Nên ăn gì để diệt vi khuẩn HP trong dạ dày?

Ăn gì để diệt vi khuẩn HP hiệu quả là vấn đề được nhiều người quan tâm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số loại thực phẩm có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng kháng khuẩn mạnh, giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP dạ dày. Hãy cùng xem qua bài viết dưới đây để biết bệnh nhân nên ăn gì bị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Đôi nét về mức độ nguy hiểm của vi khuẩn HP dạ dày

Trước khi tìm hiểu ăn gì để diệt vi khuẩn HP, đầu tiên cần hiểu rõ mức độ nguy hiểm của vi khuẩn HP dạ dày. Vi khuẩn Helicobacter Pylori, được phát hiện lần đầu vào năm 1982, là loại vi khuẩn chủ yếu tồn tại trong môi trường dạ dày.  

Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý mạn tính tại dạ dày, bao gồm loét dạ dày và ung thư dạ dày. Nếu không được can thiệp điều trị sớm, sức khỏe người bệnh có thể bị đe dọa nghiêm trọng bởi những biến chứng phức tạp do vi khuẩn này gây ra.

Vi khuẩn HP có khả năng lây truyền qua nhiều con đường khác nhau. Ngoài việc lây lan trực tiếp từ người sang người qua nước bọt khi ăn uống chung và sinh hoạt trong cùng môi trường, vi khuẩn này còn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa khi tiêu thụ thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.

Mặc dù tỷ lệ người Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP lên tới hơn 80%, phần lớn lại không hề có triệu chứng rõ rệt. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân chỉ phát hiện bản thân bị nhiễm vi khuẩn HP dạ dày khi các bệnh loét dạ dày, loét tá tràng... đã có triệu chứng rõ ràng.

2. Những triệu chứng thường gặp khi nhiễm vi khuẩn hp dạ dày

Sau khi nhiễm khuẩn HP, vi khuẩn này sẽ tấn công niêm mạc dạ dày và gây ra các tổn thương nghiêm trọng như viêm loét, chảy máu và nhiễm trùng. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi có sự hiện diện của vi khuẩn HP trong cơ thể:

  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Chán ăn, không cảm thấy ngon miệng.
  • Thường xuyên ợ hơi.
  • Cảm giác phình bụng, bụng to và khó chịu.
  • Phân có màu đen, thường là dấu hiệu của chảy máu tiêu hóa.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Cảm giác đau hoặc nóng rát ở bụng, đặc biệt là khi bụng trống.

Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở, nôn ra máu, mệt mỏi bất thường, đau bụng kéo dài hoặc dữ dội, phân có máu hoặc phân màu đen như bã cà phê, da và niêm mạc nhợt nhạt, mọi người cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay lập tức. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của các biến chứng nghiêm trọng cần được can thiệp y tế kịp thời. Vậy, người bệnh cần ăn gì để diệt vi khuẩn HP dạ dày?

3. Nên ăn gì để diệt vi khuẩn HP?

Chế độ ăn và thực phẩm tiêu thụ có thể ảnh hưởng đến tình trạng tiêu hoá và hệ vi sinh đường ruột. Các nghiên cứu cho biết, trong một số loại thực phẩm chứa nhiều hoạt chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn HP, hỗ trợ quá trình điều trị các bệnh ở đường tiêu hoá đạt được hiệu quả. Vậy người bệnh cần ăn gì để diệt vi khuẩn HP dạ dày?  

3.1 Rau củ và trái cây

Nhóm thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, hỗ trợ làm lành các tổn thương, bảo vệ niêm mạc dạ dày và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Bên cạnh đó, rau củ quả còn góp phần cải thiện đáng kể hoạt động của hệ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Do đó, người bị nhiễm khuẩn HP nên ăn nhiều rau củ và các loại trái cây không chứa nhiều axit như táo, dâu tây, anh đào, việt quất, quả mâm xôi,...  

Các loại quả mọng có chứa nhiều chất chống oxy hóa như resveratrol, acid ellagic,.... Các chất này có tác dụng kiểm soát tốt các gốc tự do, làm giảm sự hoạt động và sinh sôi của vi khuẩn HP, có tác dụng tích cực trong hoạt động chống viêm.

Ngoài ra, người nhiễm vi khuẩn HP nên tăng cường ăn các loại rau như bông cải xanh, bông cải trắng và bắp cải, vì chúng chứa isothiocyanates, một chất có khả năng chống lại vi khuẩn HP, giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn này trong đường ruột và phòng ngừa ung thư. Hơn nữa, những loại rau này rất dễ tiêu hóa, có thể giúp giảm đau dạ dày trong quá trình điều trị. Vì vậy, người nhiễm khuẩn HP được khuyến khích ăn ít nhất 70g bông cải xanh mỗi ngày. 

Ăn gì để diệt vi khuẩn HP là thắc mắc chung của nhiều người đặc biệt là với những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP dạ dày.
Ăn gì để diệt vi khuẩn HP là thắc mắc chung của nhiều người đặc biệt là với những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP dạ dày.

3.2 Thực phẩm bổ sung lợi khuẩn probiotics

Đường ruột của người có một hệ vi sinh vật phong phú, trong đó lợi khuẩn chiếm tới hơn 85%. Các lợi khuẩn này có khả năng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại, bao gồm cả vi khuẩn HP dạ dày. Các lợi khuẩn này sản xuất ra axit lactic, hydrogen peroxide và các hợp chất kháng khuẩn khác, làm giảm số lượng vi khuẩn có hại. Chính vì thế, nhóm thực phẩm bổ sung lợi khuẩn là đáp án không thể bỏ qua khi thắc mắc ăn gì để diệt vi khuẩn HP dạ dày.

Để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, người bệnh có thể tăng cường lợi khuẩn bằng cách sử dụng các sản phẩm men vi sinh hoặc bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn và tốt cho hệ tiêu hóa như: sữa chua, miso, kim chi, dưa cải muối, kombucha, một số loại pho mát,... Việc kết hợp những thực phẩm này không chỉ hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn HP mà còn giúp giảm các triệu chứng khó chịu như chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy,...

Nhiều người lo ngại rằng thực phẩm lên men như dưa muối và kim chi có thể không phù hợp với những người mắc bệnh dạ dày, vì chúng có thể làm tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm này có thể hỗ trợ tích cực trong việc điều trị nhiễm khuẩn HP và ngăn ngừa tái nhiễm sau khi đã điều trị.  

Đối với những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP đang sử dụng kháng sinh, việc bổ sung men vi sinh hằng ngày có thể được xem xét để nâng cao hiệu quả điều trị và giảm các tác dụng phụ của kháng sinh. Dù vậy, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn đúng loại thực phẩm và men vi sinh phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

3.3 Trà xanh và mật ong

Thêm vào đó, trà xanh và mật ong là hai loại thức uống giàu chất chống oxy hóa và có tính kháng khuẩn cao. Trong trà xanh có chứa polyphenol, giúp chống lại stress oxy hóa và hỗ trợ tiêu diệt các loại vi khuẩn như H. pylori, candida albicans, E. coli, Staphylococcus aureus,....

Một nghiên cứu thực hiện vào tháng 5/2015 cho thấy, những người uống trà xanh và mật ong 1 lần mỗi ngày trong một tuần có tỷ lệ dương tính với vi khuẩn HP dạ dày thấp hơn so với nhóm không sử dụng.

3.4 Thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đa

Để tăng cường hiệu quả diệt vi khuẩn HP trong dạ dày, người bệnh nên chú trọng bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất béo lành mạnh, đặc biệt là các chất béo không bão hòa đa Omega-3 và Omega-6, chẳng hạn như:

  • Dầu oliu nguyên chất, dầu hạt cải và dầu hướng dương.
  • Các loại cá béo như cá thu, cá hồi và cá ngừ.
  • Các loại hạt dinh dưỡng như hạt chia, óc chó, hạnh nhân và hạt hướng dương.  

Những loại thực phẩm là đáp án không thể thiếu cho câu hỏi ăn gì để diệt vi khuẩn HP, giúp phục hồi lớp niêm mạc dạ dày và giảm nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày - tá tràng. Thêm vào đó, chất béo không bão hòa đa không chỉ có lợi cho sức khỏe tim mạch mà còn chống viêm và giảm các triệu chứng khó chịu liên quan đến bệnh viêm khớp.

4. Người bị vi khuẩn HP không nên ăn gì?

Ngoài việc hiểu rõ ăn gì để diệt vi khuẩn HP dạ dày, người bệnh cũng cần biết những thực phẩm không nên ăn hay tiêu thụ quá nhiều để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn HP và tránh những biến chứng nguy hiểm từ bệnh lý này. Dưới đây là danh sách các thực phẩm nên tránh:

  • Thực phẩm có chứa caffeine: Socola, cà phê và trà đen,... cần được hạn chế vì chúng có thể kích ứng niêm mạc dạ dày, gây cảm giác nóng rát và khó chịu.
  • Trái cây có hàm lượng axit cao: Các loại trái cây như cam, chanh và dứa chứa nhiều axit có thể làm tăng axit dạ dày, từ đó tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
  • Thực phẩm cay nóng: Thực phẩm cay nóng có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, khả năng tiêu hoá bị suy yếu, tăng axit dịch vị và tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn HP phát triển.
  • Thức ăn mặn do muối: Bởi vì thức ăn mặn làm thay đổi tính chất của lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày nên vi khuẩn HP dễ dàng xâm nhập vào lớp niêm mạc trong dạ dày.
  • Đồ uống có cồn: Rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác có thể làm tổn thương trực tiếp tới dạ dày, khiến các vết loét lan rộng và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
  • Đồ chiên rán nhiều dầu mỡ: Thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán gây ra khó khăn cho quá trình tiêu hóa, khiến dạ dày hoạt động quá mức, dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của niêm mạc dạ dày.
  • Thực phẩm chế biến sẵn và đóng hộp: Những sản phẩm này thường chứa nhiều chất bảo quản và phụ gia hóa học có thể gây kích ứng dạ dày - ruột, làm tình trạng viêm nhiễm nặng thêm.

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin hữu ích giúp người bệnh hiểu rõ hơn về vấn đề cần ăn gì để diệt vi khuẩn HP, cũng như chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát và tiêu diệt vi khuẩn HP dạ dày. Để hạn chế sự phát triển, tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày, người bệnh cần xây dựng và thực hiện một chế độ ăn lành mạnh.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe