Quy trình chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu nội sọ không tiêm đối quang từ

Bài viết được thực hiện bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu nội sọ không tiêm thuốc đối quang từ là kỹ thuật sử dụng các chuỗi xung chuyên biệt của cộng hưởng từ trong đánh giá các mạch máu nội sọ mà không cần tiêm thuốc đối quang từ.

Chụp cộng hưởng từ mạch máu cho phép thấy các hình ảnh của mạch máu và lưu lượng máu có chất lượng rõ nét tương đương với chụp động mạch thông thường nhưng không phải thủ thuật xâm lấn đến mạch máu nhằm đánh giá tình trạng hẹp, tắc nghẽn mạch não, phình mạch não cũng như các bệnh lý khác.

1. Tìm hiểu về chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu nội sọ không tiêm thuốc đối quang từ

Chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu nội sọ không tiêm thuốc đối quang từ là kỹ thuật sử dụng từ trường và các xung năng lượng sóng vô tuyến, không cần sử dụng thuốc đối quang từ nhằm cung cấp hình ảnh của mạch máu não rõ nét nhất mà chụp cộng hưởng từ sọ não thông thường không thể cung cấp hình ảnh tốt về mạch máu và lưu lượng máu giúp xác định các bất thường.

Kỹ thuật này được áp dụng rộng rãi trong các bệnh lý thần kinh nghi ngờ có bất thường về mạch máu cũng như lưu thông mạch, không bị ảnh hưởng bởi bức xạ nhằm mục đích khảo sát hệ mạch cảnh - sống nền nội sọ hiệu quả.

Phương pháp này cho phép thăm khám cả hệ động mạch và hệ tĩnh mạch não, có khả năng phát hiện được nhiều bệnh lý mạch máu não như hẹp mạch, dị dạng động tĩnh mạch, phình mạch, dị dạng tĩnh mạch não hay các huyết khối động mạch cũng như tĩnh mạch.

2. Ưu điểm của chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu không tiêm thuốc đối quang từ

  • Là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, không bị phơi nhiễm bức xạ.
  • Kỹ thuật cho hình ảnh chi tiết về hình thái, tín hiệu dòng chảy của các mạch máu lớn của não.
  • Chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu não không tiêm thuốc đối quang từ mất ít thời gian hơn và ít tốn kém hơn so với chụp động mạch và không cần thời gian phục hồi.
  • Không cần sử dụng thuốc đối quang từ vẫn có thể cung cấp hình ảnh rõ nét của các mạch máu. Điều này rất có giá trị ở những bệnh nhân bị dị ứng với thuốc đối quang từ hoặc bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận.

Chụp cộng hưởng hệ tĩnh mạch não
Chụp cộng hưởng hệ tĩnh mạch não

3. Chỉ định, chống chỉ định của chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu nội sọ không tiêm đối quang từ

3.1 Chỉ định

  • Nghi ngờ chứng phình động mạch não hoặc dị dạng động mạch (AVM), dị dạng tĩnh mạch;
  • Nghi ngờ hẹp mạch não, tắc nghẽn mạch trong và ngoài sọ;
  • Đột quỵ: Nhồi máu não tìm vị trí tắc mạch lớn, chảy máu não cần tìm phình mạch, dị dạng mạch, dò động mạch cảnh - xoang hang gián tiếp, trực tiếp...;
  • Tìm các viêm tắc xoang tĩnh mạch nội sọ...;
  • Sàng lọc bệnh lý động mạch, đặc biệt là bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Đánh giá mạch sau điều trị như kiểm tra sau nút dị dạng động tĩnh mạch não, phình mạch não, kiểm tra tiến triển của bệnh (ví dụ kiểm tra tái thông xoang tĩnh mạch do huyết khối sau điều trị...).

3.2. Chống chỉ định

  • Người bệnh có trong người máy tạo nhịp tim (chống chỉ định tuyệt đối);
  • Trong người có kim loại có từ tính (chống chỉ định tương đối);
  • Người sợ ánh sáng, sợ nằm một mình, không có khả năng nằm yên.

Một số trường hợp người bệnh không nên chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu nội sọ không tiêm đối quang từ
Một số trường hợp người bệnh không nên chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu nội sọ không tiêm đối quang từ

4. Người bệnh nên lưu ý những gì?

  • Phụ nữ đang mang thai cần thông báo cho bác sĩ, mặc dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra ảnh hưởng xấu của cộng hưởng từ đối với phụ nữ mang thai hoặc thai nhi. Tuy nhiên, khi chụp thai nhi sẽ ở trong một từ trường mạnh do vậy phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên chụp MRI.
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không có khả năng nằm yên trong quá trình chụp cần sử dụng thuốc an thần hoặc gây mê. Người sợ ánh sáng, lo lắng, kích động cũng có thể yêu cầu bác sĩ sử dụng thuốc an thần trước khi chụp.
  • Tháo bỏ đồ trang sức, phụ kiện, đồ kim loại điện tử, điện thoại di động vì các vật dụng này có thể bị ảnh hưởng bởi từ trường.
  • Nếu bệnh nhân có máy tạo nhịp trên người không được chụp cộng hưởng từ.

5. Quy trình chụp cộng hưởng từ hệ mạch máu nội sọ không tiêm thuốc đối quang từ

5.1 Nguyên lý hoạt động của cộng hưởng từ

Từ trường được tạo ra bằng cách truyền một dòng điện qua cuộn dây. Các cuộn dây được đặt trong máy với mục đích là gửi và nhận sóng vô tuyến. Sóng vô tuyến sắp xếp lại các nguyên tử hydro tồn tại tự nhiên trong cơ thể. Khi các nguyên tử hydro trở lại vị trí thẳng hàng thông thường, chúng phát ra lượng năng lượng khác nhau tùy thuộc vào loại mô cơ thể. Máy quét thu năng lượng này và tạo ra một hình ảnh sử dụng thông tin này, mỗi hình ảnh cho thấy một lát mỏng của cơ thể.

5.2 Chuẩn bị

  • Hướng dẫn người bệnh thay quần áo của phòng chụp và tháo bỏ các vật dụng.
  • Có giấy yêu cầu chụp của bác sĩ lâm sàng với chẩn đoán rõ ràng.

5.3 Các bước tiến hành

Bước 1: Di chuyển bệnh nhân vào khoang máy. Bệnh nhân được nằm ngửa trên bàn thi di chuyển. Dây đeo và vòng đệm có thể được sử dụng để giúp bạn đứng yên và duy trì vị trí của người bệnh sau đó di chuyển bệnh nhân vào khoang máy.


Người bệnh được hướng dẫn chuẩn bị tư thế trước khi được di chuyển vào khoang máy
Người bệnh được hướng dẫn chuẩn bị tư thế trước khi được di chuyển vào khoang máy

Bước 2: Kỹ thuật viên sẽ thực hiện chụp tại phòng điều khiển từ xa

  • Chụp định vị;
  • Lựa chọn các chuỗi xung chẩn đoán phù hợp với mục đích thăm khám;
  • Làm các chuỗi xung thông thường: T1, T2, Flair cho tất cả đối tượng. Hướng cắt bao gồm cắt ngang, đứng ngang và đứng dọc;
  • Lựa chọn các chuỗi xung đặc biệt cho các bệnh lý đặc biệt cần tìm kiếm. Ví dụ xung T2* để tìm các tổn thương có chảy máu, Chuỗi xung diffusion cho các tổn thương liên quan đến nhồi máu não...;
  • Chụp xung 3D TOF cho hệ thống động mạch và xung 3D PC cho hệ tĩnh mạch.

Bước 3. Xử lý hình ảnh thu được trên màn hình trạm làm việc, lựa chọn các ảnh cần thiết bộc lộ bệnh lý để in phim.

Bước 4: Đọc kết quả, kết luận từ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: strokecenter.org, radiologyinfo.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe