Lưu ý tái khám sau cắt polyp đại tràng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Polyp đại tràng là những khối u lành tính trong đại tràng. Tuy nhiên, nếu để tiếp tục tiến triển, chúng có thể ác tính hóa, phát triển thành ung thư. Do đó, phát hiện và điều trị polyp đại tràng sớm bằng thủ thuật cắt polyp đại tràng sẽ giúp ngăn chặn những nguy cơ khó lường về sau.

1. Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là một hoặc nhiều khối u xuất hiện bất thường trên bề mặt, trong lòng hoặc thành ruột già. Hầu hết các polyp đại tràng đều là những khối u lành tính. Tuy nhiên, nếu để các polyp tiếp tục tiến triển, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng như chảy máu tiêu hóa, tắc ruột hoặc thậm chí dẫn đến ung thư. Vì vậy, khi có biểu hiện đau bụng, đi ngoài ra máu, người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện các thăm khám lâm sàng, nội soi đại tràng để phát hiện và điều trị polyp kịp thời, hiệu quả.


Polyp đại tràng có thể gây biến chứng chảy máu tiêu hóa, tắc ruột
Polyp đại tràng có thể gây biến chứng chảy máu tiêu hóa, tắc ruột

2. Cắt polyp đại tràng như thế nào?

Để loại bỏ polyp đại tràng, trước tiên bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc xổ và uống khoảng 3 lít nước để làm sạch đại tràng. Tiếp theo, người bệnh được gây mê và đưa vào phòng phẫu thuật. Tại đây, các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng, cắt bỏ polyp thông qua phương pháp phẫu thuật hoặc biện pháp nội soi can thiệp. Sau khi cắt bỏ polyp, tùy kích thước khối u, số lượng polyp và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nhập viện theo dõi hoặc theo dõi tại nhà.

3. Dấu hiệu bất thường sau cắt polyp đại tràng

Thông thường, sau thủ thuật cắt polyp đại tràng, sức khỏe bệnh nhân sẽ dần hồi phục. Với các polyp nhỏ, chân vết cắt thường sẽ tự liền sẹo trong vòng 1 tuần. Các polyp có kích thước lớn hơn, có vòng thắt chân polyp trước khi cắt thì vòng cắt sẽ tự rời khỏi vết cắt sau 5 – 7 ngày thực hiện thủ thuật.


Khi có dấu hiệu bất thường nên tái khám
Khi có dấu hiệu bất thường nên tái khám

Tuy nhiên, nếu người bệnh gặp phải những biểu hiện bất thường sau thì nên đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời:

  • Đau bụng, chảy máu, có dịch tiết ra ở trực tràng với lượng nhiều;
  • Buồn nôn, nôn ói, sốt, chóng mặt;
  • Phù nề vùng hậu môn;
  • Ho, tức ngực, khó thở;
  • Bụng căng chướng hoặc co cứng;
  • Đại tiện phân có lẫn máu hoặc phân đen.

4. Lời khuyên sau khi cắt polyp đại tràng

Để sức khỏe sớm hồi phục, ngăn ngừa polyp đại tràng tái phát, sau khi xuất viện, người bệnh cần tuân thủ những lời khuyên sau:

  • Sau cắt polyp đại tràng, bệnh nhân không được tự điều khiển phương tiện giao thông mà nên có người nhà đi cùng;
  • Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc;
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh làm việc nặng hoặc vận động nhiều sau khi mới cắt polyp;
  • Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa (tốt nhất là cháo xay nhuyễn với rau trong 3 ngày đầu), sau đó ăn thành 5 – 6 bữa nhỏ trong ngày để tiêu hóa dễ dàng hơn;
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ để làm mềm phân, tránh táo bón;

Bổ sung các loại rau củ tránh gây táo bón
Bổ sung các loại rau củ tránh gây táo bón
  • Không sử dụng thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ;
  • Hạn chế rặn khi đại tiện;
  • Không sử dụng các thuốc ảnh hưởng tới chức năng máu như aspirin, thuốc giảm đau có chứa naproxen hoặc ibuprofen trong 2 tuần sau cắt polyp nếu không được chỉ định bởi bác sĩ. Chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau paracetamol hoặc acetaminophen.

5. Sau khi cắt polyp đại tràng bao lâu tái khám?

Theo thống kê, khả năng tái phát polyp kể từ lần cắt polyp đại tràng đầu tiên là 25 – 30%. Đặc biệt là người cao tuổi, không có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Bên cạnh đó, sau khi đã loại bỏ polyp, người bệnh vẫn cần sử dụng một số loại thuốc nhằm hạn chế polyp tái phát. Tuy nhiên, dùng thuốc gì, liều lượng và thời gian sử dụng như thế nào đều cần phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy, việc tái khám định kỳ là rất cần thiết và quan trọng để theo dõi, chẩn đoán, phát hiện sớm nguy cơ tái phát bệnh và định hướng điều trị kịp thời, hiệu quả nếu cần thiết.

Sau cắt polyp đại tràng, bệnh nhân nên theo dõi liên tục, tiến hành nội soi đại tràng 1 lần/năm để phát hiện polyp mới (nếu có) hoặc các bất thường ở đường tiêu hóa. Tiếp tục tầm soát định kỳ hằng năm là lời khuyên của bác sĩ cho bệnh nhân cắt polyp đại tràng để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu không may xuất hiện những dấu hiệu bất thường.


Tầm soát định kỳ để có biện pháp can thiệp kịp thời
Tầm soát định kỳ để có biện pháp can thiệp kịp thời

6. Đối tượng cần tầm soát polyp đại tràng

  • Những người trên 50 tuổi nên tiến hành soi đại tràng, kể cả khi không có triệu chứng. Nếu sau khi soi, đại tràng hoàn toàn bình thường, không có polyp thì sau 10 năm mới cần soi lại;
  • Với bệnh nhân khi soi đại tràng có phát hiện có trên 3 polyp loại tuyến ống, có loạn sản mức độ cao, polyp nhung mao hoặc polyp kích thước 1cm thì cần tái khám, nội soi sau 3 năm;
  • Với bệnh nhân khi soi đại tràng phát hiện 1 – 2 polyp tuyến ống, polyp kích thước dưới 1cm, không có loạn sản mức độ cao thì nên tái khám, nội soi đại tràng sau 5 -10 năm;
  • Người có tiền sử gia đình (cha mẹ, anh em ruột và con) bị ung thư đại tràng nên soi đại tràng để sàng lọc ở tuổi 40 hoặc trước 10 năm so với tuổi người thân phát hiện ung thư đại trực tràng;
  • Người bị bệnh viêm loét đại tràng chảy máu hoặc bị bệnh Crohn cần soi đại tràng hằng năm kể từ năm thứ 8 khi phát hiện bị tổn thương toàn bộ đại tràng, hoặc từ năm thứ 12 nếu phát hiện tổn thương toàn bộ đại tràng bên trái;
  • Người mắc hội chứng polyp có tính chất gia đình nên nội soi đại tràng hằng năm;
  • Với bệnh nhân ung thư đại tràng chưa thực hiện nội soi trước khi mổ (do mổ cấp cứu tắc ruột hoặc bán tắc ruột nên không soi được toàn bộ đại tràng) thì sau mổ 3 – 6 tháng nên soi đại tràng toàn bộ để phát hiện polyp hoặc ung thư. Nếu hình ảnh nội soi bình thường, bệnh nhân cần nội soi lại ở thời điểm 1 năm, 3 năm và 5 năm sau phẫu thuật;
  • Với bệnh nhân ung thư đại trực tràng trước khi mổ đã được nội soi đại tràng toàn bộ thì nên nội soi lại ở thời điểm 1 năm, 3 năm và 5 năm sau khi phẫu thuật;
  • Với bệnh nhân ung thư trực tràng nên soi đại tràng sigma 3 – 6 tháng/lần trong 2 năm đầu.

Tái khám sau khi cắt polyp đại tràng và tầm soát polyp, ung thư đại tràng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả. Người bệnh cần tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ về thời điểm tái khám sau cắt polyp đại tràng.

Tầm soát ung thư đại tràng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là lựa chọn tối ưu cho những người có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Vinmec đang cung cấp Gói Tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại tràng, bao gồm đầy đủ các xét nghiệm theo quy trình chuẩn quốc tế cho phép phát hiện sớm bệnh ung thư đại tràng kể cả khi chưa có triệu chứng.

Với gần 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trong chuyên ngành nội tiêu hóa - Gan mật tụy, mỗi năm bác sĩ Võ Thị Thùy Trang tham gia nội soi hơn 1500 ca bao gồm: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng như: phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa...; Nội soi điều trị như: Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polype ống tiêu hóa qua nội soi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe