Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng mặt – cổ có tiêm thuốc đối quang từ cũng tương tự như kỹ thuật không tiêm thuốc nhằm giúp khảo sát các cấu trúc giải phẫu vùng mặt cổ. Tuy nhiên, nhờ vào tác dụng tăng độ tương phản của thuốc đối quang từ sẽ giúp tăng khả năng đánh giá các tổn thương viêm, tổn thương u, đặc biệt có lợi trong những trường hợp cần khảo sát mạch máu và tính chất tưới máu. Vậy quy trình chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang từ như thế nào?
1. Đại cương
Vùng mặt – cổ luôn là một thách thức đối với các bác sĩ vì ở đây có nhiều cấu trúc giải phẫu phức tạp. Hệ thống mạch máu cấp máu cho các cơ quan cảm giác vùng mặt và những mạch máu chính ở vùng cổ cung cấp máu cho não bộ là đích đến mà chụp cộng hưởng từ (MRI) có tiêm thuốc đối quang từ hướng đến.
Bên cạnh khảo sát các cấu trúc xương, mô mềm ở vùng mặt cổ tương tự như chụp MRI không tiêm thuốc đối quang từ. Sử dụng thuốc đối quang từ tiêm vào mạch máu giúp tăng độ tương phản và dễ dàng phát hiện các giải phẫu mạch máu ở vùng mặt – cổ.
Nhờ vào các thuật toán tái tạo hình ảnh, bác sĩ có thể dựng hình đường đi của mạch máu, phát hiện các dị dạng, tổn thương máu vùng mặt – cổ. Ngoài ra, nắm được thời gian tưới máu từ động mạch đến mao mạch tại cơ quan đích và về tĩnh mạch, chụp cộng hưởng từ có thể đánh giá được tính chất tưới máu của cơ quan hoặc mức độ tăng sinh mạch máu của tổn thương u.
2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang từ
- Các chấn thương vùng mặt – cổ;
- Các tổn thương viêm, nhiễm trùng vùng mặt – cổ;
- Đánh giá kích thước, vị trí, mật độ và mức độ tưới máu của tổn thương u;
- Khảo sát các bất thường mạch máu vùng mặt – cổ;
- Một số chỉ định khác tùy theo yêu cầu chuyên môn điều trị.
3. Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang từ
3.1. Chống chỉ định tuyệt đối
- Các chống chỉ định tương tự với chụp cộng hưởng từ không tiêm thuốc đối quang từ như: cấy ghép các thiết bị điện tử có kim loại như: máy tạo nhịp tim, điện cực ốc tai, các thiết bị tiêm liên tục dưới da; các dị vật kim loại trong cơ thể; các dụng cụ cấy ghép bằng kim loại nội sọ, hốc mắt, mạch máu < 6 tháng.
- Dị ứng hoặc quá mẫn với thuốc đối quang từ.
3.2. Chống chỉ định tương đối
- Ngoài chống chỉ định tương đối như chụp cộng hưởng từ không tiêm thuốc đối quang từ gồm: các dụng cụ cấy ghép bằng kim loại > 6 tháng, hội chứng sợ bóng tối, hội chứng sợ không gian hẹp.
- Các chống chỉ định tương đối với thuốc đối quang từ
+ Mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút
+ Phụ nữ mang thai và cho con bú
4. Quy trình chụp cộng hưởng từ vùng mặt – cổ có tiêm thuốc đối quang từ
4.1 Chuẩn bị trước khi tiến hành
- Người thực hiện: bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và kỹ thuật viên chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh;
- Thiết bị: máy cộng hưởng 1.5 Tesla hoặc lớn hơn;
- Thuốc đối quang từ;
- Hộp chống sốc;
- Các thuốc khác: có thể sử dụng thuốc hỗ trợ an thần trong những trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng sợ bóng tối, hội chứng sợ không gian hẹp;
- Bệnh nhân: có thể ăn nhẹ, không nhất thiết phải nhịn ăn trước khi chụp. Hướng dẫn và giải thích những việc cần phải làm trước khi bắt đầu chụp phim. Bệnh nhân tháo bỏ những vật dụng chống chỉ định.
4.2. Các bước tiến hành chụp cộng hưởng từ vùng mặt – cổ có tiêm thuốc đối quang từ
4.2.1 Tư thế của bệnh nhân
- Đặt bệnh nhân ở từ thế nằm ngửa trên bàn chụp;
- Kỹ thuật viên định vị đầu thu tín hiệu;
- Điều chỉnh bàn chụp vào khoang máy và định vị vùng cần khảo sát.
4.1.2. Các chuỗi xung cơ bản trước khi tiêm thuốc đối quang từ
- Chụp định vị ban đầu;
- Chuỗi xung T2 mặt cắt ngang, độ dày mỗi lớp cắt 3mm;
- Chuỗi xung T2 mặt cắt ngang, độ dày mỗi lớp cắt 3mm và kèm theo xóa mỡ;
- Chuỗi xung T2 mặt cắt đứng ngang, độ dày mỗi lớp cắt 3mm, có thể kèm xóa mỡ hoặc không xóa;
- Chuỗi xung T1 mặt cắt ngang, 3mm;
- Diffusion echo-planar-imaging hoặc Diffusion HASTE theo mặt cắt ngang, độ dày mỗi lớp cắt từ 3 hoặc 4 mm.
4.2.3. Các chuỗi xung sau khi tiêm thuốc đối quang từ
- Kỹ thuật viên tiêm thuốc đối quang từ với liều 0,1 mmol/kg cân nặng với tốc độ 2ml/giây và tiến hành chụp ngay sau đó;
- Chuỗi xung T1W, độ dày mỗi lớp cắt 3mm, theo ba mặt phẳng ngang, đứng ngang và đứng dọc kèm xóa mỡ.
4.3. Đọc kết quả phim cộng hưởng từ không có thuốc đối quang từ
- Phim chụp phải đạt được những yêu cầu hiện hình rõ các cấu trúc giải phẫu vùng mặt – vùng cổ trước và sau tiêm thuốc trên các chuỗi xung được lựa chọn;
- Phát hiện vị trí, kích thước, mật độ của tổn thương, khảo sát được các cấu trúc giải phẫu mạch máu, dựng hình mạch máu trong trường hợp cần thiết;
- Bác sĩ thuộc chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh là người đọc tổn thương, mô tả trên máy tính có lưu trữ phim chụp;
- In phim, lưu đĩa CD (nếu cần) và kết quả chẩn đoán;
- Tư vấn thêm chuyên môn về kết quả và đề nghị xét nghiệm kiểm tra nếu cần.
5. Theo dõi trong và sau khi chụp cộng hưởng từ
- Trong quá trình chụp cộng hưởng từ: theo dõi sát sinh hiệu (mạch, huyết áp, nhịp thở), tri giác và các dấu hiệu thần kinh khu trú của bệnh nhân.
- Sau tiêm thuốc theo dõi sát sinh hiệu, mạch huyết áp đề phòng trường hợp dị ứng, phản vệ với thuốc đối quang từ.
6. Tai biến và hướng xử trí
- Một số bệnh nhân mắc hội chứng sợ bóng tối, hội chứng sợ cô đơn hoặc sợ khoảng hẹp có thể sợ hãi và kích động. Kỹ thuật viên hoặc bác sĩ cần hướng dẫn và động viên an ủi người bệnh hoặc có thể sử dụng thuốc an thần trong trường hợp có chỉ định.
- Tai biến liên quan đến thuốc đối quang từ cần xử trí, chẩn đoán nhanh theo đúng phác đồ sốc phản vệ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.