Quy trình và các rủi ro có thể gặp khi nội soi phế quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nội soi khí phế quản là kỹ thuật thường áp dụng đối với các trường hợp chẩn đoán các vấn đề về đường thở, các hạch bạch huyết trong ngực, đường thở hoặc để điều trị các vấn đề bệnh lý hô hấp, bệnh lý phổi ở người bệnh.

1. Quy trình nội soi phế quản thực hiện thế nào?

Nội soi khí phế quản là phương pháp cho phép bác sĩ kiểm tra đường thở bằng ống nội soi phế quản có kích thước nhỏ. Nội soi khí phế quản giúp kiểm tra các vấn đề đối với cổ họng, khí quản, thanh quản và đường thở thấp hơn. Quy trình nội soi phế quản có cũng được áp dụng để chẩn đoán các bất thường với đường thở, bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý phổi hoặc các hạch bạch huyết trong ngực.

Để nội soi khí phế quản, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mềm có gắn camera ở đầu. Ống soi sẽ được đưa vào đường hô hấp qua mũi hoặc miệng để đi sâu vào khí quản để đưa vào phổi của người bệnh. Nếu đưa ống nội soi qua đường mũi thì sẽ giúp bác sĩ có thể quan sát đường hô hấp rõ hơn. Tuy nhiên, nếu đưa ống nội soi qua miệng thì bác sĩ có thể sử dụng loại ống nội soi to hơn.

Quy trình nội soi phế quản:

Bước 1: Chuẩn bị

Nhiều người cảm thấy lo lắng không biết nội soi khí quản mất bao lâu, có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không? Thực tế, quy trình nội soi phế quản không quá phức tạp nên người bệnh có thể xuất viện ngay trong ngày. Chỉ một số trường hợp đặc biệt người bệnh có thể phải ở lại điều trị qua đêm theo chỉ định của bác sĩ.

Trước khi nội soi khí phế quản, người bệnh cần lưu ý những điểm sau:

  • Bác sĩ chia sẻ chi tiết về quá trình nội soi và yêu cầu người bệnh ký vào giấy chấp nhận thủ thuật.
  • Xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ
  • Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 4 tiếng trước khi tiến hành nội soi khí phế quản, tuy nhiên vẫn có thể uống nước trước 2 tiếng.
  • Người bệnh cần tránh uống aspirin, ibuprofen hay các loại thuốc gây loãng máu trước khi nội soi.
  • Bác sĩ có thể đặt kim luồn vào tĩnh mạch của bệnh nhân để truyền thuốc nếu cần thiết.
  • Sau khi tiến hành nội soi khí phế quản, người bệnh có thể cảm thấy buồn ngủ. Do đó, nếu tiến hành nội soi khí phế quản bạn nên đi cùng người nhà hoặc chuẩn bị sẵn phương tiện cần thiết khi xuất viện.
  • Ngoài ra, nội soi khí phế quản có thể gây mệt mỏi bạn nên sắp xếp thời gian để hồi phục sức khỏe.

Nội soi khí phế quản giúp kiểm tra các vấn đề đối với cổ họng, khí quản, thanh quản
Nội soi khí phế quản giúp kiểm tra các vấn đề đối với cổ họng, khí quản, thanh quản

Bước 2: Tiến hành nội soi khí phế quản

  • Người bệnh nằm tư thế thích hợp, đầu cao hơn người (có thể ở tư thế ngồi) và ngửa cổ ra sau.
  • Bác sĩ sẽ xịt thuốc tê vào miệng và cổ họng của người bệnh để giúp giảm cảm giác khó chịu, buồn nôn. Trường hợp ống nội soi khí phế quản được thực hiện qua đường mũi thì bác sĩ sẽ đặt một miếng thạch gây tê sẽ được đặt vào một lỗ mũi của người bệnh.
  • Bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm qua lỗ mũi hoặc miệng của người bệnh và đi xuống phổi, ống soi phế quản sẽ giúp kiểm tra đường hô hấp của người bệnh. Trong trường hợp muốn chẩn đoán được chính xác hơn, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết khi thấy những tổn thương đáng nghi ngờ, ngoài ra bác sĩ cũng có thể bơm một lượng dịch nhỏ vào trong phổi của người bệnh và sau đó hút lượng dịch này ra để quan sát những tế bào lấy được từ bên trong phổi.

3. Tai biến khi nội soi khí phế quản có thể gặp phải

Tâm lý người bệnh vẫn lo lắng không biết soi phế quản có nguy hiểm không? Trên thực tế, đây là một thủ thuật đơn giản, khá an toàn và ít gây ra biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số tai biến khi nội soi phế quản. Do vậy mà trước khi tiến hành thủ thuật, các bác sĩ có thể trao đổi về những rủi ro và tai biến khi nội soi phế quản như sau:


Nội soi khí phế quản giúp phát hiện ung thư phổi
Nội soi khí phế quản giúp phát hiện ung thư phổi
  • Chảy máu tại vị trí sinh thiết. Thông thường người bệnh chỉ bị chảy một lượng máu nhỏ. Tuy nhiên, nguy cơ xuất huyết có thể trầm trọng hơn khi bác sĩ tiến hành lấy mẫu sinh thiết. Bác sĩ và các kỹ thuật viên sẽ theo dõi lượng máu của bệnh nhân sau khi tiến hành thủ thuật để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Khi thuốc tê hết tác dụng người bệnh có thể gặp nguy cơ ngạt thở nếu nuốt thứ gì kể cả nước
  • Nguy cơ nhiễm trùng
  • Rối loạn nhịp tim
  • Khó thở
  • Sốt
  • Nguy cơ nhồi máu cơ tim đối với những người bị bệnh tim
  • Đau họng, khàn tiếng
  • Dị ứng
  • Oxy trong máu thấp
  • Tràn khí màng phổi hay còn gọi là xẹp phổi

Nếu gặp những triệu chứng bất thường trên người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe