Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D có tiêm thuốc cản quang ngày nay được ứng dụng rộng rãi, giúp bác sĩ chẩn đoán, lập kế hoạch điều trị và theo dõi bệnh lý vùng hàm mặt.
1.Chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dụng hình 3D có tiêm thuốc đối quang là gì?
Chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D có sử dụng thuốc cản quang với mục đích để thăm khám bệnh lý vùng hàm mặt, dựng hình theo các mặt phẳng không gian ba chiều giúp chẩn đoán và theo dõi sự tiến triển của bệnh. Đặc biệt việc sử dụng thuốc đối quang giúp làm rõ những tổn thương và liên quan tới mạch máu vùng hàm mặt.
Chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D còn được ứng dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình vùng hàm mặt. Bệnh nhân do chấn thương hoặc bẩm sinh có cấu trúc vùng mặt hàm bất thường, làm cho người bệnh khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Việc chụp và tạo hình 3D phát hiện được những hình ảnh giải phẫu bất thường vùng hàm mặt, từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp.
2. Chỉ định, chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính dụng hình 3D có tiêm thuốc đối quang
Chỉ định chụp cắt lớp vi tính hàm mặt dựng hình 3D:
- Chấn thương vùng hàm mặt
- Bất thường bẩm sinh vùng hàm mặt.
- Bệnh lý các xoang hàm mặt.
- Tổn thương viêm nhiễm trùng
- Tổn thương mạch máu, thần kinh, u vùng hàm mặt.
Chống chỉ định:
- Chống chỉ định tương đối: Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ. Phụ nữ mang thai nếu chụp phải dùng áo chì để che vùng bụng nếu chụp.
- Chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp có chống chỉ định với thuốc đối quang như: Bệnh nhân mắc bệnh suy thận, suy gan, suy tim nặng, tiền sử dị ứng với thuốc cản quang, mắc bệnh mạn tính đái tháo đường, hen phế quản, cường giáp trạng chưa điều trị ổn định.
3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D không tiêm thuốc cản quang
3.1 Chuẩn bị
Người thực hiện: Để chụp phim cắt lớp vi tính vùng hàm mặt cần có đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.
Phương tiện dùng để chụp chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mặt gồm có:
- Máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy và máy bơm tiêm điện chuyên dụng.
- Phim chụp, máy in hình và hệ thống lưu trữ hình ảnh.
- Thuốc đối quang: Sử dụng thuốc đối quang iod tan trong nước.
- Vật tư y tế thông thường.
- Hộp chống sốc, thuốc và những dụng cụ cần thiết để xử trí tai biến trong trường hợp có bất thường xảy ra khi người bệnh tiêm thuốc đối quang.
Người bệnh:
- Người bệnh được giải thích rõ ràng về cách chụp phim và một số tai biến có thể xảy ra khi chụp để phối hợp với người chụp.
- Tháo bỏ các vật dụng gây ra nhiễu ảnh, ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh như khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc... (nếu có).
- Cần nhịn ăn và uống 4 giờ trước khi chụp. Có thể uống nước nhưng không được quá 50ml.
- Người bệnh quá kích thích, không phối hợp khi chụp: Cho thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ điều trị trước khi chụp.
2.2 Các bước tiến hành
Bước 1: Chụp theo hướng cắt ngang trước khi tiêm thuốc cản quang
- Tư thế bệnh nhân: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường chụp, đầu giữ yên.
- Thực hiện chụp định vị, mặt phẳng chụp song song với khẩu cái cứng.
- Chụp theo hướng ngang từ vị trí bờ dưới xương hàm dưới tới bờ trên ổ mắt.
- Độ dày của mỗi lát cắt là 3mm.
- Chụp xoắn ốc nhằm mục đích tạo hình theo các hướng và dựng hình 3D.
Bước 2: Sau khi chụp theo hướng cắt ngang, tiến hành tái tạo hình ảnh theo hướng đứng ngang nhưng đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt như theo hướng cắt ngang. Từ đó tái tạo và dựng hình 3D.
Bước 3: Tiêm thuốc đối quang, với liều trung bình từ 1-2ml/kg cân nặng tùy theo từng trường hợp.
Bước 4: Tiến hành chụp theo các hướng cắt ngang sau khi tiêm thuốc cản quảng. Chương trình và phương pháp chụp tương tự như chụp khi chưa tiêm thuốc cản quang.
Bước 5: Tái tạo hình ảnh theo các hướng khác nhau từ hướng chụp cắt ngang sau khi tiêm thuốc cản quang và dựng hình 3D.
Bước 4: Xác định hình ảnh đạt chuẩn và in kết quả theo cả hai hướng cắt ngang và tái tạo đứng ngang, tái tạo 3D trước, sau khi tiêm thuốc cản quang theo cả cửa sổ xương và phần mềm.
2.3 Nhận định kết quả
- Bác sĩ đọc kết quả, mô tả tổn thương: Vị trí, cấu trúc của tổn thương, kích thước, mức độ lan rộng của tổn thương...
- Đối chiếu hình ảnh cắt lớp vi tính và lâm sàng.
- Đưa ra các định hướng chẩn đoán.
- Đồng thời nếu cần thiết có thể đưa đề nghị các thăm khám khác phối hợp, nhằm làm rõ chẩn đoán.
- Bác sĩ có thể tư vấn thêm về chuyên môn cho người bệnh nếu có yêu cầu.
3. Tai biến và cách xử lý tai biến khi chụp
Những tai biến có thể xảy ra do thuốc cản quang:
- Tình trạng phản vệ: Xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, nổi mẩn trên da. Mức độ nặng mày đay xuất hiện nhanh và nặng hơn, phù mạch gây khó thở, nôn, đau bụng, huyết áp chưa thay đổi hoặc tăng, không có biểu hiện rối loạn ý thức...
- Suy thận do thuốc cản quang:
- Cơn bão giáp trạng: Biểu hiện tăng nhiệt độ, nhịp tim nhanh, rối loạn cảm xúc, nếu không được phát hiện, điều trị thì biểu hiện nặng hơn phù phổi, suy tim, hôn mê... Tình trạng này xuất hiện trên những bệnh nhân có bệnh lý cường giáp.
- Phụ nữ có thai cần cân nhắc kỹ trước khi chụp và khi chụp thường có áo bằng chì để bảo vệ.