Nội soi phế quản là một phương pháp chẩn đoán các bệnh lý hô hấp, giúp bác sĩ quan sát đường hô hấp từ đó đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về phổi.
1. Phế quản là gì, nằm ở đâu?
Phế quản là một ống dẫn khí thuộc hệ hô hấp dưới, nằm nối tiếp ở phía dưới khí quản, ngang mức đốt sống ngực 4, 5. Sau đó ống dẫn khí này phân chỉ thành từng nhánh nhỏ đi sâu vào trong phổi tạo thành cây phế quản.
- Phế quản bắt đầu từ nơi phân chia của khí quản đến rốn phổi.
- Được chia thành phế quản chính phải, phế quản chính trái.
- Phế quản có nhiệm vụ dẫn khí vào phổi.
- Phế quản chính phải và phế quản chính trái tạo với nhau 1 góc 70 độ.
- Phế quản chính phải to, ngắn và dốc hơn phế quản chính trái nên các di vật thường lọt vào phổi phải hơn.
- Sự phân chia cây phế quản là cơ sở để phân chia các thùy phổi.
2. Nội soi phế quản là gì?
Trong khi nội soi trung thất, nội soi lồng ngực phải tiến hành trên phòng mổ với thủ thuật phức tạp, thì nội soi phế quản có thể tiến hành ngay tại phòng nội soi thường, giúp các bác sĩ vừa quan sát trực tiếp tổn thương và các cơ quan lân cận, vừa thực hiện sinh thiết lấy bệnh phẩm đảm bảo nhanh, hiệu quả và an toàn.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp nội soi phế quản và sinh thiết xuyên thành phế quản dưới hướng dẫn của nội soi phế quản để chẩn đoán các hạch rốn phổi, trung thất và các khối u cạnh phế quản. Đây được coi là biện pháp thường quy và đầu tiên trong chẩn đoán những tổn thương ở các vị trí này.
Như vậy, nội soi phế quản là một phương pháp thăm khám sâu phần cuống phổi nhờ vào một ống soi mềm đưa qua mũi và thanh quản. Qua quan sát hình ảnh trên màn hình và thực hiện một số thủ thuật khi nội soi, bác sĩ có thể biết chính xác các bất thường xảy ra trong hệ hô hấp, từ đó đưa ra chẩn đoán và điều trị thích hợp.
3. Nội soi phế quản để làm gì?
Sau đây là những mục đích quan trọng của phương pháp nội soi phế quản.
Nội soi phế quản sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý về phổi:
- Khối u ở phổi, hạch bạch huyết, xẹp phổi hoặc những thay đổi được nhìn thấy trên phim X-quang hoặc qua các khảo sát chẩn đoán hình ảnh khác,
- Nghi ngờ bệnh mô kẽ phổi,
- Ho ra máu,
- Có dị vật trong đường thở,
- Ho kéo dài hơn ba tháng nhưng không biết nguyên nhân,
- Nhiễm trùng phổi và phế quản
- Hít phải khí độc hoặc hóa chất,
- Lấy đi các chất dịch hoặc đờm nhớt đang làm nghẽn đường thở,
- Nong đường thở bị nghẽn hoặc hẹp,
- Dẫn lưu áp xe,
- Điều trị ung thư phổi bằng cách áp dụng một số những kỹ thuật khác nhau,
- Rửa đường thở (điều trị bằng cách rửa).
Ngoài ra, nội soi phế quản còn giúp các bác sĩ có thể kiểm tra các đường dẫn khí trong phổi hoặc lấy mẫu sinh thiết.
4. Nội soi phế quản có đau không?
Nói chung, đây là một phương pháp tương đối an toàn. Những vấn đề thường gặp sau khi nội soi phế quản là:
- Cảm giác đau họng, ho ra ít máu (nếu có sinh thiết) nhưng sẽ tự hết.
- Có trường hợp khó thở nhiều do bị tràn khí màng phổi hay sốt sau khi nội soi nhưng rất hiếm gặp.
Do tính chất an toàn của phương pháp này nên nội soi phế quản có thể thực hiện cả cho các bệnh nhân ngoại trú mà không cần phải nhập viện.
5. Nội soi phế quản bệnh nhân cần chuẩn bị như thế nào?
Nôi soi phế quản sẽ được thực hiện tại khu khám bệnh Ngoại trú và bệnh nhân sẽ được xuất viện luôn trong ngày. Cũng có một số ít trường hợp bệnh nhân có thể phải ở lại qua đêm tại khu điều trị Nội trú.
- Bác sĩ sẽ giải thích quy trình từng bước nội soi và bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy chấp nhận thủ thuật,
- Xét nghiệm máu đôi khi cần phải thực hiện trước khi nội soi,
- Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước khi thực hiện, tuy nhiên có thể uống nước trước đó 2 giờ,
- Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân không uống thuốc aspirin, ibuprofen hoặc những thuốc làm loãng máu khác trước khi nội soi,
- Bệnh nhân sẽ được đặt kim luồn vào tĩnh mạch để có thể truyền thuốc khi cần.
Bệnh nhân nên có người nhà đi cùng hoặc chuẩn bị phương tiện đi lại khi xuất viện vì sau khi nội soi bệnh nhân có thể bị buồn ngủ.
Nhiều người muốn được nghỉ ngơi vào ngày hôm sau, vì thế, bệnh nhân nên sắp xếp công việc, nhờ người trông trẻ hoặc chuẩn bị trước những công việc cần thiết phải làm.
6. Nội soi phế quản được thực hiện ra sao?
Nội soi thường được thực hiện hơn là nội soi gây tê, một số ít trường hợp là nội soi gây mê.
Nội soi được thực hiện ở phòng soi với ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng viên.
- Trước khi soi, bệnh nhân có thể được kết nối với dây oxy để thở; được theo dõi liên tục mạch, huyết áp và tình trạng hô hấp qua bộ cảm nhận gắn ở đầu ngón tay.
- Ngay trước khi soi, bệnh nhân sẽ được xịt thuốc tê sâu vào trong mũi, miệng để giảm bớt khó chịu khi đưa ống soi vào. Bệnh nhân sẽ có cảm giác cay, nồng, đắng trong vài giây.
- Bệnh nhân soi ở tư thế nằm ngửa. Những lưu ý cần thực hiện khi bệnh nhân soi phế quản: Nằm thẳng người, thư giãn, không gồng người. Hít thở đều với dây hỗ trợ oxy. Thực hiện theo sự hướng dẫn, yêu cầu của bác sĩ, bệnh nhân không cần nói, hay gật đầu, lắc đầu để trả lời.
- Ống soi được luồn qua mũi, họng, dây thanh âm và vào đường thở, đến phổi. Bác sĩ sẽ từng lúc xịt thêm thuốc tê để giảm bớt khó chịu. Lúc đầu, bệnh nhân có cảm giác nghẹn thở rất khó chịu và cảm giác sợ hãi khoảng 10-20 giây đầu. Tuy nhiên, thường thì bác sĩ sẽ chờ cho bệnh nhân quen dần cho đến khi cảm giác này mất đi. Bệnh nhân nên chú ý hít thở qua miệng và tuyệt đối không được nói chuyện khi đang tiến hành soi. Nói chuyện khi đang soi có thể làm bệnh nhân bị khàn tiếng và đau họng sau soi.
- Thông thường bác sĩ sẽ rửa phổi để lấy dịch rửa này làm xét nghiệm. Một số trường hợp, bác sĩ cần phải tiến hành sinh thiết để lấy vài mẫu mô nhỏ để đi thử. Việc sinh thiết không gây đau đớn cho bệnh nhân, nhưng có thể làm chảy máu chút ít.
- Toàn bộ quá trình soi thường kéo dài từ 10 đến 15 phút hoặc sẽ nhanh hơn nếu có được sự hợp tác tốt của bệnh nhân.
- Bác sĩ nội soi sẽ giải thích về các tổn thương hiện có và nhân viên điều dưỡng sẽ hẹn ngày lấy kết quả xét nghiệm và sinh thiết nếu có. Thông thường các kết quả sẽ được thông báo cho bệnh nhân từ 48 đến 72 giờ, tuy nhiên, một vài trường hợp sẽ phải đợi thêm vài ngày để kiểm tra thêm.
- Cần lấy kết quả xét nghiệm và sinh thiết sớm vì điều này rất quan trọng để có chẩn đoán chính xác.
7. Bệnh nhân cần chú ý gì sau khi soi phế quản?
Bệnh nhân có thể nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi xuất viện.
- Tuyệt đối không ăn uống trong 2 giờ sau soi để tránh sặc vì thuốc tê vẫn còn hiệu lực.
- Bệnh nhân có thể gặp một số vấn đề sau khi nội soi phế quản: Cảm giác họng và ngực đau ít, họng bạn có thể hơi khô do thuốc. Bệnh nhân có thể ho ra ít máu nếu có làm sinh thiết. Bệnh nhân nam lớn tuổi có thể tiểu hơi khó nhưng tình trạng này không kéo dài mà sẽ nhanh chóng bình thường
- Sau khi nội soi phế quản bệnh nhân không nên hút thuốc vì hút thuốc sẽ làm tăng kích thích ở đường hô hấp.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thấy đau tức ngực nhiều, khó thở nặng hay ho ra máu nhiều bất thường cần báo ngay cho điều dưỡng để xử trí kịp thời.
Để được tư vấn và đăng ký khám Nội soi phế quản ống mềm gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc.
XEM THÊM: