Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Hầu hết các bệnh rối loạn chức năng ở hệ tiết niệu là không có triệu chứng, âm thầm khó phát hiện, thường phát hiện ở giai đoạn muộn đòi hỏi đến các phương pháp tạo hình phục hồi chức năng hệ tiết niệu.
1. Phẫu thuật tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản
1.1. Phẫu thuật tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản
Chỉ định tạo hình khúc nối bể thận- niệu quản:
- Bệnh lý hẹp khúc nối bể thận- niệu quản bẩm sinh, hẹp khúc nối bể thận-niệu quản do dị dạng mạch máu.
- Hẹp khúc nối bể thận- niệu quản do biến chứng sau phẫu thuật can thiệp ở phần niệu quản sát bể thận, hoặc ở bể thận...
1.2. Tạo hình bể thận-niệu quản kiểu Y-V
- Sử dụng cho các trường hợp khúc nối bể thận-niệu quản hẹp vừa phải, bể thận giãn ít vẫn còn hình phễu.
- Tư thế bệnh nhân, đường mổ, phẫu tích bể thận-niệu quản như kỹ thuật Anderson - Hynes.
- Rạch bể thận- niệu quản bằng dao theo hình chữ Y sao cho đuôi của chữ Y chạy dọc niệu quản vị trí hẹp.
- Khâu bể thận vào niệu quản: đầu chữ V vào đuôi chữ Y sau đó khâu 2 mép để cuối cúng đường khâu có hình chữ V trên nòng bằng sonde JJ hoặc catheter.
- Kiểm tra cầm máu, đặt dẫn lưu hố thận, đóng vết mổ.
2. Phẫu thuật tạo hình bàng quang- niệu quản
2.1. Nối niệu quản và đài dưới thận
- Chỉ định: Bể thận, niệu quản đoạn sát bể thận xơ hoá, chít hẹp không thể tạo hình được, thận lạc chỗ, thận móng ngựa.
- Sau khi vào hố thận, phẫu tích hạ cực dưới thận, bộc lộ phần niệu quản còn lành dưới chỗ hẹp.
- Cắt ròi niệu quản, cắt vát đầu niệu quản, kiểm tra lưu thông niệu quản phía dưới.
- Mở cực dưới thận hoặc cắt cực dưới thận, khâu niệu quản với niêm mạc đài dưới thận trên nòng dẫn lưu bể thận, niệu quản qua nhu mô thận, khâu phủ niệu quản bằng tổ chức vỏ thận.
- Khâu kín phần đầu niệu quản, bể thận, kiểm tra cầm máu, đặt dẫn lưu hố thận, đóng vết mổ.
2.2. Phẫu thuật dẫn lưu niệu quản
Mục tiêu mổ dẫn lưu niệu quản là phải bảo vệ được chức năng thận, phục hồi chức năng hệ tiết niệu và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.
- Đưa niệu quản ra thành bụng: là phẫu thuật đơn giản, làm được nhanh, can thiệp ngoài phúc mạc, tuy nhiên nhược điểm là phải dẫn lưu 2 vị trí, tỷ lệ chít hẹp miệng nối niệu quản cao, khó khăn khi đặt dẫn lưu lại...
- Phẫu tích 2 niệu quản cắt niệu quản sao cho đủ độ dài đưa ra thành bụng. Đưa niệu quản ra vị trí đã chọn làm miệng nối ở ngoài da, xa nếp gấp, hoặc sẹo, khâu miệng niệu quản vào cân nông dưới da và tổ chức da.
- Tạo hình nối niệu quản – niệu quản đưa ra ngoài da hình chữ Y: Kỹ thuật nối tạo hình này có ưu điểm là chỉ có một miệng nối niệu quản ra ngoài da.
- Rạch da vùng hạ vị theo đường giữa hoặc đường ngang. Vén phúc mạc, tìm cả hai niệu quản và phẫu tích một đoạn dài nhưng không làm tổn thương các mạch máu nuôi dưỡng niệu quản. Cả hai niệu quản đều được cắt và kéo ra đường giữa, nối 2 niệu quản hình chữ Y, đưa đầu chữ Y ra ngoài da.
- Dẫn lưu niệu quản vào đại tràng: Trồng 2 niệu quản và đại tràng có tạo đường hầm chống trào ngược, tuy nhiên kỹ thuật này hay có biến chứng nhiễm trùng ( hiện tượng trào ngược vi khuẩn từ đại tràng lên thận và niệu quản ).
2.3. Một số phẫu thuật thay thế niệu quản
Trong trường hợp những tổn thương rộng phá huỷ niệu quản do viêm nhiễm mạn tính hoặc do chấn thương, trong khi thận chức năng còn tốt. Có nhiều chất liệu có thể dùng thay thế niệu quản như: động mạch, tĩnh mạch hoặc các chất liệu khác đồng loại hoặc dị loại.
3. Các phẫu thuật tạo hình ở bàng quang, niệu đạo
3.1. Phẫu thuật trồng niệu quản vào bàng quang
Chỉ định ở các trường hợp đặc biệt như: K tuyến tiền liệt, K cổ tử cung đã xâm lấn niệu quản sát bàng quang... nối niệu quản- bàng quang có thể làm 3 cách: trồng niệu quản từ ngoài bàng quang, trong bàng quang hoặc hỗn hợp.
- Trồng thẳng niệu quản – bàng quang đường ngoài bàng quang: kỹ thuật này phù hợp với tổn thương ở đoạn niệu quản sát bàng quang.
- Trồng trực tiếp niệu quản – bàng quang theo đường ở phía trong bàng quang.
- Trồng niệu quản – bàng quang bằng đường hỗn hợp vừa ở trong và ngoài bàng quang: Kỹ thuật này có ưu điểm là phối hợp được điểm mạnh của 2 phương pháp trên.
3.2. Các phẫu thuật tạo hình làm tăng dung tích bàng quang
Một số kỹ thuật đang được áp dụng như:
- Tạo hình bàng quang bằng ruột non hoặc đại tràng: Lấy một đoạn hồi tràng dài 25-30 cm hoặc đại tràng xích ma, mở dọc quai ruột ở bờ tự do, sau đó khâu 2 bờ tự do với nhau, mở dọc bàng quang theo chiều trước sau đến gần sát cổ bàng quang, khâu úp quai ruột vào bàng quang.
- Tạo hình bàng quang bằng dạ dày: Lấy một phần dạ dày có cuống mạch là động mạch vị mạc nối phải, đưa mảnh ghép qua mạc treo đại tràng và mạc treo ruột non xuồng nối với bàng quang.
- Tạo hình bàng quang bằng niệu quản
Tạo hình bàng quang bằng niệu quản được chỉ định cho các trường hợp bàng quang thành kinh có niệu quản giãn rộng. Kỹ thuật có thể tiến hành qua đường qua phúc mạc hoặc ngoài phúc mạc.
Mở bụng đường trên và dưới rốn, bộc lộ niệu quản giãn, cắt đôi niệu quản, đầu trên nối với niệu quản bên đối diện kiểu tận-bên, mở dọc đầu dưới niệu quản cho đến sát bàng quang, mở dọc bàng quang từ lỗ niệu quản vòng ra phía trước đến sát cổ bàng quang, khâu ghép niệu quản vào bàng quang.
3.3. Phẫu thuật tạo hình niệu đạo
Điều trị hẹp niệu đạo có 2 phương pháp: Phẫu thuật nội soi và mổ mở. Thông thường khi điều trị hẹp niệu đạo thì dùng các phương pháp đơn giản như nội soi trước, nếu các phương pháp này thất bại bắt buộc phải mổ mở.
Phương pháp tạo hình niệu đạo qua nội soi chỉ định trong các trường hợp:
- Hẹp niệu đạo ngắn có thể nong được.
- Hẹp cổ bàng quang, nhất là hẹp sau khi cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt.
- Hẹp lại sau mổ mở vẫn đặt được Guide.
Không nên chỉ định trong các trường hợp:
- Nhiễm trùng nước tiểu cấp, áp- xe quanh niệu đạo.
- Hẹp kết hợp có rò niệu đạo.
- Hẹp dài và hẹp hoàn toàn.
Đối với chứng bệnh thuộc hệ tiết niệu bạn cần thăm dò niệu động học chẩn đoán hình ảnh, các kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu. Đồng thời bạn nên đi tái khám định kỳ theo giai đoạn điều trị và mức độ đáp ứng của bệnh. Để phục hồi chức năng bàng quang một cách hiệu quả bạn có thể thực hiện theo các phương pháp trên.
Bác sĩ Võ Thiện Ngôn đã có trên 7 năm kinh nghiệm làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật Ngoại Niệu tại các Bệnh viện: Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng.
Bác sĩ Ngôn với khả năng điều trị chuyên sâu về lĩnh vực khám và điều trị các bệnh lý về hệ Tiết niệu và Nam khoa, phẫu thuật hệ Tiết niệu, phẫu thuật nội soi tiết niệu, phẫu thuật Laparo đường niệu, nội soi đường tiết niệu. Phẫu thuật điều trị các bệnh lý Nam khoa
Hiện nay, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn là bác sĩ Ngoại Tiết Niệu – Nam học, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.