khi thực hiện bất kỳ một kế hoạch ăn kiêng nào cũng nên trao đổi với bác sĩ để nhận được sự tư vấn chính xác và an toàn. Sở dĩ, bước vào giai đoạn thai kỳ, lượng calo trong cơ thể của người mẹ sẽ có xu hướng tăng cao. Hầu hết, mức tiêu thụ calo của họ sẽ chỉ tăng khoảng vài trăm calo mỗi ngày.


Cần phải bổ sung sắt nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu oxy đầy đủ cho cả mẹ và thai nhi.
Cần phải bổ sung sắt nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu oxy đầy đủ cho cả mẹ và thai nhi.

Ngoài ra, mức cân nặng của phụ nữ mang thai cũng thay đổi đáng kể so với cân nặng trước đây. Những phụ nữ mang thai nhẹ cân sẽ được khuyến khích cố gắng tăng thêm cân, trong khi những phụ nữ thừa cân sẽ cần hạn chế sự tăng cân của mình.

Mặt khác, cơ thể phụ nữ cũng có xu hướng hấp thụ nhiều chất sắt hiệu quả hơn trước và lượng máu cũng tăng lên khi mang thai. Vì vậy, họ sẽ cần phải bổ sung sắt nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu oxy đầy đủ cho cả mẹ và thai nhi.

Trắc nghiệm: Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ bầu như thế nào?

3 tháng đầu được coi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Để phát triển toàn diện, thai nhi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất cần thiết. Làm bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Hồng Liên , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Lê Hồng Liên
Lê Hồng Liên
Bác sĩ chuyên khoa I,
Sản phụ khoa
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

2. Quy tắc về chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu

Như đã đề cập ở trên, mẹ bầu nên áp dụng theo một chế độ dinh dưỡng vừa đa dạng vừa cân bằng và bổ dưỡng. Điều này thường bao gồm:

  • Trái cây và rau quả: Mẹ bầu nên ăn khoảng năm phần trái cây và rau quả mỗi ngày. Bạn có thể sử dụng chúng một cách linh hoạt dưới nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như dạng lỏng, trái cây khô, đông lạnh, tươi hoặc được đóng hộp. Đặc biệt, những loại trái cây và rau còn tươi hoặc được đông lạnh ngay sau khi hái thường cung cấp một lượng lớn các loại vitamin và những chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng, mẹ bầu nên ăn trái cây tươi sẽ tốt hơn so với việc uống nước ép, vì nước trái cây thường có lượng đường tự nhiên rất cao.
  • Thực phẩm giàu carbohydrate tinh bột: Bao gồm gạo, mì ống, khoai tây hoặc bánh mì. Các loại thực phẩm này cung cấp rất nhiều năng lượng, vô cùng cần thiết đối với một chế độ ăn uống bổ dưỡng cho bà bầu.
  • Chất đạm: Phụ nữ mang thai có thể cung cấp chất đạm cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như thịt nạc, cá, thịt gà và trứng. Ngoài ra, một số loại thực phẩm khác cũng rất giàu protein, bao gồm hạt diêm mạch, đậu, đậu phụ, các sản phẩm từ đậu nành, đậu lăng, hạt và quả hạch.
  • Chất béo: Phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ quá nhiều chất béo trong chế độ ăn uống hàng ngày của mình vì nó có thể khiến cho thai nhi có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường trong tương lai. Phụ nữ mang thai nên lựa chọn các loại chất béo lành mạnh như chất béo không bão hòa đơn hoặc omega-3 để tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé trong thai kỳ. Những loại thực phẩm có hàm lượng chất béo không bão hòa đơn cao, chẳng hạn như dầu lạc, dầu ô liu, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải, hạt hoặc quả bơ.
  • Chất xơ: Có nhiều trong các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau và trái cây. Việc bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp phụ nữ mang thai giảm thiểu được nguy cơ mắc táo bón và bệnh trĩ.
  • Canxi: Đây cũng là một chất dinh dưỡng không thể thiếu đối với mẹ bầu. Bạn có thể bổ sung canxi thông qua những loại thực phẩm như sữa chua, sữa, sữa đậu nành thêm canxi, pho mát, đậu phụ, cải thảo, cải ngọt, bông cải xanh, đậu, hạt đậu nành hoặc cải xoăn.

  • Kẽm: Là một nguyên tố vi lượng quan trọng, giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển bình thường, đồng thời bảo vệ các tế bào và tham gia một số chức năng sinh học khác như tổng hợp protein và chuyển hóa axit nucleic. Do đó, đây là một loại khoáng chất vô cùng thiết yếu đối với sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Phụ nữ mang thai nên bổ sung kẽm cho cơ thể qua các loại thực phẩm sau: Gà tây, thịt gà, tôm, hàu, cua, giăm bông, cá, thịt, các sản phẩm từ sữa, bơ đậu phộng, đậu, các loại hạt, gừng, hành, mầm lúa mì, cám, ngũ cốc, mì ống, trứng, đậu lăng, đậu phụ và hạt hướng dương.

Phụ nữ mang thai nên bổ sung kẽm cho cơ thể qua các loại thực phẩm
Phụ nữ mang thai nên bổ sung kẽm cho cơ thể qua các loại thực phẩm

3. Nên ăn những loại rau nào khi mang thai?

Trong thời kỳ mang thai, một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh chính là yếu tố quyết định đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tốt nhất mẹ bầu nên lựa chọn đúng loại thực phẩm, ăn đúng số lượng và đúng thời điểm. Bất kỳ sự lựa chọn không lành mạnh nào cũng có thể ảnh hưởng xấu và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho bạn và thai nhi.

Một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau sẽ giúp bạn ngăn ngừa hiệu quả được những biến chứng của việc thiếu hụt dinh dưỡng và bệnh tiểu đường thai kỳ, vì chúng có chứa rất nhiều loại vitamin cần thiết như vitamin C, beta carotene, axit folic và chất xơ. Hơn nữa, tiêu thụ nhiều rau cũng giúp bé phát triển cân nặng một cách khỏe mạnh sau khi sinh, đồng thời làm giảm nguy cơ thiếu máu, giúp mẹ kiểm soát tốt được cân nặng và mức huyết áp của mình.

Dưới đây là một số loại rau mà mẹ bầu nên ăn thường xuyên hơn trong chế độ ăn uống hàng ngày của mình:

  • Khoai lang: Giúp cung cấp các loại vitamin A, B và C vô cùng dồi dào
  • Ớt chuông: Chứa nhiều chất xơ và vitamin
  • Củ dền: Cung cấp một lượng lớn vitamin và chất xơ, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
  • Đậu xanh: Rất giàu vitamin C và K, cũng như chất xơ
  • Bông cải xanh : Cung cấp một lượng lớn vitamin C, K và folate. Nó cũng rất hữu ích trong việc làm giảm tình trạng táo bón.
  • Rau lá xanh đậm: Có nhiều chất xơ, folate và carotenoid
  • Ngò tây: Cung cấp nhiều vitamin E, protein và riboflavin
  • Cà chua: Giàu vitamin C, K và biotin.

4.Phụ nữ mang thai nên ăn bao nhiêu rau?

Phụ nữ mang thai sẽ thường xuyên cảm thấy đói hơn bình thường, vì lúc này thai nhi đang cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh và nhanh chóng. Tốt nhất, các mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn ra thành nhiều phần để hạn chế cảm giác đói. Ngoài ra, việc ăn thường xuyên các bữa ăn nhỏ cũng giúp làm giảm thiểu các vấn đề về tiêu hóa, đây là một triệu chứng rất phổ biến trong thai kỳ. Bạn nên tránh tiêu thụ các loại rau đã được đóng hộp sẵn, thay vào đó lựa chọn những loại rau đang trong mùa.

Mỗi ngày, bạn nên ăn từ 2,5 – 3 cốc (khoảng 500 gram) rau dưới dạng ăn sống hoặc nấu chín. Thực tế, rau là một nguồn cung cấp năng lượng vô cùng dồi dào, nó cũng chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nhiều người sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin, tuy nhiên nó không thể thay thế được rau quả vì thuốc bổ sung không thể đáp ứng được nhu cầu chất xơ cho cơ thể bạn. Ngoài việc ăn uống lành mạnh, phụ nữ mang thai cũng nên thường xuyên tập thể dục và chú ý giờ giấc nghỉ ngơi của mình.


Phụ nữ mang thai cần bổ xung nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất có trong rau quả
Phụ nữ mang thai cần bổ xung nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất có trong rau quả

5.Những loại trái cây tốt nhất mà bạn nên ăn khi mang thai

Việc ăn trái cây thường xuyên là một biện pháp tốt nhất giúp các mẹ bầu tăng cường hấp thụ vitamin vào cơ thể và hạn chế cảm giác thèm ăn đường. Dưới đây là một số loại trái cây mà bạn nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của mình:

  • Quả mơ: Chứa nhiều vitamin A, C, E, cùng các loại khoáng chất quan trọng như sắt, canxi, kali, phốt pho, beta caroten và silicon. Tất cả các chất dinh dưỡng này đều rất hữu ích đối với sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Ngoài ra, sắt là một loại khoáng chất giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, trong khi canxi giúp răng và xương trở nên chắc khỏe hơn.
  • Cam: Đây là một nguồn cung cấp tuyệt vời vitamin C, nước và folate. Nó giúp cho cơ thể mẹ bầu luôn có đầy đủ nước và khỏe mạnh. Ngoài ra, lượng vitamin C dồi dào trong cam cũng giúp ngăn ngừa những tổn thương tế bào và hỗ trợ quá trình hấp thụ sắt của cơ thể. Trong khi đó, folate là khoáng chất giúp ngăn ngừa tình trạng dị tật ống thần kinh, có thể dẫn đến các bất thường về tủy sống và não của trẻ.
  • Xoài: Rất giàu vitamin A và C. Trong một cốc xoài có thể cung cấp khoảng 100% lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày (RDA) và hơn 1/3 RDA vitamin A đối với một người. Trẻ khi sinh ra bị thiếu hụt vitamin A thường có hệ miễn dịch yếu và dễ gặp phải các biến chứng sau sinh như nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Quả lê: Cung cấp nhiều chất xơ, folate và kali. Việc bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống khi mang thai sẽ giúp bạn làm giảm tình trạng táo bón. Đồng thời, kali giúp kích thích tái tạo tế bào và tăng cường sức khỏe hệ tim mạch cho cả mẹ và bé.
  • Quả lựu: Cung cấp cho phụ nữ mang thai nhiều canxi, vitamin K, sắt, folate, chất đạm và chất xơ. Đây thực sự là một nguồn năng lượng tốt, giúp duy trì xương chắc khỏe do chứa một lượng lớn vitamin K. Ngoài ra, việc uống nước ép lựu cũng giúp làm giảm nguy cơ tổn thương nhau thai.
  • Chuối: Chứa một lượng lớn vitamin C, vitamin B6, chất xơ và kali. Một số nghiên cứu đã cho thấy, vitamin B6 có trong chuối giúp làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn mửa trong thời kỳ đầu mang thai.
  • Táo: Chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp thai nhi phát triển, bao gồm vitamin A, C, chất xơ và kali. Việc ăn táo khi mang thai sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng ở thai nhi.

6. Phụ nữ mang thai nên ăn bao nhiêu trái cây?

Phụ nữ mang thai nên ăn ít nhất năm phần trái cây tươi và rau quả mỗi ngày. Theo nguyên tắc chung, một khẩu phần trái cây thường bao gồm:

  • Một cốc trái cây cắt nhỏ
  • Một miếng trái cây (nếu trái cây có kích thước lớn hơn một quả bóng tennis).

Việc thường xuyên ăn nhiều trái cây và rau quả trong thời gian thai kỳ sẽ cung cấp cho bà bầu đầy đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ thai nhi phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, nó cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh và bồi bổ cho cơ thể người phụ nữ.


Phụ nữ mang thai nên ăn ít nhất năm phần trái cây tươi và rau quả mỗi ngày
Phụ nữ mang thai nên ăn ít nhất năm phần trái cây tươi và rau quả mỗi ngày

7.Các loại thực phẩm cần tránh trong thai kỳ

Tốt nhất, phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng những loại thực phẩm dưới đây:

  • Các loại cá chứa nhiều thủy ngân: Bao gồm cá kiếm, cá mập và cá cờ xanh.
  • Thịt tái hoặc chưa được nấu chín: Một số loại động vật có vỏ chưa được nấu chín có nguy cơ nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn rất cao, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Khi tiêu thụ những loại thực phẩm này, bạn có thể vô tình khiến cho các loại vi khuẩn có hại xâm nhập thông qua nhau thai và gây hại cho thai nhi.
  • Trứng sống: Bạn nên tránh ăn trứng sống vì nó có thể nhiễm khuẩn salmonella.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Có thể gây ra bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (bệnh listeriosis).
  • Pate: Bất kỳ loại pate nào từ thịt hoặc rau cũng có thể bị nhiễm khuẩn listeria, gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
  • Thực phẩm chứa calo rỗng: Như khoai tây chiên, bánh ngọt, bánh quy và kẹo. Bạn nên hạn chế ăn chúng vì những loại thực phẩm này thường chứa lượng đường và chất béo cao.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vui lòng liên hệ Website để được phục vụ tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, parenting.firstcry.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe