Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn Đoán Hình Ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chụp CT scanner hệ tiết niệu là một trong những phương pháp tốt nhất để bác sĩ có thể đánh giá được toàn hệ tiết niệu, từ đó có thể chẩn đoán và đưa ra các phác đồ điều trị sớm với các bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu. Tuy nhiên, bệnh nhân cần biết một số lưu ý khi sử dụng phương pháp này.
1. Ý nghĩa khi chụp CT Scanner hệ tiết niệu
Chụp CT scanner hệ tiết niệu (chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu) là một xét nghiệm hình ảnh được sử dụng để đánh giá đường tiết niệu bao gồm thận, bàng quang và các ống (niệu quản) mang nước tiểu từ thận đến bàng quang.
Chụp CT scanner hệ tiết niệu sẽ sử dụng tia X để tạo ra nhiều hình ảnh của một lát cắt ở khu vực bên trong cơ thể bao gồm xương, mô mềm và mạch máu. Những hình ảnh này sau đó sẽ được gửi đến máy tính và nhanh chóng được phân chia thành các hình ảnh hai chiều chi tiết.
Phương pháp chụp CT scanner hệ tiết niệu rất có ý nghĩa với các bác sĩ khi chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến hệ tiết niệu. Cụ thể:
● Sử dụng phương pháp không xâm lấn, bác sĩ vẫn có thể quan sát giải phẫu hệ tiết niệu cũng như có thể quan sát hình ảnh của các cơ quan khác trong ổ bụng.
● Phương pháp này giúp đo tỷ trọng và hỗ trợ phân biệt các chất như dịch, máu, vôi hoá, mỡ, ...
● Kết quả phương pháp cho những hình ảnh chi tiết các lớp cắt theo trục cơ thể từ thận đến tuyến tiền liệt.
● Hình ảnh 2D và 3D có thể quan sát chi tiết nhu mô, đài bể thận, các đường bài xuất, niệu quản, tiền liệt tuyến cũng như bàng quang.
● Phương pháp còn sử dụng thêm thuốc nhuộm đặc biệt là thuốc cản quang giúp phân biệt rõ được các cấu trúc hệ tiết niệu và nghiên cứu rõ ràng được mạch máu thận, kiểm tra được tổn thương mạch máu.
2. Khi nào cần chụp CT Scanner hệ tiết niệu?
Chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu được sử dụng để kiểm tra thận, niệu quản và bàng quang. Nó cho phép bác sĩ xem kích thước và hình dạng cấu trúc để xác định xem hệ tiết niệu hoạt động có bình thường hay không đồng thời có thể tìm kiếm được bất kỳ dấu hiệu bệnh nào nếu hệ tiết niệu bị ảnh hưởng.
Bác sĩ sẽ đề nghị chụp CT scanner hệ tiết niệu khi có các dấu hiệu như:
● Đau ở bên cạnh sườn hoặc đau lưng
● Tiểu máu (máu có xuất hiện trong nước tiểu)-liên quan đến rối loạn tiểu tiện
● Sỏi thận; sỏi bàng quang; hay sỏi niệu quản
● Nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc viêm bể thận, viêm bàng quang
● Khối u hoặc nang, u tuyến tiền liệt, u hệ tiết niệu
● Ung thư hệ tiết niệu
● Các bất thường về cấu trúc, chẳng hạn hệ tiết niệu dị dạng
● Bệnh lý túi tinh hay bệnh lý tuyến tiền liệt
● Tắc niệu quản cấp hoặc mãn tính mà chưa xác định được nguyên nhân
● Bệnh lý vùng tiểu khung
● Căn cứ để xác định giai đoạn của u thận.
3. Quy trình chụp CT Scanner hệ tiết niệu được thực hiện ra sao?
Quy trình chụp CT scanner hệ tiết niệu bao gồm các bước:
● Chuẩn bị bệnh nhân. Người bệnh được giữ nằm với tư thế ngửa, hai tay đưa lên qua khỏi đầu (mục đích để tránh làm nhiễu ảnh). Bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu: Cởi một số hoặc tất cả quần áo và mặc áo choàng của bệnh viện; loại bỏ các vật bằng kim loại (như dây thắt lưng, trang sức, răng giả, kính mắt. Bởi vì những vật dụng này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng); tránh ăn hoặc uống trong vài giờ trước khi; sử dụng thuốc cản quang.
● Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh cách nhịn thở để tránh tạo ra di động gây nhiễu ảnh.
● Chụp CT scanner hệ tiết niệu trước và sau tiêm tĩnh mạch thuốc cản quang.
● Đánh giá kết quả toàn bộ mô mềm, xương và mỡ.
Kết quả chụp CT scanner hệ tiết niệu bao gồm:
● Chụp các lớp trước khi tiêm thuốc cản quang. Bước này nhằm xác định vị trí tổn thương đồng thời đánh giá tổn thương có chứa thành phần mỡ hay không, có vôi hoá hay chảy máu không. Bên cạnh đó, nó còn giúp bác sĩ có thể so sánh tình trạng tổn thương sau tiêm thuốc nhằm mục đích đánh giá mức độ ngấm thuốc nhiều hay ít của tổn thương.
● Chụp các lớp cắt thì động mạch: Mục đích là đánh giá mức độ của tổn thương, tình trạng thuốc thoát ra ngoài lòng mạch nếu có chảy máu, hoặc tình trạng tĩnh mạch dẫn lưu sớm ở những bệnh nhân dị dạng động mạch hoặc tĩnh mạch...
● Chụp lớp cắt thì tĩnh mạch: Mục đích là đánh giá xem tổn thương u, tình trạng thải thuốc nhanh hay chậm, đánh giá tình trạng giữ thuốc ở hai bên tĩnh mạch thận và tĩnh mạch chủ dưới ở những bệnh nhân u thận, hoặc có thể nhìn thấy các tổn thương ở ổ bụng ...
● Chụp lớp cắt thì muộn: Thường được áp dụng cho các bệnh nhân có các bệnh lý giãn đài bể thận, sỏi niệu quản hoặc viêm.
4. Những điều cần lưu ý trước khi chụp CT Scanner hệ tiết niệu
Chụp CT scanner hệ tiết niệu có nguy cơ phản ứng dị ứng nhẹ nếu tiêm thuốc cản quang, chẳng hạn như buồn nôn, cảm giác nóng, ngứa, đau gần chỗ tiêm... Bên cạnh đó, phơi nhiễm phóng xạ trong một thời gian cũng có thể gây ra nguy cơ ung thư. Hoặc những phụ nữ đang mang thai hay có thể mang thai nếu phơi nhiễm với tia phóng xạ sẽ có nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Một số điều cần lưu ý trước khi chụp CT scanner hệ tiết niệu:
● Những người có tiền sử phản ứng dị ứng với thuốc cản quang hay các loại thuốc khác.
● Phụ nữ có thai nên cân nhắc và cần trao đổi với bác sĩ để có thể tìm ra phương pháp hợp lý
● Những người có bệnh lý suy thận không nên tiêm thuốc cản quang iod nếu chưa có sự cân nhắc, chuẩn bị cũng như dự phòng của bác sĩ.
● Trước khi tiến hành người bệnh cần nhịn ăn các chất đặc, chỉ nên sử dụng nước uống hoa quả hoặc sữa với lượng không quá 100ml.
Chụp CT scanner hệ tiết niệu (chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu) là một xét nghiệm hình ảnh được sử dụng để đánh giá đường tiết niệu và phát hiện các bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu để kịp thời thăm khám và đưa ra phương án điều trị đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, cancerresearchuk.org