Bài viết được viết bởi BSCKII Nguyễn Trung Thành - Bác sĩ Gây mê Giảm đau, Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Soi phế quản là thủ thuật giúp bác sỹ quan sát được bên trong lòng ống của đường dẫn khí vào phổi, qua đó có thể chẩn đoán bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, hoặc lấy đi dị vật bên trong khí phế quản do người bệnh vô tình hít vào. Trong quá trình soi phế quản, bác sĩ sẽ đưa một ống soi nhỏ vào mũi hay miệng, đi qua họng và vào trong phổi. Điều này có thể gây khó chịu cho người bệnh, các phản xạ tự nhiên như nôn và ho sặc nhiều làm cho thủ thuật thêm khó khăn và nguy hiểm.
1. Làm thế nào để giảm bớt phản xạ khó chịu của người bệnh trong khi soi phế quản?
Để làm giảm các phản xạ và sự khó chịu, người bệnh sẽ được dùng thuốc tê và thuốc an thần. Thuốc tê xịt vào họng có vị đắng nhưng cảm giác này sẽ qua mau và giúp tê vùng hầu họng. Thuốc an thần được tiêm vào tĩnh mạch giúp người bệnh thoải mái, bớt lo lắng. Tùy vào tình trạng của người bệnh hoặc do yêu cầu của thủ thuật, người bệnh có thể được gây ngủ hoàn toàn hoặc chỉ cảm giác buồn ngủ nhưng vẫn thức tỉnh, tự thở và đáp ứng với các yêu cầu của bác sỹ trong khi làm thủ thuật.
Hầu như không có chống chỉ định tuyệt đối của an thần trong soi phế quản. Tuy nhiên, bác sĩ gây mê sẽ cân nhắc chỉ định và sẽ tư vấn rõ ràng cho các đối tượng khó kiểm soát đường thở, người bệnh đang trong tình trạng nặng hoặc có nhiều bệnh lý phức tạp đi kèm.
2. An thần nội soi phế quản có nguy hiểm gì không?
Dù ít khi xảy ra, thuốc mê có thể làm người bệnh thở yếu hoặc ngưng thở tạm thời. An thần và gây tê làm giảm bớt các phản xạ, giúp bác sĩ nội soi dễ dàng thực hiện thủ thuật nhưng có thể làm người bệnh khó khăn khi nuốt và giảm phản xạ bảo vệ đường thở sau khi tỉnh lại.
Trong quá trình thực hiện thủ thuật và thời gian hồi tỉnh sau thủ thuật, người bệnh sẽ được theo dõi liên tục qua hệ thống kiểm báo hiện đại nhiều thông số và ê kíp gây mê hồi sức và hồi tỉnh nhiều kinh nghiệm, có khả năng phát hiện sớm và xử lý các tình huống bất lợi xảy ra trong và sau thủ thuật.
Người bệnh cần tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn do bệnh viện cung cấp trước và sau khi thực hiện an thần thủ thuật để hạn chế thấp nhất các rủi ro nêu trên.
3. Người bệnh cần tuân thủ điều gì trước và sau khi thực hiện an thần nội soi phế quản?
- Trước thủ thuật
Cũng như các trường hợp thực hiện thủ thuật khác có gây mê hoặc an thần, người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn ăn tối thiểu 6-8 giờ và nhịn uống nước tối thiểu 2 giờ trước khi thực hiện an thần để nội soi phế quản. Thời gian nhịn ăn và nhịn uống này là thời gian tối thiểu để hầu hết thức ăn và nước uống trôi qua khỏi dạ dày xuống ruột non, từ đó giảm thiểu rủi ro hít sặc thức ăn từ dạ dày vào phổi.
Ngoài ra, người bệnh cũng được bác sĩ gây mê khám và đánh giá vào cùng ngày hoặc trước ngày thực hiện thủ thuật. Tùy vào thể trạng của người bệnh, bác sĩ gây mê sẽ lựa chọn phương pháp an thần phù hợp nhất hoặc có thể đề nghị thực hiện thêm xét nghiệm cần thiết ngoài các xét nghiệm theo yêu cầu của thủ thuật nội soi phế quản.
Một số loại thuốc người bệnh đang dùng có thể tương tác với thuốc gây mê hoặc có thể ảnh hưởng đến thủ thuật, do đó người bệnh nên cung cấp cho bác sĩ gây mê tất cả các thông tin về bệnh lý đi kèm và các loại thuốc đang dùng để bác sĩ gây mê tư vấn về kế hoạch dùng các thuốc này trước và sau khi thủ thuật.
- Sau thủ thuật
Người bệnh sẽ được theo dõi tại phòng hồi tỉnh ít nhất 1 giờ, cảm giác tê bì vùng hầu họng và khó nuốt có thể kéo dài vài giờ nếu có dùng thuốc tê, trong thời gian này người bệnh không nên ăn hoặc uống vì nguy cơ thức ăn có thể đi vào đường dẫn khí và gây nguy hiểm. Khi phản xạ ho và nuốt trở về bình thường, người bệnh có thể ăn uống trở lại theo thứ tự từ loãng đến đặc.
4. Người bệnh có cần nằm viện sau an thần nội soi phế quản hay không?
Hầu hết người bệnh ngoại trú có thể về nhà trong ngày thực hiện thủ thuật có an thần. Mặc dù tỉnh táo hoàn toàn nhưng để đảm bảo an toàn người bệnh không nên tự lái xe về mà nên có người đi cùng và ở cùng cho đến hết ngày.
XEM THÊM: