Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
PABC được định nghĩa là ung thư vú xuất hiện trong thời kỳ mang thai hoặc trong vòng một năm sau khi sinh. Do đó, tiến trình bệnh và phương pháp điều trị cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi nếu được chẩn đoán trong thời kỳ mang thai.
1. Ung thư vú liên quan thai kỳ là gì?
Ung thư vú là bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở đến phụ nữ, chiếm 30% tổng số ca chẩn đoán ung thư mới vào năm 2018 (theo tài liệu của Hoa Kỳ), nhưng tiên lượng tương đối tốt với tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 90%. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ các trường hợp ung thư vú trong thời kỳ mang thai (được gọi là ung thư vú liên quan thai kỳ, pregnancy associated breast cancer, PABC), thường được phát hiện và chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn và có tiên lượng xấu hơn với tỷ lệ tử vong cao hơn gần 50% so với ung thư vú không liên quan đến thai kỳ.
2. Những phương tiện hình ảnh giúp chẩn đoán ung thư vú liên quan thai kỳ
Hầu hết phụ nữ mang thai đều nhỏ hơn độ tuổi khuyến cáo tầm soát nhũ ảnh hàng năm (tử 40 tuổi trở lên), với tuổi trung bình khi chẩn đoán PABC là 33-34 tuổi. Do đó, đánh giá hình ảnh PABC chủ yếu dựa vào khám lâm sàng và các phương tiện hình ảnh khác.
Hầu hết bệnh nhân có khối u ở vú sờ được và có thể dễ dàng đánh giá bằng siêu âm. Vì siêu âm không gây nhiễm xạ và độ nhạy cao từ 86,7% -100%, nên đây là phương tiện được lựa chọn hàng đầu. Trên hình ảnh siêu âm, sự gia tăng mô sợi trong thời kỳ mang thai làm cho nhu mô vú giảm âm lan tỏa. Trong thời kỳ cho con bú, nhu mô vú trở nên tăng hồi âm lan tỏa do sự tăng sinh của mô tuyến và sản xuất sữa giàu chất béo kèm theo giãn các ống tuyến và mạch máu.
Chụp nhũ ảnh cũng có thể được sử dụng để đánh giá PABC mặc dù không phải là lựa chọn được ưu tiên. Do độ tuổi trung bình của phụ nữ bị PABC thấp hơn tuổi tầm soát nhũ ảnh và hình ảnh nhũ ảnh cũng kém nhạy hơn siêu âm, chụp nhũ ảnh thường chỉ được khuyến nghị nếu bác sĩ rất nghi ngờ về bệnh lý ác tính hoặc để xác định mức độ lan rộng của tổn thương, trên nền bệnh nhân mang thai có đặc điểm mô vú tăng đậm độ và kích thước. Đối với phụ nữ đang cho con bú từ 40 tuổi trở lên, chụp nhũ ảnh được coi là thích hợp.
Chụp nhũ ảnh thường được coi là an toàn trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Thai nhi dễ bị dị tật do bức xạ nhất trong 3 tháng đầu, khi tiếp xúc với bức xạ lớn hơn 0,05 Gy. Tuy nhiên, việc chụp nhũ ảnh hai mặt phẳng tiêu chuẩn của mỗi bên vú có che chắn vùng bụng cho thấy thai nhi ở mức ~ 0,003-0,004 Gy, mức phơi nhiễm bức xạ thai nhi tối thiểu. Không có chứng minh tác dụng gây ung thư của chụp nhũ ảnh ở phụ nữ đang cho con bú.
Hiện nay, MRI vú có thuốc tương phản không được khuyến khích trong thai kỳ. Theo hội điện quang Hoa Kỳ (ACR), không có đủ dữ liệu an toàn cho thai nhi. MRI chỉ được khuyến khích trong thai kỳ khi tỷ lệ rủi ro - lợi ích được xác định rõ ràng bởi quá trình bệnh và kết quả dự đoán.
Trong thời kỳ cho con bú, MRI vú với thuốc tương phản khá an toàn, có thể được thực hiện để đánh giá sự lan rộng hoặc để tầm soát với bệnh nhân có nguy cơ cao. Gadolinium được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú với nồng độ rất thấp trong sữa. Hướng dẫn ACR hiện tại không yêu cầu bệnh nhân ngừng cho con bú, mặc dù bệnh nhân có thể hút và vắt bỏ sữa mẹ trong 24 giờ sau tiêm gadolinium để bài tiết thuốc hoàn toàn, tránh trẻ nuốt vào.
MRI vú cũng cho thấy những thay đổi sinh lý ở phụ nữ đang cho con bú như tăng nhu mô vú. Đó là mô vú bắt thuốc mô nền nhanh, mức độ trung bình hoặc rõ, là thứ phát sau tăng tưới máu. Ngoài ra, mô vú tăng tín hiệu lan tỏa trên T2W do thành phần sữa trong mô vú.
Các báo cáo trước đây đã đưa ra giả thuyết rằng tăng bắt thuốc mô nền sẽ hạn chế giá trị của MRI vú có thuốc tương phản ở bệnh nhân có thai và cho con bú; tuy nhiên, một số trường hợp nhỏ cho thấy MRI với thuốc tương phản từ có thể phát hiện chính xác tất cả các bệnh ung thư vú trong 5 trường hợp. Ngoài ra, trong một nghiên cứu hồi cứu gần đây, MRI trước phẫu thuật được chứng minh là có độ nhạy 98% trong việc phát hiện khối u. Quan trọng hơn, trong 28% các trường hợp đó, MRI đã thay đổi phương pháp phẫu thuật bởi thấy được mức độ lan rộng lớn hơn hoặc khối u lớn hơn so với siêu âm và chụp nhũ ảnh.
Như vậy, siêu âm là phương tiện được lựa chọn hàng đầu đối với tổn thương nghi ngờ ung thư vú liên quan thai kỳ đối với phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai cũng như đang cho con bú. Ngoài ra, phụ nữ đang cho con bú có thể cân nhắc chụp MRI vú với thuốc tương phản từ giúp đánh giá tốt hơn mức độ lan rộng của tổn thương.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang triển khai Gói tầm soát ung thư vú dành cho các đối tượng là phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tại Vinmec có đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết, hệ thống máy móc y tế hiện đại để thực hiện các phương pháp thăm khám, chẩn đoán, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, điều trị ung thư vú ở nhiều giai đoạn.
Theo đó, quy trình thăm khám và điều trị ung thư vú tại Vinmec được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, đã trải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ kỹ thuật, có thể xử lý nhanh và hiệu quả. Vì thế khi sử dụng gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú của Vinmec, Quý khách hàng có thể phát hiện được bệnh lý ung thư ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết trên dựa theo “Pregnancy-associated Breast Cancer and Other Breast Disease: A Radiologic Review” của các tác giả Andrew Ong, MD; Lisa A Mullen, MD; Susan C. Harvey, MD, cập nhật ngày 01/09/2020, trên tạp chí Applied Radiology.
Bài viết tham khảo nguồn: appliedradiology.com