Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Bích Ngọc - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chụp cắt lớp vi tính tiểu khung có tiêm thuốc cản quang là kỹ thuật dung máy chụp cắt lớp vi tính phát tia X để chụp vùng tiểu khung. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính tiểu khung cho phép đánh giá, phát hiện những bất thường bệnh lý của các cơ quan như buồng trứng, tử cung, bàng quang, tuyến tiền liệt, ...
1. Những điều cần biết về chụp cắt lớp vi tính tiểu khung có tiêm thuốc cản quang
Chụp cắt lớp vi tính tiểu khung có tiêm thuốc cản quang là kỹ thuật sử dụng tia X của hệ thống máy ít dãy đầu thu để thăm khám vùng tiểu khung. Kết quả sau khi chụp và xử lý, tái tạo hình ảnh cho phép đánh giá cấu trúc và phát hiện những bất thường, bệnh lý các cơ quan vùng tiểu khung như: Buồng trứng, tử cung, bàng quang, tuyến tiền liệt, ...
2. Chụp cắt lớp vi tính tiểu khung có tiêm thuốc cản quang được chỉ định khi nào?
Chụp cắt lớp vi tính tiểu khung có tiêm thuốc cản quang được chỉ định trong những trường hợp:
● Các bệnh lý phụ khoa như: Viêm phụ khoa, áp xe phần phụ khoa.
● Các đau bụng chưa rõ nguyên nhân vùng tiểu khung như: Viêm ruột thừa, viêm túi thừa đại tràng, áp xe bên trong tiểu khung.
● Các khối u ở buồng trứng, tử cung, bàng quang, tuyến tiền liệt, u khoang dưới phúc mạc.
● Bất thường khác như: Rò âm đạo - bàng quang, âm đạo - trực tràng, ...
3. Các bước tiến hành chụp cắt lớp vi tính tiểu khung có tiêm cản quang
Quy trình chụp cắt lớp vi tính tiểu khung có tiêm cản quang gồm các bước sau:
● Bước 1: Người bệnh được nằm ngửa trên bàn chụp, giơ hai tay lên phía đầu để tránh làm nhiễu ảnh. Hướng dẫn và yêu cầu người bệnh nín thở trong khi chụp để tránh nhiễu ảnh.
● Bước 2: Trước khi tiêm thuốc cản quang, chụp các lớp cắt ngang vùng tiểu khung để định vị tổn thương. Tiến hành đo tỷ trọng vùng nghi ngờ tổn thương nhằm mục đích đánh giá thành phần tổn thương có mỡ, vôi hóa, chảy máu. Kết quả dùng để so sánh với tỷ trọng của vùng tổn thương sau khi tiêm thuốc cản quang giúp đánh giá mức độ thẩm thấu thuốc của vùng tổn thương nhiều hoặc ít. Các lớp cắt được chụp trước và sau khi tiêm thuốc có độ dày từ 5 - 8mm, với những tổn thương nhỏ độ dày lớp cắt nên là 3mm.
● Bước 3: Tiêm thuốc cản quang với liều lượng là 1,5 - 2 ml/kg cân nặng, sử dụng máy bơm tiêm để tiêm nhanh với tốc độ tiêm tối thiểu cần đạt là 3ml/s, ngoài ra máy bơm tiêm còn giúp kiểm soát chính xác các thì động mạch và tĩnh mạch sau khi tiêm. Tùy độ lớn của cá thể thay đổi trường nhìn (FOV) cho phù hợp. Độ rộng của cửa sổ được thay đổi và điều chỉnh để có thể đánh giá toàn bộ hệ xương, mỡ, khí và mô mềm.
● Bước 4: Chụp cắt lớp vi tính tiểu khung các lớp cắt ở thì động mạch sau khi tiêm từ giây thứ 25 - 30 để đánh giá mức độ giàu mạch của tổn thương là khối u, phát hiện sớm tĩnh mạch dẫn lưu trong trường hợp dị dạng thông động - tĩnh mạch, chảy máu thể hoạt động do chấn thương tạng vùng tiểu khung làm thoát thuốc ra ngoài lòng mạch, ...
● Bước 5: Chụp cắt lớp vi tính tiểu khung các lớp cắt ở thì tĩnh mạch sau khi tiêm từ giây thứ 60 - 70 để đánh giá tình trạng thải thuốc của các tổn thương là khối u, phát hiện các tổn thương đường vỡ hoặc ổ đụng dập trong chấn thương tạng, đánh giá tình trạng bắt thuốc của thành ống tiêu hóa cũng như thành ổ áp xe.
● Bước 6: Tùy trường hợp, chụp cắt lớp vi tính tiểu khung ở thì muộn hơn sau khi tiêm từ 5 - 7 phút. Trong một số trường hợp sỏi niệu quản đoạn 1/3 dưới, hoặc nghi ngờ đường rò ở đường bài xuất thấp, có thể chụp ở thì rất muộn, khi bàng quang căng để tống đẩy nước tiểu có chứa thuốc cản quang iod.
● Bước 7: Tái tạo hình ảnh trên máy chụp tại buồng chụp. Kết quả hình ảnh phải đảm bảo rõ nét, không nhiễu để phục vụ chẩn đoán.