Quá trình và cơ chế liền xương sau gãy xương diễn ra thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Dương Minh Tân - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Xương gãy có khả năng chữa lành, đặc biệt là ở trẻ em. Xương mới sẽ hình thành chỉ trong vòng vài tuần sau chấn thương. Tuy nhiên, quá trình liền xương sau gãy xương hoàn toàn có thể kéo dài lâu hơn nữa. Biết được các quá trình xảy ra sau gãy xương để có cách điều chỉnh kịp thời, phù hợp giai đoạn.

1. Các giai đoạn xảy ra tại vị trí gãy xương sau khi bị chấn thương?

Ngay sau khi bị gãy xương, vị trí chấn thương sẽ xảy ra một chuỗi quá trình phức tạp và diễn ra xen lẫn nhau. Nhìn chung, quá trình này có thể được chia thành bốn giai đoạn mặc dù từng giai đoạn này có sự chồng chéo lên nhau một cách đáng kể.

1.1 Giai đoạn hình thành máu tụ sau gãy xương (ngày 1 đến ngày 5)

Các mạch máu cung cấp cho xương và màng xương bị vỡ trong quá trình gãy, gây ra tụ máu xung quanh vị trí gãy và đông rắn lại để tạo thành khung đỡ tạm thời cho quá trình chữa lành tiếp theo.

Song song đó, các chất hóa học do những tế bào bạch cầu tại chỗ bài tiết ra sẽ kích thích sự chữa lành gãy xương diễn ra.

1.2 Giai đoạn hình thành mô sẹo sợi sụn (ngày 5 đến ngày 11)

Các chất hóa học sinh học kích thích hình thành và nhanh chóng tăng sinh mạng lưới mao mạch tại vị trí gãy xương .Đồng thời, trong khối máu tụ, mô hạt giàu fibrin cũng sẽ bắt đầu phát triển với các tế bào gốc trung mô từ từ biệt hóa thành nguyên bào sợi, nguyên bào sụn và nguyên bào xương. Từ đó, màng xương cơ bản sẽ bắt đầu hình thành và lan rộng dần.


Quá trình liền xương
Quá trình liền xương

1.3 Giai đoạn hình thành mô sẹo xương (ngày 11 đến 28)

Khi các mô sụn hình thành, chúng sẽ được kích hoạt biệt hóa hơn nữa thành các nguyên bào sụn, nguyên bào xương và tế bào hủy xương.

Kết quả là lớp mô sẹo sụn được hấp thụ lại và bắt đầu vôi hóa hình thành một lớp mô xương cứng cáp, vôi hóa từng bước trưởng thành.

1.4 Giai đoạn tu sửa xương (từ ngày 18 trở đi và kéo dài hàng tháng đến năm)

Nhờ các nguyên bào xương và tế bào hủy cốt bào, lớp xương cứng cuối cùng phải trải qua quá trình tu sửa lặp đi lặp lại kéo dài để hoàn thiện hơn.

Trung tâm của mô xương cuối cùng sẽ là khối xương đặc, trong khi các cạnh xung quanh được thay thế bằng lớp xương phiến.

2. Làm thế nào để xương lành lại sau khi bị gãy xương?


Khi quá trình liền xương đã diễn ra tương đối bạn có thể đi bộ nhằm tăng cường thêm cho quá trình tái tạo xương trở nên hiệu quả hơn.
Khi quá trình liền xương đã diễn ra tương đối bạn có thể đi bộ nhằm tăng cường thêm cho quá trình tái tạo xương trở nên hiệu quả hơn.

Tất cả các xương gãy đều trải qua quá trình chữa lành như nhau. Đây là quy luật tự nhiên cho dù xương gãy do chấn thương hay do đã bị cắt đi như một phần trong phẫu thuật.

Quá trình lành xương là kết quả tiếp theo sau khi hình thành các nguyên bào sợi, nguyên bào sụn và nguyên bào xương tại vị trí gãy. Trong cùng một khu vực, các phản ứng không xảy ra đồng loạt thống nhất mà đan xen lẫn nhau.

Tuy nhiên, sự lành xương với tính ổn định cấu trúc ban đầu vẫn được bảo đảm vì quá trình tu sửa xương còn kéo dài hàng tháng đến hàng năm sau đó.

Đồng thời, trong quá trình tu sửa, các yếu tố kích thích sinh học tại chỗ còn kích thích hình thành tạo mạch và lưu thông máu nuôi trong khu vực được cải thiện hơn.

Ngoài ra, khi quá trình liền xương đã diễn ra tương đối đầy đủ, tức hình ảnh màng xương mới tạo lập quan sát được trên phim xquang, các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày tại vị trí gãy xương, bao gồm cả việc tập thể dục đơn giản, chẳng hạn như đứng lên ngồi xuống hoặc đi bộ, sẽ được khuyến khích thực hiện lại nhằm tăng cường thêm cho quá trình tái tạo xương trở nên hiệu quả hơn.

Ngoài ra, để xương lành và phục hồi nhanh hơn, bạn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp xương chắc khoẻ.

3. Thời gian liền xương mất bao lâu?


Thời gian liền xương thường ít nhất là 6 tuần
Thời gian liền xương thường ít nhất là 6 tuần

Xương thường mất từ 6 đến 12 tuần để có thể lành lại ở một mức độ đáng kể chấp nhận được.

Nhìn chung, xương của trẻ em mau lành hơn so với xương của người lớn. Đồng thời, tốc độ lành xương còn phụ thuộc vào vị trí gãy xương, kiểu gãy, cách điều trị, chỉnh sửa cũng như vai trò của xương đối với sức nặng, chức năng vận động của cơ thể.

Theo đó, bác sĩ chấn thương chỉnh hình trong mỗi lần thăm khám sẽ đánh giá quá trình liền xương hiệu quả cũng như xác định thời điểm xương đã sẵn sàng chịu trọng lượng trên khu vực này hoặc bệnh nhân có thể hoạt động trở lại như bình thường.

4. Điều gì giúp thúc đẩy quá trình liền xương?

Nếu vị trí gãy xương được cắt lọc trong quá trình phẫu thuật theo chương trình, một số bước có thể được thực hiện trước và sau phẫu thuật để giúp tối ưu hóa quá trình lành thương. Bác sĩ phẫu thuật có thể đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống và bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương. Bỏ thói quen hút thuốc và kiểm soát tốt lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường là rất quan trọng. Lý do là vì các chất hóa học trong khói thuốc lá và lượng glucose cao sẽ gây cản trở quá trình liền xương.

Bên cạnh đó, đối với tất cả các bệnh nhân bị gãy xương, bất động là một phần quan trọng của điều trị vì bất kỳ sự chuyển động nào cũng sẽ làm xê dịch vị trí của các mảnh xương mới hình thành nên sẽ làm chậm quá trình liền xương.


Bạn nên bỏ thuốc lá vì các chất hóa học trong khói thuốc lá sẽ gây cản trở quá trình liền xương
Bạn nên bỏ thuốc lá vì các chất hóa học trong khói thuốc lá sẽ gây cản trở quá trình liền xương

Tùy thuộc vào loại gãy xương hoặc quy trình phẫu thuật, bác sĩ chỉnh hình có thể sử dụng một số hình thức cố định (chẳng hạn như vít, đĩa hoặc dây cáp) trên xương bị gãy và/hoặc kết hợp cố định ngoài bằng: bó bột, nẹp cứng để giữ cho hai đầu xương gãy không bị di chuyển nhau khi người bệnh cần hoạt động trong sinh hoạt thường ngày.

Cuối cùng, khi xương đã được chữa lành đầy đủ, các bài tập vật lý trị liệu tương thích sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi chức năng xương được hoàn thiện hơn. Một chương trình tập thể dục sẽ được thiết kế cho các bệnh nhân nhằm có thể giúp lấy lại sức mạnh, thăng bằng cũng như các cử động bình thường trong phạm vi cho phép.

5. Điều gì có thể cản trở việc chữa lành xương?

Có nhiều yếu tố có thể làm chậm quá trình liền xương, nếu không được chú ý sẽ làm xương không chỉ lâu lành mà còn gây di lệch xương nặng nề, mất chức năng xương tại chỗ, bao gồm:

  • Sự di lệch của các mảnh xương do không bất động hay bất động kém, khám bất động quá sớm
  • Hút thuốc, làm co mạch máu và giảm lưu thông máu
  • Đái tháo đường
  • Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid và các chất ức chế miễn dịch khác
  • Gãy xương nặng, gãy xương phức tạp
  • Bị nhiễm trùng tại chỗ gãy xương
  • Tuổi cao
  • Dinh dưỡng kém hoặc giảm hấp thu
  • Hàm lượng canxi và vitamin D thấp trong máu

Nếu bạn đang sử dụng thuốc corticosteroid
Nếu bạn đang sử dụng thuốc corticosteroid

6. Làm thế nào khi xương chậm lành?

Nếu vị trí xương gãy không lành lặn trở lại theo kế hoạch như mong đợi hoặc không lành được, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể lựa chọn nhiều phương pháp điều trị khác nhau để tăng cường sự phát triển của xương, chẳng hạn như:Tiếp tục bất động trong thời gian dài hơn, kích thích xương hoặc phẫu thuật ghép xương hoặc sử dụng protein tăng trưởng xương.

Tóm lại, gãy xương là một chấn thương khá phổ biến trong sinh hoạt và lao động hằng ngày. Trong hầu hết các trường hợp, gãy xương đều có thể liền xương trở lại một cách tự nhiên. Tuy nhiên, việc hiểu rõ quá trình liền xương sau gãy xương diễn ra như thế nào và các yếu tố ảnh hưởng sẽ giúp thời gian lành xương diễn ra nhanh hơn và xương sẽ lành lặn lại một cách hoàn thiện nhất, người bệnh mau chóng có thể trở lại với tất cả các hoạt động như trước khi bị chấn thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Hướng dẫn băng vết thương khi nghi ngờ bị gãy xương

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe