Nội soi phế quản là một thủ thuật cho phép bác sĩ kiểm tra bên trong hệ thống cây phế quản vào đến tận nhu mô phổi. Với ống mềm, phương tiện này sẽ giúp cho bác sĩ có thể tiếp cận được sâu trong đường dẫn khí có kích thước nhỏ. Quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng và không đau đớn, người bệnh mau phục hồi.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
1. Nội soi phế quản ống mềm là gì?
Nội soi phế quản hay soi phế quản là một thủ thuật để nhìn trực tiếp vào đường dẫn khí trong phổi bằng cách sử dụng một ống mỏng, có gắn nguồn sáng và máy thu hình trong suốt quá trình thực hiện.
Ngã vào của nội soi phế quản được đặt trong mũi hoặc miệng. Ống nội soi sẽ đưa di chuyển xuống cổ họng, qua khí quản, vào phế quản và các cấp phân chia. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát thấy toàn bộ đường dẫn khí như: thanh quản, khí quản, phế quản và các nhánh nhỏ của phế quản là tiểu phế quản.
Có hai loại ống soi phế quản: ống soi cứng và ống soi mềm. Mỗi loại có những ưu điểm riêng và được ứng dụng trong từng bệnh cảnh khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, nội soi phế quản ống mềm được sử dụng thường xuyên hơn. So với ống soi phế quản cứng, ống soi phế quản mềm linh hoạt hơn và có thể di chuyển xuống các đường dẫn khí nhỏ hơn như tiểu phế quản. Nhờ đó, ống soi phế quản mềm có thể được sử dụng đặt một ống thở trong đường thở để giúp cung cấp oxy, hút ra dịch tiết, lấy mẫu mô làm sinh thiết hay bơm thuốc điều trị vào phổi.
2. Những ai nên thực hiện nội soi phế quản ống mềm?
Các chỉ định cho nội soi phế quản ống mềm trong nhóm bệnh lý hô hấp là rất nhiều. Tùy vào từng bệnh cảnh và mục tiêu cần đạt, quá trình thực hiện sẽ diễn ra với các cách thức khác nhau.
3. Chẩn đoán bệnh lý với nội soi phế quản ống mềm
Các triệu chứng và dấu hiệu cấp tính lẫn mạn tính trên đường hô hấp là chỉ định phổ biến nhất cho nội soi phế quản chẩn đoán:
- Ho mãn tính
- Ho ra máu
- Xẹp phổi
- Viêm phổi tắc nghẽn
- Khò khè
Ung thư phổi là một trong những tình trạng phổ biến nhất cần có chỉ định nội soi phế quản. Mục tiêu thực hiện thủ thuật là nhằm:
- Chẩn đoán sớm
- Chẩn đoán ở mức độ mô học
- Xác định giai đoạn
Bệnh nhân bị bỏng và nghi ngờ có vết thương ở đường hô hấp cần được nội soi phế quản để xác định.
4. Điều trị bệnh lý với nội soi phế quản ống mềm
- Lấy dị vật: Nhìn chung, việc lấy dị vật được thực hiện tốt nhất là với nội soi phế quản ống cứng dưới gây mê toàn thân. Tuy nhiên, nội soi phế quản ống mềm sẽ có ưu điểm là linh hoạt hơn và khả năng tiếp cận phế quản tại vị trí sâu hơn, kích thước nhỏ hơn.
- Áp xe phổi: Nội soi để cắt lọc mô tổn thương và dẫn lưu ổ mủ.
- Hẹp khí quản: Đặt ống thông để nong đường thở qua nội soi.
- Xẹp phổi: Bơm bóng áp lực làm phồng túi phế nang.
- Bơm rửa phổi: Nội soi để bơm nước muối sinh lý rửa phổi trong bệnh bụi phổi nghề nghiệp, bệnh tích protein phế nang nguyên phát
- Viêm phổi, bệnh phổi lan tỏa: Nội soi phế quản được thực hiện để lấy dịch tiết trên đường hô hấp, nuôi cấy vi khuẩn chẩn đoán nhiễm trùng.
- Đặt nội khí quản khó: Trước các bệnh nhân khó đặt nội khí quản, có thể sử dụng ống soi phế quản giúp thao tác dễ dàng hơn.
5. Những ai không nên thực hiện nội soi phế quản ống mềm?
Không có bất kỳ một chống chỉ định tuyệt đối nào cho nội soi phế quản ống mềm.
Tuy nhiên, có nhiều tình huống sau đây có thể được xem xét là những chống chỉ định tương đối cho việc nội soi. Theo đó, nếu chỉ định nội soi thật sự là cần thiết, cần phải chú ý các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cho các đối tượng bệnh nhân này.
- Bệnh nhân không hợp tác: Bệnh nhân không hợp tác hoặc loạn thần không phải là đối tượng phù hợp cho việc nội soi phế quản dưới gây tê tại chỗ. Lúc này, nội soi phế quản phải được thực hiện dưới gây mê toàn thân.
- Nhồi máu cơ tim cấp tính: Nhồi máu cơ tim mới khởi phát gần đây, đau thắt ngực không ổn định và rối loạn nhịp nghiêm trọng là những chống chỉ định tương đối cho một cuộc nội soi phế quản.
- Ứ CO2: Ứ CO2 là một điều cần cân nhắc cho chỉ định nội soi phế quản. Tuy nhiên, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ và đặt nội khí quản nếu cần phải nội soi. Một cách khác là đặt nội khí quản cho bệnh nhân và thực hiện nội soi phế quản trong tình huống được kiểm soát trên máy thở.
- Nồng độ O2 thấp: Cần bổ sung oxy đạt nồng độ oxy trên 65mmHg trước khi cần thực hiện nội soi.
- Rối loạn chức năng đông máu: Không có chống chỉ định hoàn toàn cho nội soi phế quản ở bệnh nhân rối loạn đông máu. Tuy nhiên, vì thủ thuật có thể gây ra chảy máu khó cầm, việc thận trọng trong thao tác nội soi trên những đối tượng này là cần thiết. Mặc dù vậy, nội soi sinh thiết là chống chỉ định hoàn toàn.
- Hẹp khí quản: Nếu hẹp quá khít, ống nội soi có thể gây bít tắc đường thở hoàn toàn.
- Hen suyễn: Bệnh hen phế quản có thể gây co thắt thanh quản và co thắt phế quản nghiêm trọng trong khi nội soi phế quản. Đối với các bệnh nhân này, trước khi thực hiện thủ thuật, cần chuẩn bị sẵn sàng steroid và thuốc giãn phế quản để quy trình có thể được tiến hành an toàn.
- Hội chứng tĩnh mạch chủ trên: Đây từng được xem là chống chỉ định cho nội soi phế quản do làm tăng nguy cơ chảy máu nhất là với nội soi phế quản kèm sinh thiết.
Tóm lại, nội soi phế quản nhìn chung là một thủ thuật vừa chẩn đoán, vừa can thiệp trên đường thở tương đối an toàn với ít nguy cơ gặp phải biến chứng. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, cần cân nhắc đúng chỉ định cũng như những ai nên và không nên thực hiện nội soi phế quản ống mềm để đạt được kết quả thủ thuật là tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.